Đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19 ngừa các biến thể mới của virus

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Liên minh ACCESS” gồm 5 quốc gia Anh, Australia, Canada, Singapore và Thụy Sỹ đồng quan điểm ưu tiên đưa các loại vaccine phòng ngừa Covid-19 hiệu quả đến người dân trong thời gian ngắn nhất có thể nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn trước tình hình đại dịch hoành hành.
Các quốc gia trên thế giới đẩy nhanh tốc độ chương trình tiêm chủng vaccine phòng ngừa Covid-19

Các quốc gia trên thế giới đẩy nhanh tốc độ chương trình tiêm chủng vaccine phòng ngừa Covid-19

Kiểm nghiệm bằng chứng tin cậy về độ an toàn và hiệu quả của vaccine

Cụ thể, các loại vaccine Covid-19 được điều chỉnh để thích ứng phòng ngừa những biến thể mới của virus gây bệnh sẽ được phê duyệt nhanh tại Anh và 4 quốc gia gồm Australia, Canada, Singapore và Thụy Sỹ theo một thỏa thuận được các cơ quan quản lý dược phẩm của các nước này công bố ngày 4-3-2021. Thỏa thuận trên sẽ tránh việc phải trải qua những nghiên cứu lâm sàng kéo dài khi các loại vaccine đã được phê duyệt hiện hành được điều chỉnh để thích ứng phòng ngừa các biến thể mới của virus, miễn là các hãng sản xuất đưa ra được bằng chứng tin cậy về độ an toàn và hiệu quả của vaccine.

Tham gia thỏa thuận trên có Cơ quan quản lý dược phẩm và các sản phẩm y tế của Anh (MHRA) cùng các cơ quan tương tự của Australia, Canada, Singapore và Thụy Sĩ, được gọi là “Liên minh ACCESS”. Một quan chức của Cơ quan quản lý dược phẩm và các sản phẩm y tế của Anh cho biết, ưu tiên của liên minh là đưa các loại vaccine hiệu quả đến công chúng trong thời gian ngắn nhất có thể nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn. Theo MHRA, phương pháp tiếp cận nói trên dựa trên quy trình đang được áp dụng hiện nay đối với vaccine cúm mùa cũng cần được điều chỉnh hàng năm để phòng ngừa những biến thể mới của virus.

Anh bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng đại trà phòng ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới vào tháng 12-2020. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lo ngại rằng những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể kháng các loại vaccine hiện hành. Điều này sẽ gây trở ngại đối với kế hoạch của Anh cũng như các quốc gia khác bắt đầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa trong những tuần tới của tháng 3 vì kế hoạch này phụ thuộc vào việc vaccine có tạo đủ miễn dịch cộng đồng và giảm số ca nhiễm mới cũng như số ca tử vong hay không.

Ủy ban Thường trực về tiêm phòng của Đức cho biết, một nghiên cứu do Viện các bệnh truyền nhiễm Robert Koch công bố cho thấy vaccine của Hãng AstraZeneca/Oxford mà Đức sử dụng có thể làm giảm khả năng lây lan virus SARS-CoV-2 và hiệu quả bảo vệ mạnh trong 3 tháng chỉ với 1 liều duy nhất.

Theo kết quả một cuộc khảo sát của trường Đại học Hoàng gia London (Anh), tỷ lệ lây nhiễm tại vùng England ở Anh hiện là 0,86, dưới mức 1. Điều này cho thấy virus không còn lây lan theo cấp số nhân trong cộng đồng. Tuy nhiên, tốc độ giảm đang chậm lại khiến Bộ trưởng Bộ Y tế Anh Matt Hancock hối thúc người dân nên thận trọng trong bối cảnh vùng England chuẩn bị mở cửa trở lại các trường học từ đầu tuần tới - giai đoạn đầu tiên của quá trình kết thúc lệnh phong tỏa.

Trong khi đó, tại Canada, trong những ngày đầu tháng 3-2021, các chuyên gia về vaccine đã khuyến cáo các tỉnh, bang nên kéo dài thời gian giãn cách 2 liều vaccine phòng ngừa Covid-19 lên 4 tháng để có thể nhanh chóng tiêm chủng cho nhiều người hơn trong bối cảnh thiếu vaccine. Một số tỉnh, bang ở Canada cho biết đã thực hiện biện pháp này. Theo chương trình tiêm chủng tại Canada hiện nay, thời gian giãn cách giữa 2 mũi tiêm vaccine ngừa Covid-19 là từ 3 đến 4 tuần. Quy trình này áp dụng với vaccine Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca. Vaccine của Johnson & Johnson là loại tiêm 1 mũi, nhưng chưa được phê duyệt sử dụng ở Canada.

Ủy ban Cố vấn quốc gia về tiêm chủng Canada cho biết, việc kéo dài thời gian giữa 2 liều vaccine lên 4 tháng sẽ cho phép 80% người dân Canada trên 16 tuổi được tiêm chủng ngừa mũi đầu tiên vào cuối tháng 6 tới với nguồn cung dự kiến là vaccine Pfizer/BioNTech và Moderna. Sau đó, người dân sẽ bắt đầu được tiêm chủng liều thứ 2 vào tháng 7 khi Canada nhận được thêm vaccine. Dự kiến, Canada sẽ nhận được 55 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9-2021. Tuy nhiên, hiệu quả của vaccine sau khi tiêm mũi đầu tiên sẽ được theo dõi chặt chẽ và việc trì hoãn liều thứ 2 cũng sẽ được đánh giá liên tục dựa trên những dữ liệu giám sát. Hiệu quả của vaccine trong việc phòng ngừa những biến thể mới của virus cũng sẽ được theo dõi chặt chẽ và có thể sửa đổi các khuyến nghị.

Vaccine Covid-19 của AstraZeneca hiệu quả với người trên 80 tuổi

Trong một diễn biến khác, theo nghiên cứu của các chuyên gia tại trường Đại học Bristol (Anh), việc tiêm 1 liều vaccine của Pfizer hay AstraZeneca đều giúp giảm nguy cơ nhập viện vì Covid-19 ở nhóm cao tuổi. Theo một nghiên cứu sơ bộ công bố ngày 3-3, vaccine phòng ngừa Covid-19 do Công ty Dược phẩm AstraZeneca và trường Đại học Oxford phối hợp phát triển có hiệu quả ngăn chặn tình trạng bệnh nặng ở người cao tuổi lên tới hơn 80% sau 1 mũi tiêm. Kết quả nghiên cứu trên - hiện chưa được đánh giá chéo của giới chuyên gia - tiếp tục bổ sung bằng chứng vaccine của AstraZeneca an toàn và hiệu quả với nhóm người cao tuổi.

Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Bristol đã tiến hành phân tích dữ liệu liên quan các bệnh nhân độ tuổi trên 80 nhập viện tại Anh do bệnh về hô hấp. Tất cả các bệnh nhân được xét nghiệm Covid-19, tách riêng 2 nhóm dương tính và âm tính. Sau đó, các nhà nghiên cứu kiểm tra mỗi nhóm có bao nhiêu người trước đó đã được tiêm vaccine của AstraZeneca hoặc vaccine của Pfizer.

Nhóm nghiên cứu phát hiện 9 trong tổng số 36 bệnh nhân mắc Covid-19 đã được tiêm 1 mũi vaccine của AstraZeneca (chiếm 25%). Trong nhóm âm tính, 53 người trong tổng số 90 người đã được tiêm 1 mũi vaccine của AstraZeneca (chiếm 58,9%). Sự chênh lệnh tỷ lệ trên phản ánh hiệu quả của vaccine lên tới 80,4% đối với việc đề phòng nguy cơ bệnh nặng phải nhập viện.

Trong khi đó, tỷ lệ này ở nhóm dùng vaccine của Pfizer là 71,4%. Cụ thể, 18 trên tổng số 245 bệnh nhân Covid-19 đã được tiêm 1 mũi Pfizer, trong khi 90 trên tổng số 269 bệnh nhân không mắc Covid-19 đã được tiêm. Các tác giả kết luận việc tiêm 1 liều vaccine của Pfizer hay AstraZeneca đều giúp giảm nguy cơ nhập viện vì Covid-19 ở nhóm cao tuổi. Stephen Evans - chuyên gia dược phẩm và dịch bệnh truyền nhiễm tại trường Y học nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London (Anh) đánh giá các kết quả trên cung cấp thêm bằng chứng cho thấy các vaccine của AstraZeneca và Pfizer có hiệu quả bảo vệ cả nhóm lớn tuổi hơn.

Các nhà nghiên cứu của AstraZeneca và trường Đại học Oxford cũng như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định các kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cho thấy vaccine của AstraZeneca hiệu quả và an toàn với những người trên 65 tuổi, tuy nhiên một số nước như Pháp, Đức giới hạn độ tuổi người được tiêm vaccine này dưới 65, trong khi Tây Ban Nha giới hạn độ tuổi dưới 55, lý do là thiếu dữ liệu thuyết phục về việc thử nghiệm vaccine ở nhóm cao tuổi hơn. Hiện một số nước đã thay đổi quan điểm.

Cụ thể, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết nước này sẽ sớm cấp phép sử dụng vaccine của AstraZeneca cho người trên 65 tuổi. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Bỉ cho biết nước này quyết định sẽ cho phép tiêm vaccine của AstraZeneca với những người trên 65 tuổi sau khi tham vấn Hội đồng Y tế tối cao quốc gia.