Dấu ấn Thủ tướng Nhật Kishida linh hoạt ứng phó dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù còn những nhận định khác nhau, song những biện pháp chống dịch Covid-19 hiệu quả, linh hoạt mà thể hiện rõ ràng nhất là số mắc mới mỗi ngày và số người tử vong thấp đã giúp tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhận được đánh giá cao của người dân nước này.

Thành quả chống dịch của Nhật Bản

Theo kết quả cuộc khảo sát dư luận do hãng Nikkei Asia tiến hành từ ngày 24-12 đến 28-12 vừa qua tại Nhật Bản, đương kim Thủ tướng nước này Kishida Fumio nhận được sự tín nhiệm của gần 2/3 số cử tri được hỏi ý kiến. Theo đó, có tới 61% người tham gia khảo sát bày tỏ sự tín nhiệm với ông Kishida Fumio trên cương vị người điều hành cao nhất của Chính phủ, mức tín nhiệm cao nhất mà Nikkei Asia ghi nhận được kể từ khi bắt đầu cuộc trưng cầu dân ý về cách chống dịch của Chính phủ Nhật từ tháng 2-2020. Cùng với đó, mức ủng hộ dành cho nội các do Thủ tướng Kishida Fumio đứng đầu cũng đạt 65%, tăng 4% so với cuộc khảo sát tương tự cách đây một tháng.

Nguyên nhân chính khiến tân Thủ tướng Kishida Fumio nhận được sự tín nhiệm cao của người dân là do họ hoan nghênh, đánh giá tích cực các biện pháp chống dịch do chính phủ của ông đưa ra thời gian qua. Trong đó, bao gồm cả quy định tạm thời đóng cửa biên giới với khách nước ngoài để đề phòng biến chủng Omicron nguy hiểm.

Thủ tướng Kishida Fumio thay thế người tiền nhiệm Yoshihide Suga vào tháng 10-2021 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 liên tục suy giảm tại Nhật Bản. Trước đó, sau Thế vận hội Olympic mùa hè diễn ra từ ngày 23-7 đến 8-8 năm nay, các trường hợp nhiễm Covid-19 mới ở Nhật Bản liên tục gia tăng và đạt đỉnh với hơn 26.000 ca/ngày vào giữa tháng 8, tuy nhiên sau đó đã liên tục giảm nhanh theo chiều gần như thẳng đứng. Số trường hợp mắc Covid-19 tại Nhật Bản giảm nhanh tới mức gây ngạc nhiên khi giảm xuống dưới 5.000 ca/ngày vào giữa tháng 9-2021 và giữ ổn định ở mức trên dưới 200 ca mỗi ngày từ cuối tháng 10 tới nay.

Linh hoạt và hiệu quả trong ứng phó với đại dịch Covid-19 giúp tân Thủ tướng Kishida Fumio nhận được sự tín nhiệm cao của cử tri Nhật Bản

Linh hoạt và hiệu quả trong ứng phó với đại dịch Covid-19 giúp tân Thủ tướng Kishida Fumio nhận được sự tín nhiệm cao của cử tri Nhật Bản

Rất đáng chú ý là diễn biến dịch Covid-19 ở Nhật Bản “đảo chiều” giảm nhanh và giữ ổn định kể cả trong thời gian nước này nới lỏng các biện pháp phòng chống áp dụng khi dịch đạt đỉnh vào trung tuần tháng 8-2021 với đa số mắc biến chủng Delta. Sau đó, dịch liên tục suy giảm dù các nhà hàng, phương tiện giao thông công cộng đã mở cửa cũng như đông đúc trở lại. Đã có nhiều tìm hiểu, phân tích, nghiên cứu để tìm nguyên nhân đại dịch Covid-19 suy giảm được cho là bất thường ở Nhật Bản, bất chấp cả sự xuất hiện của biến thể Delta nguy hiểm. Điều mà giới chuyên môn đưa ra đầu tiên là do tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cao tại Nhật Bản, đã đạt tới mức 75% số dân tiêm đủ 2 liều vaccine vào tháng 10.

Tuy nhiên, cũng có nhiều quốc gia khác trên thế giới có tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cao, thậm chí cao hơn Nhật Bản, nhưng dịch vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân khác cũng được nêu ra là thói quen đeo khẩu trang của người dân nước này, một thói quen tốt cho sức khỏe, nhất là phòng ngừa sự lây nhiễm của các bệnh về đường hô hấp. Giới y học cũng đặt vấn đề về sự đột biến gene của virus SARS-CoV-2 ở Nhật Bản…

Song dù nguyên nhân gì thì ai cũng thấy rõ là đại dịch Covid-19 được kiềm chế hiệu quả tại Nhật Bản với số người mắc mới và tử vong đều ở mức rất thấp, bất chấp sự xuất hiện của những biến chủng virus SARS-CoV-2 nguy hiểm gây ra những đợt sóng dịch trên thế giới như Delta và mới nhất là Omicron. Và từ giới chuyên môn đến người dân đều ghi nhận và đánh giá tích cực những biện pháp phòng chống dịch linh hoạt của Chính phủ Nhật Bản.

Nhất quán với sự linh hoạt ứng phó dịch bệnh

Nhìn lại cách thức điều hành phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua của Chính phủ Nhật Bản càng thấy rõ sự linh hoạt trong các biện pháp áp dụng, điều mà tân Thủ tướng Kishida Fumio đã kế thừa và phát huy từ Chính phủ và người tiền nhiệm. Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới xem xét nghiệm và truy vết là biện pháp quan trọng hàng đầu trong phòng chống dịch Covid-19 thì Nhật Bản lại có cách làm khác.

Thay vì xét nghiệm Covid-19 diện rộng, Nhật Bản nhắm mục tiêu vào nhóm người dễ bị tổn thương nhất do dịch bệnh, nhất là những người trên 50 tuổi. Ban đầu, nhiều chuyên gia y tế đã lo ngại cách làm này sẽ khiến dịch bệnh bùng phát mạnh hơn và bệnh nhân tràn ngập các bệnh viện ở Nhật Bản. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra tại nước Nhật.

Nhật Bản chỉ thực hiện hơn 215 nghìn xét nghiệm PCR/1 triệu người, trong khi Mỹ thực hiện tới hơn 2,1 triệu xét nghiệm PCR/triệu người. Tuy nhiên, kết quả là bên cạnh số người mắc mới ít hơn thì số người bệnh tử vong do Covid-19 ở Nhật Bản thấp hơn rất nhiều so với Mỹ, chỉ 146 trường hợp tử vong/1 triệu dân so với 2.382 trường hợp/1 triệu dân trong giai đoạn từ tháng 1-2020 đến tháng 3-2021.

Kết quả đó là sự tính toán kỹ lưỡng khi có tới 29,3% dân số từ 65 tuổi trở lên, Chính phủ Nhật Bản từ tháng 6-2020 đã quyết định ngừng xét nghiệm diện rộng và chỉ tập trung kiểm dịch ở các trung tâm chăm sóc sức khỏe, bệnh viện, khu dân cư đông đúc và viện dưỡng lão. Mục tiêu là nhằm giảm số lượng tử vong do Covid-19 ở nhóm người cao tuổi mà xét cho cùng thì mục tiêu quan trọng của phòng chống Covid-19 là giảm số người tử vong xuống mức thấp nhất có thể.

Sự điều hành phòng chống dịch Covid-19 linh hoạt của Chính phủ do Thủ tướng Kishida Fumio đứng đầu càng thể hiện rõ trong việc ứng phó với biến thể Omicron. Ngay khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về mức độ nguy hiểm của biến thể này, Chính phủ Nhật Bản từ đầu tháng 12-2021 đã quyết định cấm các chuyến bay và hành khách đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng Omicron, cùng với đó là những biện pháp nghiêm ngặt như tất cả các hành khách trên chuyến bay có trường hợp nhiễm biến thể Omicron đều bị coi là F1 và phải cách ly tập trung 14 ngày thay vì cách ly tại nhà.

Tuy nhiên, sau gần một tháng áp dụng, Chính phủ Nhật Bản đã có sự điều chỉnh nhằm nới lỏng hơn. Theo đó, các trường hợp F1 với ca nhiễm biến thể Omicron trên chuyến bay sẽ được xác định là những hành khách ngồi cùng và ở hai hàng ghế ngay phía trước và phía sau, thay vì toàn bộ hành khách trên cùng chuyến bay đó.

Chính phủ của Thủ tướng Kishida Fumio cũng đang nỗ lực tăng cường các biện pháp khống chế sự lây lan biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng nhưng vẫn linh hoạt một số giải pháp để không ảnh hưởng quá lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong đó, để sớm phát hiện và ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron, người dân tại các khu vực có sự xuất hiện của biến thể này đều có thể đến các cơ sở y tế, thậm chí là nhà thuốc, để được xét nghiệm miễn phí bằng phương pháp PCR hoặc phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên mà không cần đặt chỗ trước.

Trước diễn biến còn phức tạp của đại dịch Covid-19 trên thế giới, Chính phủ của Thủ tướng Kishida Fumio còn phải đối mặt với những thách thức khó lường vào lúc này, song luôn khẳng định sẽ nhất quán với việc linh hoạt ứng phó nhằm đạt hiệu quả cao nhất.