Doanh nghiệp bất động sản chật vật xử lý nợ trái phiếu chậm trả

ANTD.VN - Nhiều “ông lớn” bất động sản như Novaland, Hưng Thịnh Land chỉ hoàn trả được 5-10% trái phiếu chậm trả trong năm 2024, cho thấy các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong quá trình xử lý trái phiếu doanh nghiệp chậm trả.

Khoảng 17% trái phiếu có nguy cơ chậm trả trong năm 2025

Theo tổng hợp của VIS Rating, năm 2024 có 485 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành mới, tăng 40% so với năm 2023.

Trong tháng 12/2024, báo cáo của VIS Rating cho thấy, có 19% số tổ chức phát hành phát hành trái phiếu có hồ sơ tín nhiệm ở mức “Dưới trung bình” hoặc yếu hơn, hầu hết đều thuộc nhóm phi tài chính.

Trong tháng, 2 trái phiếu chậm trả lần đầu thuộc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) với tổng giá trị gốc trái phiếu là 830 tỷ đồng. Theo công bố thông tin ngày 3/1/2025, Novaland đang đàm phán với các trái chủ và sẽ thanh toán khoản chậm trả trước ngày 8/1/2025, tuy nhiên hiện chưa có thông tin về tiến độ thanh toán của khoản này.

Trước đó, HĐQT Novaland cũng công bố thông tin mua lại 21 trái phiếu của công ty với tổng giá trị tối đa 7.000 nghìn tỷ đồng, bao gồm 2 trái phiếu trên.

Có 11 tổ chức phát hành chậm trả gốc/lãi lần đầu trong năm 2024 tính đến thời điểm hiện tại, giảm đáng kể so với 79 tổ chức phát hành chậm trả gốc/lãi trong năm 2023.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp khó khăn trong xử lý trái phiếu doanh nghiệp chậm trả

Tỷ lệ chậm trả lũy kế vào cuối tháng 12/2024 giữ ở mức 14,5%. Nhóm năng lượng có tỷ lệ chậm trả cao nhất ở mức 43%, trong khi nhóm bất động sản nhà ở chiếm 62% tổng lượng trái phiếu chậm trả.

Trong tháng 1/2025, VIS Rating cho biết, có 5 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, 2/9 trái phiếu đáo hạn có nguy cơ chậm trả, chiếm 22%, đều thuộc nhóm ngành bất động sản nhà ở.

Cả năm 2025 có khoảng 110.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản nhà ở đáo hạn trong đó có 31.000 tỷ đồng chậm trả gốc lãi trước đó. Những trái phiếu này đã chậm trả lãi hoặc chậm trả nợ gốc trước khi gia hạn đến năm 2025.

Trong 224.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn năm 2025, các nhà phân tích ước tính 17% trái phiếu doanh nghiệp có rủi ro chậm trả nợ gốc, 94% giá trị trái phiếu rủi ro này đến từ nhóm bất động sản nhà ở và du lịch, nghỉ dưỡng.

Doanh nghiệp bất động sản chật vật với trái phiếu chậm trả

Về tình hình xử lý trái phiếu doanh nghiệp chậm trả, theo VIS Rating, 85% nợ gốc trái phiếu đã chậm trả được hoàn trả trong tháng 12/2024 đến từ các tổ chức phát hành nhóm bất động sản nhà ở với tổng giá trị gốc là 2.300 tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ thu hồi trái phiếu chậm trả của nhóm ngành bất động sản nhà ở tăng 1,4% lên mức 22,7% vào cuối tháng 12/2024.

Trong tháng 12/2024, các tổ chức phát hành đã trả cho trái chủ tổng cộng 2.800 tỷ đồng dư nợ gốc trái phiếu chậm trả.

Trong đó, Công ty CP Kinh doanh Bất động sản Thái Bình và Công ty TNHH Vịnh Ngôi Sao đã hoàn trả toàn bộ số tiền gốc còn lại của trái phiếu.

Novaland công bố đã hoàn trả toàn bộ gốc của 5 trái phiếu cho các trái chủ với tổng giá trị gốc trái phiếu là 1.550 tỷ đồng. Những trái phiếu này đã chậm trả lãi coupon vào tháng 7 và tháng 8/2023.

Trong năm 2024, Novaland đã hoàn trả khoảng 2.000 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu, chỉ đạt gần 10% tổng giá trị gốc của các trái phiếu chậm trả gốc lãi, cho thấy doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong quá trình xử lý TPDN chậm trả.

Công ty CP Hưng Thịnh Land đã hoàn trả 28,4 tỷ đồng gốc trái phiếu bằng phương thức hoán đổi tài sản khác. Tổ chức phát hành này không công bố chi tiết loại tài sản dùng để hoán đổi. Trong năm 2024, giá trị gốc trái phiếu chậm trả gốc lãi được hoàn trả thấp hơn 5% tổng lượng trái phiếu chậm trả của tổ chức phát hành này.