Doanh nghiệp trong ngổn ngang khó khăn khi tái sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Cầm cự được qua thời gian giãn cách của đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư nhưng khi được tái sản xuất, nhiều doanh nghiệp “đụng đâu cũng thấy vướng”. Khôi phục lại sản xuất là bài toán nan giải.
Doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn khi tái sản xuất

Doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn khi tái sản xuất

Ông Nguyễn Quang Vinh- Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, vị “khách không mời mà đến” Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp kiệt sức, nhiều lĩnh vực kinh doanh kiệt quệ. Hàng loạt doanh nghiệp mất hợp đồng, mất dòng tiền, tương lai phía trước là tài chính suy kiệt, lực lượng lao động tan rã.

“Việc khôi phục lại sản xuất sẽ là bài toán nan giải. Nhiều doanh nghiệp vẫn đứng trước nguy cơ đóng cửa”- ông Nguyễn Quang Vinh nói.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm nay, cả nước đã có trên 90 nghìn doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh. Bình quân một tháng có hơn 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với năm 2020.

Còn theo thống kê của VCCI, năm 2020 có đến 93,9% doanh nghiệp bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh. Trong đó, có đến 34% doanh nghiệp bị ảnh hưởng hoàn toàn tiêu cực; 59,9% doanh nghiệp bị ảnh hưởng phần lớn là tiêu cực; có đến 87,2% bị ảnh hưởng tiêu cực.

Nắm bắt thực tế tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tại Hà Nội, ông Mạc Quốc Anh- Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cũng cho hay: “phần lớn các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn”.

Theo đó, các nhóm khó khăn chính mà doanh nghiệp tại Hà Nội đang gặp phải là các vấn đề liên quan đến miễn, giảm tiền thuê đất năm 2021, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ tiếp cận tài chính… để duy trì hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn vướng mắc liên quan đến chi phí chống dịch như: chi phí xét nghiệm Covid-19, phun khử khuẩn khi thực hiện giao hàng hóa tại các tỉnh, thành khác.

“Công xưởng có 10 người thì chỉ nên xét nghiệm 1 người đại diện, không nên cả 10 người, chi phí phát sinh lớn gây lãng phí. Hay như vấn đề phun khử khuẩn cũng nên chấm dứt…”- ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Các nhóm vấn đề khác doanh nghiệp muốn được hỗ trợ là đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội cho phép doanh nghiệp được tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội hết năm 2021; rà soát các mắt xích logistics và có giải pháp ổn định chi phí này; tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa thuận lợi, không bị ách tắc, thống nhất trên toàn quốc về việc kiểm soát lưu thông hàng hoá, kiểm soát người đi lại trong mùa dịch…

Từng phải sản xuất cầm chừng trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, ông Nguyễn Quang Trung- Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ (PMTT GROUP) cho hay, khi trở lại sản xuất, công ty gặp không ít khó khăn. Hiện công ty đang phải ổn định nhân sự, bố trí ca kíp để làm bù các đơn hàng.

Ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, cần thực hiện mạnh mẽ cải cách hành chính ở 2 nhóm thủ tục là: nhóm thủ tục đưa dự án đầu tư vào hoạt động (đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường…); Và nhóm thủ tục xuất nhập khẩu (hải quan và kiểm tra chuyên ngành).

Theo ông Đậu Anh Tuấn, quy mô xuất khẩu đang rất lớn nên nếu quá trình làm thủ tục này được rút ngắn, thì hiệu quả tạo ra sẽ rất lớn.

Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Phụng- Vụ trưởng Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2020, đã có trên 30 loại phí và lệ phí liên quan đến hoạt động doanh nghiệp có ảnh hưởng bởi Covid-19 đã được giảm từ 30-70% và điều này đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp.

Từ đầu năm đến nay, các chính sách hỗ trợ hoãn, giãn thuế vẫn tiếp tục được thực hiện. Tuy nhiên, các kiến nghị xung quanh chính sách này vẫn còn rất nhiều.

“Có rất nhiều kiến nghị xoay quanh chính sách này, tuy nhiên phải lý giải rằng các doanh nghiệp đang hoạt động có rất nhiều loại hình, nếu hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp, thì nguồn thu ngân sách sẽ không bảo đảm. Do đó, trong lúc khó khăn những doanh nghiệp nhỏ và vừa, dễ bị tổn thương cần được hỗ trợ nhiều hơn.

Cho dù biết rằng, doanh nghiệp lớn có khó khăn lớn, doanh nghiệp nhỏ có khó khăn nhỏ, nhưng đứng về lĩnh vực tài chính ngân sách, thì nguồn lực quốc gia chưa đủ, chưa có điều kiện để chia sẻ với doanh nghiệp lớn bằng tiền mặt, vì vậy sẽ chia sẻ bằng cơ chế chính sách, bằng những động thái để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể phát triển, phục hồi nhanh”- ông Nguyễn Văn Phụng nói.