Biến thể Omicron cứ 3 ngày tăng gấp đôi số ca nhiễm, ứng phó thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 18-12 thông báo, biến thể Omicron đã xuất hiện tại 89 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và tốc độ lây lan của nó trong cộng đồng có người lây nhiễm là cứ 3 ngày lại tăng lên gấp đôi. Thế giới ứng phó thế nào trước làn sóng này?

Tốc độ lây nhiễm nhanh hơn Delta

“Đã có bằng chứng cho thấy biến thể Omicron lây lan đáng kể so với Delta với thời gian nhân đôi ca nhiễm chỉ từ 1,5 - 3 ngày” - WHO cập nhật thông tin về biến thể mới hôm 18-12. Theo đó, biến thể Omicron đang lây lan nhanh ở các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao. Tuy nhiên, không rõ điều này có phải do khả năng tránh được miễn dịch của biến thể Omicron, khả năng lây lan cao hơn hay kết hợp cả hai.

WHO đã phân loại Omicron là “biến thể đáng lo ngại” vào ngày 26-11, ngay sau khi ghi nhận báo cáo đầu tiên từ Nam Phi. Tuy nhiên, đến nay người ta vẫn chưa rõ về mức độ nghiêm trọng của bệnh do biến thể này gây ra. Dù vậy, WHO cảnh báo các bệnh viện ở một số nơi có thể bị quá tải. “Số ca nhập viện ở Anh và Nam Phi tiếp tục tăng. Với việc số ca bệnh tăng nhanh, có thể nhiều hệ thống y tế sẽ nhanh chóng bị quá tải” - WHO lo ngại.

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia tư vấn hàng đầu của chính phủ Mỹ về đại dịch nói: “Đây là loại virus dễ lây lan nhất của Covid-19 mà chúng ta phải đối phó. Nó sẽ sớm trở nên thống trị. Đó là một điều chúng tôi biết”. Ông nói thêm, “cứ nhìn vào tốc độ lây nhiễm hiện nay, có thể dự báo rằng mọi việc sẽ trở nên thực sự tồi tệ, đặc biệt là đối với những người chưa được tiêm chủng”.

Một nghiên cứu mới do Đại học Hồng Kông (Trung Quốc) thực hiện còn cho thấy, biến thể Omicron đột biến cao nhân lên trong ống phế quản của con người nhanh hơn 70 lần so với biến thể Delta. Các nhà nghiên cứu đã lưu ý rằng, nhiễm trùng trong phổi do Omicron có vẻ ít nghiêm trọng hơn so với chủng virus ban đầu. Bên cạnh đó, nguy cơ tái nhiễm biến thể Omicron cao gấp 5 lần so với biến thể Delta.

Châu Âu tái phong tỏa vì làn sóng dịch mới

Trước tình hình đang căng thẳng, Italy, Anh và Hà Lan đã thực hiện các biện pháp tái phong tỏa đồng thời kêu gọi tiêm mũi tăng cường nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron.

Ngày 19-12, Hà Lan áp dụng quy định phong tỏa đợt mới trong dịp Giáng sinh nhằm ngăn chặn sự gia tăng số ca nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Phát biểu trên truyền hình hôm 18-12, Thủ tướng nước này Mark Rutte cho rằng, phong tỏa là việc “không thể tránh khỏi” trước nguy cơ bùng phát làn sóng Covid-19 thứ 5 do sự lây lan của biến thể Omicron còn dữ dội hơn những gì mà dư luận đã lo ngại.

Các quốc gia đều xác định, tiêm chủng là biện pháp ứng phó hiệu quả nhất nhằm giảm nguy cơ tử vong hoặc bệnh nặng do những biến thể siêu lây nhiễm hiện nay. Tuy nhiên, chỉ riêng vaccine không đủ để ngăn tốc độ ảnh hưởng của Omicron và ngăn chặn số ca nhập viện tăng đột biến. Chúng ta cần “vaccine cộng” kết hợp những biện pháp khác trong một chiến lược y tế cộng đồng toàn diện.

Trong đợt phong tỏa lần này, tất cả những cửa hàng không thiết yếu, nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim, bảo tàng và nhà hát sẽ phải đóng cửa đến ngày 14-1 năm sau, trong khi các trường học phải đóng cửa ít nhất là đến ngày 9-1-2022. Mỗi gia đình Hà Lan từ giờ cũng chỉ được tiếp nhiều nhất là 2 người, trừ đúng ngày Giáng sinh (25-12).

Trong bối cảnh đó, Anh và Italy cũng chỉ ra viễn cảnh xấu hơn trong những ngày tới. Số ca nhiễm mới của Italy - quốc gia phương Tây đầu tiên bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 vào đầu năm 2020 - trong ngày 18-12 là 28.064, gần cao nhất kể từ cuối tháng 11-2020. Hơn 85% dân số Italy trên 12 tuổi hiện đã được tiêm vaccine đủ liều nhưng Tướng Francesco Paolo Figliuolo - quan chức phụ trách phòng chống đại dịch Covid-19 của Italy, đã kêu gọi người dân “có trách nhiệm” trong thời gian Giáng sinh, tránh tụ tập đông người trong mùa lễ hội.

Siêu biến thể Omicron hiện là loại virus dễ lây lan nhất của Covid-19 mà chúng ta phải đối phó

Siêu biến thể Omicron hiện là loại virus dễ lây lan nhất của Covid-19 mà chúng ta phải đối phó

Còn tại Anh, các cố vấn khoa học của Chính phủ ngày 18-12 đã cảnh báo rằng Anh có thể phải đối mặt với kịch bản có “ít nhất 3.000 ca nhập viện mỗi ngày” vào đầu năm tới nếu vẫn tuân theo chiến lược hiện nay. Ngày 18-12, Anh ghi nhận 10.000 ca nhiễm biến thể Omicron trong vòng 24h. Theo các cố vấn, Anh cần có các biện pháp kiểm soát, bao gồm “giảm quy mô nhóm, tăng khoảng cách vật lý, giảm thời gian tiếp xúc và đóng cửa các cơ sở có nguy cơ cao” bên cạnh việc áp dụng đeo khẩu trang.

Ứng phó bằng “vaccine cộng”

Các quốc gia đều xác định, tiêm chủng là biện pháp ứng phó hiệu quả nhất nhằm giảm nguy cơ tử vong hoặc bệnh nặng do những biến thể siêu lây nhiễm hiện nay. Tuy nhiên, chỉ riêng vaccine không đủ để ngăn tốc độ ảnh hưởng của Omicron và ngăn chặn số ca nhập viện tăng đột biến. Chúng ta cần “vaccine cộng” kết hợp những biện pháp khác trong một chiến lược y tế cộng đồng toàn diện.

Theo giới chuyên gia, việc mọi người được tiếp cận xét nghiệm kháng nguyên nhanh miễn phí và tiện lợi nhất có lợi ích là giúp người phát hiện dương tính nhanh chóng tự cách ly, phá vỡ các chu kỳ lây truyền. Ngoài ra, duy trì khoảng cách, giữ không gian thông thoáng, vệ sinh tay và giảm số lượng giao tiếp xã hội của một người cũng có thể giúp kiểm soát sự lây truyền của biến thể Omicron.

Tất nhiên, không thể biết liệu Omicron có phải là biến thể cuối cùng được quan tâm hay không. Tuy nhiên, sẽ ít lo lắng hơn nhiều về bất kỳ biến thể mới nào nếu luôn có sự chuẩn bị. SARS-CoV-2 sẽ không bị tiêu diệt tận gốc, và chúng ta cần lập kế hoạch và chuẩn bị cho những gì nằm ở phía bên kia của làn sóng Omicron hiện tại.