Xây chắc tường thành chống đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước những diễn biến rất phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19 ở các quốc gia láng giềng, việc kiểm soát chặt chẽ biên giới để ngăn chặn trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp, tiềm ẩn nguy cơ mầm mống dịch bệnh là nhân tố có vai trò vô cùng quan trọng bảo vệ thành quả chống dịch của nước ta lúc này.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra và động viên lực lượng cắm chốt ở biên giới đề phòng chống người nhập cảnh trái phép

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra và động viên lực lượng cắm chốt ở biên giới đề phòng chống người nhập cảnh trái phép

Thành quả chống dịch Covid-19 gian khó và tự hào

Tính tới sáng 19-4, nước ta ghi nhận tổng cộng 2.781 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19), trong đó đã có 2.475 người khỏi bệnh, ra viện. Trong số 306 bệnh nhân Covid-19 hiện đang được điều trị, có 45 người đã âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 từ 1-3 lần, gồm: 11 ca âm tính lần 1; số ca âm tính lần 2: 16 ca; số ca âm tính lần 3 là 18 ca.

Trong tổng số 2.781 trường hợp mắc Covid-19 tại nước ta có tổng cộng 1.570 ca mắc bệnh do lây nhiễm trong nước. Chỉ riêng đợt lây nhiễm thứ ba, bắt đầu từ ngày 27-1-2021 với các trường hợp lây nhiễm cộng đồng tại Hải Dương và Quảng Ninh, đã có tới 910 ca, tức là chiếm hơn 1/2 tổng số ca bệnh do lây nhiễm trong nước.

Đợt lây nhiễm thứ ba được đánh giá là đợt lây nhiễm nghiêm trọng nhất tại nước ta kể từ dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020. “Tâm dịch” Hải Dương bị nặng nhất với 726 ca, tiếp đến là Quảng Ninh 61 ca, TP.HCM 36 ca, Hà Nội 34 ca, Gia Lai 27 ca, Bình Dương 6 ca, Bắc Ninh 5 ca, Hải Phòng 4 ca, Điện Biên và Hưng Yên cùng có 3 ca, Bắc Giang và Hòa Bình đều 2 ca, và Hà Giang 1 ca.

Tuy diễn biến nghiêm trọng và phức tạp, song chúng ra cũng đã chặn đứng được “làn sóng” lây nhiễm thứ ba. Tính tới ngày 19-4, 10 tỉnh, thành phố gồm Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP.HCM đã 64 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng; Hà Nội 61 ngày và Hải Phòng 54 ngày. “Tâm dịch” Hải Dương cũng đã 24 ngày qua không phát hiện ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.

Để đạt được thành quả chống dịch Covid-19 trên, chúng ta bên cạnh việc áp dụng những biện pháp đúng đắn, mạnh mẽ, quyết liệt ngay từ đầu, cũng phải chấp nhận những thiệt hại nhất định. Ngay đợt dịch đầu tiên hồi tháng 4-2020, chúng ra đã tiến hành thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa nhiều tỉnh thành và khu vực, trong đó có thành phố Hà Nội, trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

Trong đợt dịch thứ hai, “tâm dịch” Đà Nẵng, thành phố lớn thứ ba của cả nước, đã tiến hành giãn cách xã hội hơn một tháng, từ ngày 28-7 đến ngày 5-9-2020. Trong đợt dịch thứ ba, cả tỉnh Hải Dương cũng tiến hành giãn cách xã hội trong thời gian hơn một tháng ở các mức độ khác nhau. Có thể nói, mỗi lần thực hiện giãn cách xã hội, dù nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ hay nới lỏng hơn theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, thì đều ảnh hưởng nhất định tới kinh tế-xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật của người dân như người dân ở Hải Dương 3 ngày mới được đi chợ một lần để mua những hàng hóa thiết yếu phục vụ sinh hoạt.

Thành quả chống dịch đáng tự hào vì thế bên cạnh những biện pháp đúng đắn cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, còn có sự ủng hộ, chung sức đồng lòng của người dân. Sự hy sinh với tinh thần “chống dịch như chống giặc” do đó đã có đền đáp xứng đáng bằng thành tựu chống dịch được thế giới ghi nhận, đánh giá cao, thể hiện sinh động nhất là con số tăng trưởng kinh tế ấn tượng của nước ta.

Chặn dịch từ biên giới

Đạt được thành quả đáng tự hào về chống đại dịch Covid-19 nhưng giữ vững được thành quả này xem ra còn khó khăn hơn, nhất là khi dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này có những biến chủng mới dễ lây lan hơn cũng như đang diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới, trong đó có những quốc gia láng giềng có chung đường biên giới trên bộ và trên biển. Trong đó, hai nước sát biên giới nước ra là Thái Lan và Campuchia đang xuất hiện “làn sóng” dịch Covid-19 mới, rất nghiêm trọng.

Campuchia ngày 18-4 ghi nhận 618 ca mắc Covid-19 mới và số ca tử vong tăng lên 43, trong khi Thái Lan quyết định đình chỉ các chuyến bay nội địa từ 11h tối đến 4 giờ sáng để phòng chống dịch bệnh. Bộ Y tế Campuchia cho biết 618 ca mắc Covid-19 đều có liên quan tới đợt bùng phát từ “Sự cố lây nhiễm cộng đồng 20-2” và đây là con số mắc Covid-19 trong một ngày cao nhất từ trước tới nay. Tính đến hết ngày 18-4, Campuchia có 6.389 ca mắc Covid-19, trong khi tính tới trước ngày 20-2, Campuchia là một trong những quốc gia và vùng lãnh thổ có người nhiễm bệnh Covid-19 ít nhất thế giới.

Cùng với thực hiện nghiêm chiến lược “Vaccine + 5K” ở trong nước, việc kiểm soát và ngăn chặn người nhập cảnh trái phép hiện có vai trò hết sức quan trọng trong cuộc phòng chống dịch Covid-19 để giữ vững những thành quả mà chúng ta phải hết sức khó khăn, chịu nhiều thiệt hại mới có được. Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà Bộ Y tế tổ chức 5 Đoàn đi kiểm tra công tác quản lý nhập cảnh, cách ly, giám sát y tế và triển khai tiêm vaccine phòng chống dịch Covid-19 tại một số tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ, trong đó đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đầu một đoàn kiểm tra.

Trong các tỉnh có biên giới ở khu vực Tây Nam bộ, Kiên Giang đang được xem là “điểm nóng” phòng chống dịch Covid-19 khi có tới hơn 56 km đường biên giới chung với Campuchia trên đường bộ lẫn trên biển cùng hơn 145 hòn đảo lớn nhỏ. Bộ Y tế nhận định, Kiên Giang là địa phương có “đường biên dài, vùng biển rộng nhưng khoảng cách nhỏ” do đó nguy cơ dịch bệnh xâm nhập tại Kiên Giang, đặc biệt là khu vực biên giới tại thị xã Hà Tiên là rất lớn.

Tới thị sát và kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại “điểm nóng” Kiên Giang, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị, tiếp tục thực hiện nghiêm việc quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19 trên đường bộ và trên biển; Tuyên truyền, phổ biến để huy động người dân tham gia công tác đấu tranh, tố giác các trường hợp nhập cảnh trái phép theo tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ” và “người dân là tai là mắt, giám sát cộng đồng rất tốt”. Ông yêu cầu tăng cường, chủ động công tác lấy mẫu giám sát tại các địa điểm, nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhằm kiểm soát tốt và giúp phát hiện sớm các trường hợp ca bệnh, tránh nguy cơ dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng. Ngành y tế cũng cần chuẩn bị kịch bản trong tình huống xấu hơn, trong đó có kế hoạch thiết lập bệnh viện dã chiến tại vùng biên giới.

Quyết tâm bảo vệ thành quả đạt được, không để xảy ra “làn sóng” dịch Covid-19 mới, chúng ta đang nỗ lực với những biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ để dựng lên bức tường thành ngăn chặn dịch bệnh ngay từ biên giới.

Tin cùng chuyên mục