Điểm danh những loại xe tăng bánh lốp thiện chiến nhất trong NATO

ANTD.VN - Mỹ, Ý hay Pháp đều có những chiếc xe tăng bánh lốp thiện chiến được dùng để chi viện hoả lực trực tiếp cho bộ binh, thậm chí nếu cần chúng hoàn toàn có thể tiêu diệt nhiều loại xe tăng bánh xích hạng trung.

So với xe tăng bánh xích thì xe tăng bánh lốp thuộc diện thấp bé, nhẹ cân hơn. Dù vậy thì chúng cũng có những lợi thế nhất định. Có thể điểm danh ra đây một số loại xe tăng bánh lốp xuất sắc nhất.

Đầu tiên là M1128 MGS của Mỹ - mẫu thiết giáp Stryker được trang bị hỏa lực mạnh nhất, gồm 1 khẩu pháo 105 mm M68A2 với hệ thống nạp đạn tự động, 1 súng máy đồng trục M240C cỡ 7,62 mm, 1 súng máy hạng nặng M2 cỡ 12,7 mm và 2 cụm ống phóng đạn khói M6.

Nhiệm vụ chính của M1128 Stryker MGS không phải chống thiết giáp mà là chi viện hoả lực trực tiếp cho bộ binh chống lại công sự, các toà nhà… trong những trận chiến quy mô nhỏ, tuy vậy nó vẫn có khả năng tiêu diệt nhiều loại xe tăng hạng trung cỡ T-54/55 hay T-62.

Xe tăng bánh lốp M1128 Stryker MGS có chiều dài 6,95 m; chiều rộng 2,72 m; chiều cao 2,64 m; trọng lượng chiến đấu 18,77 tấn; kíp điều khiển 3 người. Mỹ chế tạo tổng cộng 240 phương tiện loại này và tất cả chúng đều đã "nhận sổ hưu".

Do trang bị vũ khí hạng nặng nên giáp xe yêu cầu phải giảm xuống để bảo đảm tính cơ động, chỉ chống chịu được đạn 7,62 mm, vận tốc tối đa 56 km/h, tầm hoạt động 168 km.

Một nhược điểm của M1128 cần lưu ý đó là hệ thống nạp đạn tự động thiếu tin cậy, khẩu pháo 105 mm không đủ xuyên phá các xe tăng hiện đại, cơ số đạn quá thấp, lớp giáp khá mỏng manh và dễ bị tổn thương trước vũ khí bộ binh, kể cả mìn tự chế.

Ứng viên tiếp theo là xe tăng bánh lốp (xe bọc thép chiến đấu hạng nặng) B1 Centauro do hai công ty Iveco Fiat và Oto Melara của Ý hợp tác phát triển, được thiết kế chủ yếu cho nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ và trinh sát chiến thuật.

Centauro sử dụng khung gầm bánh lốp với 4 cầu chủ động cho phép vượt dốc 60%, lội nước sâu 1,5 m mà không cần chuẩn bị trước. Giáp bên sườn xe chịu được đạn 14,5 mm, giáp trước chống được đạn 25 mm, khi lắp giáp bổ sung còn có thể chịu được đạn 30 mm.

Thông số kỹ thuật cơ bản của chiếc chiến xa này bao gồm: chiều dài 7,85 m; chiều rộng 2,94 m; chiều cao 2,73 m; trọng lượng 24 tấn; xe được trang bị động cơ diesel IVECO 520 mã lực, cho tốc độ tối đa 108 km/h, tầm hoạt động 800 km.

Centauro có hỏa lực khá mạnh với pháo L7 105 mm có thể bắn thủng những xe tăng hạng trung của đối phương bằng đạn xuyên động năng, ngoài ra còn có đại liên đồng trục 7,62 mm và súng máy phòng không.

Hiện tại Quân đội Ý đang thay thế những chiếc Centauro đời đầu bằng biến thể Centauro II được trang bị pháo 120 mm mạnh mẽ hơn nhiều, bởi vậy họ có thể nhượng lại cho Ukraine toàn bộ số phương tiện cũ.

Cuối cùng là AMX-10RC do Pháp chế tạo. Mặc dù loại thiết giáp bánh lốp nặng 16,6 tấn này được chỉ định là "xe trinh sát", nhưng thực tế là khẩu pháo 105 ly cho phép nó được xếp vào loại xe tăng bánh lốp.

Tuy nhiên mặc dù có cỡ nòng 105 mm, khẩu pháo chính F2 được lắp trên AMX-10RC không thống nhất với các loại đạn 105 mm chuẩn NATO khác và sử dụng loại đạn riêng. Điều này là do giới hạn về kích thước cơ cấu nạp và yêu cầu giảm độ giật.

Do đó, sức mạnh của đạn 105 mm bắn đi từ xe tăng bánh lốp AMX-10C khá hạn chế, khi chỉ xuyên được 150 mm thép đồng nhất (RHA) ở góc nghiêng 60 độ nếu được bắn từ khoảng cách 1,2 km.

Tất nhiên, sức mạnh như vậy là không đủ để chống lại xe tăng chiến đấu chủ lực trong tình thế "mặt đối mặt", nhưng chiếc AMX-10RC vẫn có khả năng tiêu diệt bất kỳ xe chiến đấu bộ binh hoặc xe bọc thép chở quân nào của đối phương.

Đồng thời bên cạnh đạn xuyên giáp, xe tăng bánh lốp AMX-10RC còn có một kho đạn phân mảnh sức nổ cao cỡ 105 mm, cho phép hỗ trợ hỏa lực trực tiếp khá hiệu quả. Tương tự hai loại thiết giáp trên, AMX-10RC đã được Quân đội Pháp loại biên và sẵn sàng để bàn giao. Mặc dù vẫn từ chối gửi xe tăng chiến đấu chủ lực, tuy nhiên có thể xe tăng bánh lốp sẽ được NATO gửi tới Ukraine dưới danh nghĩa thiết giáp hỗ trợ hỏa lực.