Nằm ở độ cao gần 4.000 m so với mực nước biển thuộc vùng hẻo lánh Ladakh, phía tây bắc Ấn Độ trên dãy Himalaya hùng vỹ, ngôi làng nhỏ Rumbak được hình thành cách đây khoảng 400 năm.
Ngôi làng Rumbak có khoảng 200 người sinh sống trong ngôi làng nhỏ với kế sinh nhai chính là làm nông.
Những con đường dẫn tới làng Rumbak chỉ có thể di chuyển bằng lừa, đây cũng là loại phương tiện mà người dân dùng để vận chuyển hàng hóa và nhu yếu phẩm.
Do nằm ở vị trí hiểm trở, hẻo lánh, người dân trong làng chỉ được cấp điện 3 tiếng mỗi ngày từ 20h đến 23h. Cả làng cũng chỉ có một chiếc điện thoại để bàn duy nhất dùng trong trường hợp khẩn cấp. Ở nơi vắng vẻ như vậy, xung quanh không có sóng điện thoại di động.
Những ngôi nhà ở Rumbak được xây dựng giống kiểu nhà của dân Tây Tạng với mái bằng, tường quét vôi trắng và các khung cửa sổ, cửa đi được chia thành nhiều ô, làm bằng gỗ.
Người dân ở đây thường thức dậy và làm việc từ rất sớm, khoảng 5h sáng và trở về nhà trước 20h để chuẩn bị cơm tối. Đất đai ở Rumbak khá màu mỡ, đặc biệt là ở khu vực thung lũng nên người dân trồng được lúa mạch. Vì thế món cháo nấu từ bột yến mạch và trà bơ thường có trong bữa ăn của họ.
Một phụ nữ đi bộ trở về sau giờ làm đồng.
Dù nằm ở nơi hẻo lánh, nhưng những năm gần đây, nơi này đang dần trở nên phổ biến và trong làng đã xuất hiện chỗ ở homestay dành cho du khách mê mạo hiểm đi bộ đường dài.