Doanh nghiệp than mức đóng cao, bảo hiểm xã hội vạch rõ "chiêu" chia nhỏ thu nhập để lách luật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, có doanh nghiệp chia ra hơn 100 loại phụ cấp, phúc lợi để không tính là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội khiến cơ quan bảo hiểm xã hội không đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu doanh nghiệp tính đóng bảo hiểm.
Có doanh nghiệp chia ra hơn 100 loại phụ cấp, phúc lợi để giảm mức đóng bảo hiểm xã hội
Có doanh nghiệp chia ra hơn 100 loại phụ cấp, phúc lợi để giảm mức đóng bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH phản hồi về đề xuất của 13 hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng kiến nghị giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội khi hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội chỉ được cân nhắc điều chỉnh tăng có lộ trình trong Luật Bảo hiểm xã hội 2007; từ Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đến dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) hiện nay đều không xem xét đến vấn đề này, để đảm bảo tính ổn định, bền vững.

Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam tương đương một số nước như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia… nhưng tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa ở Việt Nam cao nhất khu vực, thậm chí cao nhất trên thế giới.

Số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam tương đương một số nước trong khu vực, như: Trung Quốc (gần 33% tiền lương tháng), Nhật Bản (gần 30%), Malaysia (26,7%), Bồ Đào Nha (gần 35%), Đức (gần 40%), Brazil (29%), Argentina (27%)…

Về mức hưởng lương hưu tại Việt Nam tối đa bằng 75% tiền lương tính đóng (nữ đóng 30 năm, nam đóng 35 năm). Bình quân mỗi năm đóng được hưởng 2,5% tiền lương đóng đối với nữ và 2,14% đối với nam. Trong khi các nước như Trung Quốc và Hàn Quốc tỷ lệ này chỉ là 1%; bình quân của thế giới cũng chỉ khoảng 1,7%.

ILO cũng đánh giá, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội của Việt Nam đang tương đương mức đóng của các nước có hệ thống bảo hiểm xã hội được thiết kế tương tự Việt Nam (có các chế độ tương tự, không tính bảo hiểm y tế). Một số nước có mức đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn nhưng các chế độ cũng ít hơn rất nhiều, một số rủi ro với người lao động doanh nghiệp sẽ phải chi trả khi xảy ra.

Cụ thể trường hợp của Malaysia, mức đóng bảo hiểm xã hội tương đương 26,7% lương tháng, thấp hơn Việt Nam, nhưng khi người lao động ốm đau, sinh con, người sử dụng lao động sẽ phải trực tiếp chi trả, quỹ bảo hiểm xã hội không chi trả; tương tự với một số nước không có chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. ILO cho rằng, cần hết sức cẩn trọng khi so sánh mức đóng.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp đang so sánh mức đóng bảo hiểm xã hội với các nước có mô hình đóng – hưởng bảo hiểm xã hội không tương đồng với Việt Nam. Với Việt Nam, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cao nhưng hưởng cũng cao. Tuy nhiên, lương hưu thực tế của người lao động lại thấp, do tiền lương tính đóng thấp.

Năm 2022, tiền lương làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội của người lao động chỉ bình quân 5,7 triệu đồng/tháng, nên thực tế lương hưu bình quân cũng chỉ 5,4 triệu đồng/người/tháng.

Hiện, tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội gồm lương và các khoản bổ sung chi trả hằng tháng như lương, nhưng chưa phải toàn bộ thu nhập tháng của người lao động. Do đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, nhiều doanh nghiệp thực thi không đầy đủ, tách thu nhập của người lao động thành nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp để không phải tính đóng bảo hiểm xã hội.

Nhiều doanh nghiệp tồn tại 3 loại thu nhập, gồm thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, thu nhập để quyết toán và thu nhập thực tế. Có doanh nghiệp chia ra hơn 100 loại phụ cấp lẫn phúc lợi khiến cơ quan bảo hiểm xã hội không đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu doanh nghiệp tính đóng bảo hiểm xã hội với các loại phụ cấp này.

Cho nên, việc doanh nghiệp đề xuất giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội đồng nghĩa sẽ giảm mức hưởng của người lao động vốn đã thấp do giảm số năm đóng, nên không phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của Việt Nam.