Đại biểu Quốc hội: Cần phải có chính sách bảo hộ dịch vụ dầu khí nội địa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thảo luận tại tổ về Luật Dầu khí (sửa đổi) chiều 3-6, Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, hoạt động dầu khí ngoài khơi ở các giàn khoan và lĩnh vực công nghiệp dầu khí trên bờ của Việt Nam chưa theo kịp yêu cầu, không cạnh tranh và theo kịp các nước.

Cũng theo Đại biểu Nguyễn Thị Yến, các chính sách của Nhà nước về dầu khí được quy định tại Điều 5 của dự luật đã được cụ thể hóa vào nội dung của 11 chương 64 Điều của dự luật, tập trung quy định những nội dung đặc thù trong lĩnh vực dầu khí với 6 nhóm chính sách.

Tuy nhiên, Đại biểu Yến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thể chế hóa, bổ sung hoặc có Nghị định hướng dẫn cụ thể về hai chính sách khác của dầu khí.

Thứ nhất là các chính sách về dịch vụ kỹ thuật dầu khí. Cần quy định và phân chia những nhóm dịch vụ nào các nhà thầu trong nước có năng lực thực hiện; nhóm dịch vụ nào khuyến khích nhà thầu nước ngoài tham gia, với yêu cầu tuân thủ chặt chẽ các quy định, tiêu chí này để khuyến khích, bảo hệ ngành dịch vụ dầu khí nội địa.

Bên cạnh đó, chính sách về ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp nặng sản xuất vật liệu phục vụ ngành công nghiệp dầu khí nói riêng và công nghiệp nặng nói chung để tạo sự chủ động, thuận tiện tránh phải nhập khẩu, phụ thuộc vào bên ngoài. Các chính sách về đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực để hoàn thiện năng lực dầu khí Việt Nam đối với các mảng dịch vụ công nghệ cao.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lý giải, cần phải cân nhắc bổ sung hai chính sách này vì qua thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực dầu khí ngoài khơi ở các giàn khoan và lĩnh vực công nghiệp dầu khí trên bờ của Việt Nam chưa theo kịp yêu cầu, không cạnh tranh và theo kịp các nước.

Đối với lĩnh vực cơ khí dầu khí ngoài khơi, thực tiễn Việt Nam đã có các nhà thầu, tổ hợp nhà thầu có khả năng làm chủ công nghệ để tham gia đấu thầu quốc tế và cạnh tranh được với một số nhà thầu trong khu vực.

Tuy nhiên năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế do hai nguyên nhân chính là không có phương tiện, thiết bị phục vụ các công tác ngoài biển như vận chuyển, lắp đặt, rải ống cần các tàu cẩu, tàu rải ống chuyên dụng. Các nhà thầu này cũng phải nhập khẩu phần lớn vật tư, nguyên liệu, thiết bị từ nước ngoài với giá thành cao, tốn thời gian; khó kiểm soát về chất lượng đi cùng với các rủi ro về giao dịch, vận chuyển.

Còn lĩnh vực công nghiệp trên bờ hiện nay chưa có nhà thầu Việt Nam nào có thể tự chủ về công nghệ để đáp ứng được năng lực làm tổng thầu thiết kế, mua sắm, thi công xây dựng hoàn thiện. Các dự án công nghiệp trên bờ hiện nay khi đấu thầu đều do các nhà thầu nước ngoài đảm nhiệm vai trò nhà thầu chính chiếm hầu hết giá trị và công nghệ của gói thầu (khoảng 80% giá trị). Các nhà thầu Việt Nam nếu tham gia thì chỉ đơn thuần thực hiện các phần việc thi công xây lắp có giá trị thấp.

"Vì vậy, cần phải có chính sách bảo hộ dịch vụ dầu khí nội địa, có lộ trình chung để phát triển năng lực khoa học kỹ thuật công nghệ quốc gia, giúp cho ngành dầu khí dần gỡ bỏ tiềm thức chỉ làm gia công, thi công, chế tạo đơn thuần và đưa các doanh nghiệp trong nước lên làm chủ về công nghệ, tiệm cận với cuộc cách mạng công nghiệp hiện đại", Đại biểu Yến nói.

Cùng tham gia thảo luận Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho rằng, dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) được tiến hành trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động khi năng lượng trở thành “vũ khí” lợi hại của một số quốc gia. Vì thế, việc sửa đổi luật này cần đặt trong khía cạnh bảo đảm an ninh, chính trị quốc gia, đặc biệt việc khai thác dầu khí trên biển còn là vấn đề chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

“Những mối quan hệ này phải được xử lý hài hòa nhằm tăng cạnh tranh đầu tư vào lĩnh vực dầu khí thời gian tới khi chi phí tăng cao. Trong đó, chúng ta cần đưa ra chính sách để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này; đồng thời phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho Tập đoàn dầu khí Việt Nam để hoạt động hiệu quả hơn” - Đại biểu kiến nghị.