Dịp nghỉ lễ: Cảnh giác cao độ, thực hiện nghiêm phòng, chống dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay kéo dài 4 ngày liên tục là dịp để người dân cả nước nghỉ ngơi, vui chơi, song trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường đang rình rập, hễ chúng ta mất cảnh giác, sơ hở là sẵn sàng ập vào gây họa. Vì thế, hơn lúc nào hết, cả hệ thống chính trị và mỗi người dân chúng ta cần luôn cảnh giác cao độ, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống với thứ “giặc” nguy hiểm dịch Covid-19.
Mọi người dân hãy hạn chế đi lại nếu không thật sự cần thiết dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay để góp phần giữ vững thành quả đạt được trong “cuộc chiến” chống Covid-19

Mọi người dân hãy hạn chế đi lại nếu không thật sự cần thiết dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay để góp phần giữ vững thành quả đạt được trong “cuộc chiến” chống Covid-19

“Cơn bão” dịch Covid-19 tiếp tục càn quét

Nhìn ra thế giới, nhất là các nước láng giềng có chung đường biên giới với nước ta, có thể thấy đại dịch Covid-19 đang gây ra những thảm cảnh, khủng hoảng nghiêm trọng. Theo báo cáo của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, thế giới đến nay đã ghi nhận hơn 149,36 triệu ca mắc Covid-19 (tức gần cột mốc đáng buồn 150 triệu người nhiễm bệnh), trong đó có hơn 3,14 triệu trường hợp tử vong và hơn 127 triệu bệnh nhân đã bình phục.

Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca mắc cao và lây lan diện rộng tại các quốc gia như Mỹ, Ấn Độ, Ba Lan và Brazil. “Điểm nóng” dịch toàn cầu lúc này đã chuyển từ Mỹ sang Ấn Độ với số ca mắc mới trong 24h qua ghi nhận ở mức rất cao là 360.000 ca mắc Covid-19 mới, mức kỷ lục thế giới về số ca nhiễm trong một ngày và trở thành ngày thứ 7 liên tiếp có số ca nhiễm mới trên mức 300.000 ca/ngày. Kỷ lục đau thương khác cũng được ghi nhận trong 24 giờ qua tại Ấn Độ là 3.293 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 lên 201.187 ca và đây là lần đầu tiên kể từ khi dịch bùng phát, quốc gia Nam Á này ghi nhận số ca tử vong theo ngày vượt mốc 3.000 người trong 24 giờ.

Nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng đang chứng kiến “làn sóng” lây nhiễm Covid-19 nghiêm trọng, trong đó có 3 quốc gia vốn được coi là khá an toàn và hiệu quả trong việc phòng chống đợt dịch bùng phát đầu tiên vào năm 2020 là Lào, Campuchia và Thái Lan. Lào vào ngày 26-4 đã ghi nhận thêm 113 ca mắc Covid-19 mới và đây là lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh xuất hiện, quốc gia có đường biên giới tiếp giáp với nước ta này ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 trong ngày ở mức 3 con số.

Tổng số ca bệnh Covid-19 ở Campuchia tính tới ngày 28-4 đã vượt mốc 10.000. Phần lớn số ca bệnh trong làn sóng dịch hiện nay ở nước này liên quan tới “sự cố lây nhiễm cộng đồng hôm 20-2”. Chính phủ Campuchia đã phải gia hạn lệnh phong tỏa thêm 7 ngày nữa tại Thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao đến ngày 5-5 tới để ngăn chặn đà lây lan của đại dịch Covid-19.

Thủ đô Bangkok của Thái Lan tiếp tục là tâm điểm của “làn sóng” dịch Covid-19 lần thứ ba ở nước này với 9.076 ca mắc mới từ đầu tháng 4-2021, gấp 3 lần so với “điểm nóng” thứ hai là tỉnh Chiang Mai. Chính quyền Bangkok đã ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang nhằm giảm dần số ca mắc mới Covid-19 ở thành phố này, đồng thời yêu cầu đóng cửa 31 loại hình kinh doanh trong hai tuần kể từ ngày 26-4.

Cho dù đang kiểm soát dịch khá tốt, song quốc gia láng giềng khác với nước ta là Trung Quốc đã đưa ra những khuyến cáo về y tế và công tác phòng chống dịch Covid-19 đối với hơn 1,4 tỷ dân nước này trong bối cảnh cơn sốt du lịch dự kiến lên tới cao trào trong kỳ nghỉ lễ 5 ngày nhân dịp ngày Quốc tế Lao động 1-5 năm nay, với lưu lượng hành khách dự kiến đạt 250 triệu lượt người. Trung Quốc khuyến cáo những người trở về sau chuyến du lịch nên cách ly trong 14 ngày và phải đề phòng để tránh lây nhiễm cho người khác, nếu thấy có bất kỳ triệu chứng mắc Covid-19 nào thì người dân nên lập tức đi khám và thông báo cho cơ quan y tế về lịch sử đi lại của mình.

Đồng lòng quyết tâm giữ vững thành quả đạt được

Việt Nam lúc này như một “ốc đảo” trong bối cảnh “cơn bão” đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới cũng như các quốc gia láng giềng. Chúng ta đã kiểm soát rất tốt đại dịch khi đã 34 ngày qua không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Vì thế, ngăn chặn không để xuất hiện một “làn sóng” dịch Covid-19 mới ở nước ta là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, một thách thức rất lớn.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 chiều 27-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, nguy cơ dịch bệnh ở nước ta rất cao không chỉ từ nguồn xâm nhập mà ngay cả ở trong nước. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo, việc xuất hiện đợt dịch thứ tư ở Việt Nam là nguy cơ hiện hữu. Vị “tư lệnh” ngành Y tế cũng nêu rõ, lo lắng trước nguy cơ lây nhiễm từ ngoài vào Việt Nam cộng thêm việc một bộ phận người dân lơ là, mất cảnh giác với việc lây nhiễm Covid-19.

Việc cả nước đã qua 34 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng và tất cả các trường hợp mắc Covid-19 trong thời gian qua đều là ca nhập cảnh đã được cách ly khiến không ít người dân nảy sinh tâm lý lơ là, chủ quan, tụ tập đông người, không đeo khẩu trang. Trên cả nước liên tục phát hiện những trường hợp nhập cảnh trái phép hoặc các trường hợp nếu không quản lý tốt sẽ có thể có ca nhiễm với biến chủng lây lan tốc độ nhanh, dẫn đến nguy cơ ghi nhận ca mắc mới. Đặc biệt, trong dịp các ngày nghỉ lễ dài 30-4, 1-5 và nghỉ hè, đây là thời điểm người dân đi du lịch, di chuyển và tập trung đông người nên nguy cơ lây nhiễm lớn.

Người đứng đầu Bộ Y tế nước ta đã bày tỏ lo lắng khi số ca mắc Covid-19 tăng vọt tại nhiều nước trong khu vực và nêu rõ, trên thế giới tất cả những đợt dịch xảy ra lần sau thường lớn hơn, mạnh hơn và tàn khốc hơn lần trước. Vì thế, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, nước ta cần hết sức cảnh giác, tập trung triển khai tất cả các biện pháp phòng chống dịch, tích cực chủ động để làm sao kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19.

Thường trực Ban Bí thư ngày 27-4 đã yêu cầu, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong các ngày nghỉ lễ 30-4, 1-5 cũng như chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, yêu cầu khống chế và kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan trong nước, tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Bộ Y tế kêu gọi người dân đồng lòng, quyết tâm thực hiện các biện pháp phòng chống để ngăn ngừa nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhất là dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay. Theo đó, mỗi người dân hãy hạn chế́ đến nơi công cộng, tụ tập đông người không cần thiết.

Cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và mỗi người dân không được chủ quan, lơ là. Người dân luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch Covid-19, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép cần lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly kịp thời. Cùng với đó, thực hiện tốt khuyến cáo “5K”: “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế” để phòng, chống dịch Covid-19.

Khi đại dịch mới bùng phát đầu năm 2020, nhiều quốc gia trên thế giới đã nêu cao khẩu hiệu “Ở yên một chỗ là yêu nước” hay “Ai ở đâu ở đó là yêu nước”. Khẩu hiệu này hiện còn nguyên giá trị trong bối cảnh dịch Covid-19 xuất hiện những biến thể mới có khả năng lây nhiễm mạnh hơn. Bởi thế, vì lợi ích của đất nước, cộng đồng và của chính mình, mỗi người dân chúng ta hãy đồng lòng quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19 đạt được, cảnh giác cao độ, phòng ngừa nghiêm ngặt thứ “giặc” nguy hiểm này, trước hết trong dịp nghỉ lễ sắp tới.