Ở Việt Nam có một loài chim được mệnh danh chúa tể bầu trời và rất ít thông tin về chúng, đó là đại bàng núi.
Đại bàng núi còn được gọi là diều núi, có tên khoa học là (Nisaetus nipalense), thuộc chi Spizaetus, thuộc loài chim săn mồi.
Chúng có độ dài thân từ 70 - 100cm với sải cánh dài đến gần 2m. Ở Việt Nam, chúng không phải là loài lớn nhất, nhưng chúng được coi là chúa tể bầu trời, là vua của các loài chim.
Chúng có bộ móng cực sắc, cặp chân hùng dũng, chỏm lông trên đầu trông rất oai vệ.
Loài đại bàng núi phân bố trên địa bàn khá rộng. Chúng có mặt ở nhiều nước Đông Nam Á. Ở mỗi vùng chúng lại có một chút khác biệt.
Ở Việt Nam, chúng phân bố khá rộng. Chúng có mặt ở khắp vùng núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Tuy nhiên, rất khó để gặp đại bàng núi, bởi chúng sống ở vùng núi cao, heo hút, nơi không có con người sinh sống.
Chúng thường làm tổ ở ngọn cây, trong rừng rậm, trên các đỉnh núi cao, hiểm trở, nơi thợ săn cũng không tìm đến được.
Đại bàng núi chỉ đẻ một trứng. Sinh sản ít, lại bị săn lùng ráo riết, nên đại bàng núi ngày càng ít dần.
Đại bàng núi ăn các loại động vật có vú nhỏ, nhiều loại chim, bò sát. Nó sẵn sàng quắp cả con rắn lớn mang lên bầu trời.
Với bộ móng sắc lẹm như dao, nó dễ dàng xả thịt con mồi để ăn một cách ngon lành.
Đại bàng núi có vẻ đẹp oai dũng, nên được giới nuôi thú săn lùng ráo riết. Người ta sẵn sàng bỏ ra cả nghìn USD để sở hữu một con đại bàng núi.
Ở Việt Nam, đại bàng núi đã nằm trong sách đỏ, là loài cấm săn bắt, mua bán dưới mọi hình thức.