ĐBQH: Cần xem lại việc để PVN tự giám sát hoạt động của chính mình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cho ý kiến về Luật Dầu khí sửa đổi, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ vai trò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, PVN là doanh nghiệp Nhà nước nhưng cũng là một doanh nghiệp rất đặc thù. Trong dự án luật lần này, dành hẳn một chương quy định chức năng, nhiệm vụ của PVN.

Trong đó, PVN vừa tổ chức điều hành; vừa điều tra cơ bản, tìm kiếm, thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí; vừa giám sát hợp đồng dầu khí, cũng như phê duyệt chương trình công tác ngân sách, kiểm toán chi phí.

Đại biểu Kim Anh đặt câu hỏi: “Gần như chương trình khép kín, mang tính nội bộ, thế thì vai trò của cơ quan quản lý ở đâu? Bên cạnh đó cần cân nhắc cụm từ giám sát, bởi giám sát chỉ có Quốc hội và nhân dân được phép giám sát. PVN đi giám sát các hoạt động của mình thì cần phải xem lại”.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên báo cáo trước Quốc hội về Luật Dầu khí sửa đổi

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên báo cáo trước Quốc hội về Luật Dầu khí sửa đổi

Làm rõ băn khoăn của Đại biểu, ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát quy định đối với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong giám sát, kiểm tra việc sử dụng vốn nhà nước tại PVN, doanh nghiệp 100% vốn của PVN.

"Quy định này làm rõ thêm ý kiến của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh - nếu giao cho PVN cả hoạt động giám sát nữa thì có nghĩa "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (đơn vị quản lý PVN) sẽ thực hiện chức năng giám sát, để đảm bảo tính khách quan", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về ưu đãi trong hoạt động dầu khí, trưởng ngành Công Thương cho rằng, Việt Nam đứng trước thực tế là số lượng hợp đồng dầu khí mới được ký kết gần đây giảm mạnh. Giai đoạn 2009-2014 có khoảng 35 hợp đồng được ký, nhưng từ giai đoạn 2015-2019 mỗi năm chỉ có 1 hợp đồng được ký; năm 2020 và 2021 không có hợp đồng nào được ký.

Nguyên nhân bởi các phát hiện mới ở Việt Nam trong thời gian qua phần lớn có trữ lượng nhỏ, các diện tích mở còn lại đều được đánh giá có tiềm năng ở mức hạn chế, chủ yếu là khí, tập trung ở khu vực thuộc đối tượng của chính sách khuyến khích đầu tư theo quy định của Luật Dầu khí.

Các mỏ đang khai thác ở trong giai đoạn cuối đời mỏ, sản lượng khai thác giảm dần, một số mỏ doanh thu không bù đắp được chi phí và các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Do đó, theo Bộ trưởng Công Thương, việc bổ sung các chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với bối cảnh hiện nay, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho lĩnh vực hoạt động dầu khí của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực là hết sức cần thiết.

Bộ trưởng Công Thương còn cho rằng, dự thảo Luật đã quy định bổ sung đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt. Cụ thể được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25% (so với mức 32% theo quy định hiện hành); thu hồi chi phí tối đa 80% (so với mức 70% theo quy định hiện hành) trên cơ sở tham khảo chính sách của một số nước trong khu vực có hoạt động dầu khí tương đồng với Việt Nam.

Việc ưu đãi này sẽ mở ra cơ hội tăng thu cho ngân sách Nhà nước khi mở rộng đối tượng ký mới hợp đồng và khai thác.