Điều gì khiến Đức phải mua lại xe tăng Leopard 2A4 đã loại biên từ Thụy Sĩ?

ANTD.VN - Giới phân tích cho rằng, việc Đức mua lại một số xe tăng Leopard 2A4 đã loại biên của Thụy Sĩ là giải pháp tình thế trong khi họ chờ loại xe tăng mới đang được sản xuất, nhằm bù đáp cho số xe tăng đã viện trợ cho Ukraine. 
Chính phủ Thụy Sĩ chấp thuận tái xuất khẩu 25 xe tăng chủ lực Leopard 2A4 mà nước này đã loại biên cho một công ty của Đức.
Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ, tức chính phủ nước này, ngày 22/11 thông báo đã phê duyệt đơn đề nghị tái xuất khẩu số xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A4 cho hãng chế tạo chúng là công ty Rheinmetall Landsysteme.
"Số xe tăng này không được chuyển đến Ukraine", Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ khẳng định, đồng thời cho biết việc xuất khẩu 25 xe tăng Leopard 2A4 sang Đức đáp ứng quy định trong Đạo luật Vật tư Chiến tranh của nước này.
"Đức đã cam kết rằng số xe tăng trên sẽ ở lại nước này hoặc các đồng minh NATO hay đối tác Liên minh châu Âu (EU) của họ để bù đắp thiếu hụt đang diễn ra", thông cáo có đoạn.
Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck và Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius ngày 23/2 gửi công văn đề nghị Thụy Sĩ bán lại một số xe tăng Leopard 2A4 đã ngừng hoạt động cho Rheinmetall.
Các quan chức Đức khẳng định số xe tăng họ mua lại "sẽ không được chuyển tới Ukraine".

Hạ viện và Thượng viện Thụy Sĩ phê duyệt quyết định loại biên 25 xe tăng Leopard 2A4 đã ngừng hoạt động vào tháng 6 và tháng 9, với điều kiện bán lại chúng cho hãng sản xuất.

Văn phòng Mua sắm Quốc phòng Liên bang Thụy Sĩ sau đó nộp đơn xin giấy phép xuất khẩu lên Ban Thư ký Nhà nước về Các vấn đề kinh tế.

Luật xuất khẩu vũ khí và các nguyên tắc chính sách đối ngoại của Thụy Sĩ dựa trên Đạo luật Vật tư Chiến tranh, yêu cầu đối tác không chuyển giao chúng cho nước thứ ba nếu không có sự đồng ý trước của họ.

Thụy Sĩ cũng không chấp nhận chuyển vũ khí cho các khu vực đang xảy ra chiến sự, nhằm đảm bảo trạng thái trung lập của nước này.

Trạng thái trung lập là một trụ cột trong chính sách an ninh và đối ngoại của Thụy Sĩ.

Điều này đồng nghĩa Thụy Sĩ không thể tham gia vào xung đột của các quốc gia khác, cũng như cung cấp hỗ trợ quân sự trực tiếp hay gián tiếp cho bất cứ bên tham chiến nào.

Quân đội Thụy Sĩ đang vận hành 134 xe tăng Leopard 2A4 với định danh Panzer 87, được hiện đại hóa lên chuẩn WE năm 2006.
Ngoài ra, lực lượng này còn có 96 chiếc Leopard 2A4 không hoạt động và chưa trải qua đợt đại tu nào.
Việc Đức quyết định mua lại các xe tăng Leopard 2A4 cũ đã loại biên của Thụy Sĩ có thể là giải pháp tình thế trong khi chờ đợi sản xuất đủ xe tăng mới, bù vào số đã viện trợ cho Ukraine.
Xe tăng Leopard 2A4 là phiên bản phổ biến nhất của gia đình Leopard 2, dòng chiến xa chủ lực được phát triển bởi Tập đoàn Krauss - Maffei của Đức.
Loại xe tăng này có một vài thay đổi ở hệ thống treo, hệ thống ngắm bắn tự động và hệ thống hỗ trợ hỏa lực.
Giáp tháp pháo của Leopard 2A4 cũng được cải tiến so với phiên bản cũ với việc sử dụng hợp kim titanium và vonfram.
Loại xe tăng này được đánh giá là có hiệu quả chiến đấu tốt so với giá thành khá mềm của chúng.
Bắt đầu được bán ra từ năm 1992, Leopard 2A4 bao gồm các xe tăng sản xuất mới và gói nâng cấp dành cho các phiên bản cũ lên chuẩn 2A4.
Leopard 2A4 được lắp đặt động cơ diesel 12 xi lanh MTU-12 MB 873-Ka 501 công suất 1.479 mã lực, cho tốc độ tối đa 68 km/h trên đường tốt và 31 km/h trên đường xấu.
Mặc dù là động cơ chạy dầu diesel nhưng nó có thể tiếp nhận đa nhiên liệu, bao gồm các loại xăng cơ bản để có thể nhanh chóng tiếp tục hành trình.
Vì được bố trí đặc biệt nên việc thay động cơ của Leopard-2A4 chỉ mất 15 phút trong khi đó T-90 phải mất tới 6 giờ.
Leopard 2A4 được trang bị pháo nòng trơn Rheinmetall 120 mm hoạt động ổn định có thể bắn một loạt các loại đạn.
Trong số này có đạn chống tăng DM33 APFSDS-T của Đức, có thể xuyên 560 mm (22 in) thép trong phạm vi 2.000 m.
Leopard 2A4 mang theo tổng cộng 42 viên đạn với 27 viên được cất ở phía bên trái người lái, 15 viên ở bên trái của tháp pháo.
Khoang chứa đạn được ngăn cách với khoang chiến đấu bằng một cửa dẫn động bằng điện.
Leopard 2A4 cũng được trang bị hai súng máy, một súng máy đồng trục 7,62mm được lắp ở bên trái của vũ khí chính và một súng máy 7,62mm ở cửa sập của bộ nạp đạn.
Leopard 2A4 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực máy tính có tầm bắn tối đa 10.000 m với độ chính xác trong phạm vi 20 m.
Leopard 2A4 tuy ra đời đã lâu nhưng cho tới thời điểm hiện tại đây vẫn được đánh giá là dòng xe tăng chủ lực mạnh mẽ, vẫn đảm đương được nhiệm vụ trong tác chiến hiện đại.
Với tiềm lực khoa học quốc phòng phát triển, lại là nơi sản xuất ra dòng Leopard 2A4 này, Đức có thể nhanh chóng hiện đại hóa để có thể sử dụng được dòng xe tăng này.