Đạp xe cà tàng đi chữa bệnh miễn phí

ANTĐ - Ông Thân nổi tiếng theo đúng nghĩa của từ nổi tiếng. Bởi cứ đến thôn Giai Lệ, xã Lệ Xá, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên hỏi ông thì ai cũng biết và còn  sẵn sàng chỉ đường, hướng dẫn tỉ mỉ cộng thêm những lời lẽ đầy kính trọng khi nói về ông - “Ông ấy bắt bệnh chuẩn lắm, không sai đi đâu được, mà từ ngày ông ấy khám chữa bệnh đến giờ cũng nhờ ông mà có nhiều người thoát chết trong gang tấc đấy!”. 

Bỏ phố 0 quê

Tìm đến nhà ông, phải đợi hết lượt bệnh nhân ông Thân mới có thời gian dành cho chúng tôi. Ông chậm rãi kể về cái lý do để trở thành bác sỹ của mình cũng chỉ vì nghèo khó không có tiền chữa trị nên bà cụ thân sinh ra ông đã qua đời vì bệnh tật. Chính vì thương cụ mà ông quyết tâm theo nghề y để sau này sẽ làm bác sĩ với hy vọng có thể chữa bệnh cứu người khác vì người dân nghèo quê ông. Thú thật khi đi học tôi học cũng được nên trường cho vào diện vừa học vừa dạy. 

Công tác 35 năm trong quân đội, từng đi học y sỹ, học Đại học Quân y và từng làm chủ nhiệm Quân y Trung đoàn 600. Năm 1984 về hưu vời quân hàm Trung tá, mất 61% sức khỏe; nhưng với kinh nghiệm của mình, cộng thêm việc tường tận cả Đông lẫn Tây y nên ông được nhiều phòng khám ở Hà Nội mời làm việc với mức lương cao nhưng ông bảo: “Nhất quyết từ chối với lý do phải… về quê”. (Cười) - “Khi đó ý định của ông về quê làm gì?” - “Lúc đó ai cũng tưởng tôi về quê để an hưởng tuổi già những không ngờ tôi lại mở phòng khám tại nhà để… làm việc thiện”, ông Thân nhấm nháp chén trà rồi cười khà khà. “Người dân nơi đây nghèo lắm, sống giữa thôn làng mới tận mắt chứng kiến nhiều người có bệnh mà cũng không dám đến bệnh viện thăm khám, thuốc thang; rồi có người chạy chữa tốn kém mà bệnh cũng chưa thuyên giảm.

Ngày đó đội ngũ y, bác sĩ ở địa phương cũng còn nhiều hạn chế, mình có ít chuyên môn lại có đồng lương hưu nên cũng muốn làm điều gì đó đễ giúp đỡ phần nào cho người bệnh. Đặc biệt những năm tháng xông pha chiến trường tôi đã tận mắt chứng kiến bao mất mát, có những đồng đội hy sinh vì bom đạn ngay bên cạnh mình, và cũng đã từng cận kề giữa sự sống và cái chết nên tôi hiểu và quý sinh mạng của con người lắm. Mình lại được ăn học làm bác sĩ, có tay nghề nên đã tâm niệm sẽ dành cả cuộc đời mình cho việc cứu người bằng tất cả khả năng nên còn sống ngày nào tôi cũng sẽ tiếp tục làm công việc này. Thú thật là lúc đầu cũng có lúc chạnh lòng bởi khi mới về quê cũng nhận được không ít lời ra tiếng vào rằng tôi già rồi, bệnh tật lại tham tiền, mở phòng khám để kiếm chác. Nhưng rồi cũng chẳng phải đợi quá lâu, khi khám chữa bệnh, kê đơn tôi không lấy của ai một đồng thì người dân mới té ngửa”…   

Đạp xe cà tàng đi chữa bệnh miễn phí

Những người được cứu sống trong gang tấc là những bệnh nhân bị thủng và chảy máu dạ dày, lồng tắc ruột, trụy mạch... đã được ông khám, sơ cứu và chuyển đến bệnh viện một cách kịp thời. Gần 30 năm sau ngày nghỉ hưu, mỗi khi có người cầu cứu ông đều sẵn sàng giúp đỡ. Có những hôm trời mưa gió, tối như mực nhưng ông vẫn một mình trên chiếc xe đạp đi qua chặng đường gần 10km để đến nhà bệnh nhân khi nghe được tiếng kêu cứu qua điện thoại. Người bệnh từ mọi nơi đến, gần thì trong làng trong xã, rồi các xã bên cạnh như Đình Cao, Đoàn Đào…; xa hơn thì người từ các huyện, tỉnh khác đến. Ông Thân dành hẳn một phòng trong nhà để làm nơi thăm khám cho bệnh nhân. Căn phòng tuy đơn sơ nhưng được bài trí khoa học với một chiếc giường cho bệnh nhân nằm, một vài cái ghế và một cái bàn để dụng cụ y tế.

Nhìn những thao tác khi ông bắt mạch, đo huyết áp hết sức thành thục, nhanh nhẹn thì người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm vào tài năng của ông bác sĩ già. Một bà cụ vừa được ông khám xong vừa bước ra khỏi giường bệnh thì lại có một người đàn ông vào thế chỗ, bên ngoài còn mấy người bệnh cũng đang chờ đợi nên ông không có lúc nào ngơi tay. Cụ bà Nguyễn Thị Điểm, 84 tuổi, bị đau thần kinh đầu, sỏi thận vừa được ông thăm khám xong đã tâm sự với chúng tôi rằng: “Ông ấy tận tình lắm, đối với những bệnh nhân nghèo khám bệnh xong ông còn mua thuốc cho họ nữa!”. 

Thông thường, bệnh nhân sẽ tự tìm tới phòng khám của ông nhưng khi bệnh nhân không có điều kiện để tới, không quản đêm ngày, chẳng nề hà, ông bác sĩ già lại một mình một “con ngựa sắt” - đó chính là chiếc xe đạp cà tàng - tìm đến tận nhà người bệnh mà chẳng hề than vãn hay lấy một đồng tiền công. Cứ như thế, vòng xe ông đã lăn qua không biết bao nhiêu ngóc ngách xóm làng Tiên Lữ như một người chỉ mong cứu chữa người là quan trọng hơn bất cứ điều gì khác. Đối với những bệnh nhân còn nhỏ tuổi, bệnh còn nhẹ thì ông hướng dẫn cho người nhà lấy thuốc nam. Ông còn trồng một số cây thuốc nam thông dụng trong vườn như cung trinh nữ, bồ công anh, đinh lăng, hương nhu… cho bệnh nhân. Mỗi khi thăm khám xong cho mỗi bệnh nhân ông đều ghi đầy đủ tên tuổi, địa chỉ từng người, mắc bệnh gì... lần lượt vào những cuốn sổ ngày một kín chữ, ngày một dày thêm để tiện theo dõi bệnh tình. Khó có thể tin nổi những cuốn sổ ấy được ông gìn giữ cẩn thận suốt mấy chục năm kể từ ngày ông mở phòng khám miễn phí ở quê nhà. Trung bình mỗi năm, ông khám bệnh miễn phí cho từ 400-500 lượt người. Đến nay vị bác sĩ già đã khám, chữa bệnh, kê đơn miễn phí cho hàng chục nghìn lượt bệnh nhân. Đối với những người bệnh ở gần ông còn thường xuyên qua nhà để chăm nom, theo dõi một cách tận tình. Có những người bệnh ở xa ông còn cho ở lại nhà, ăn uống và nghỉ ngơi như người trong nhà. Trong số những người bệnh có không ít người là bạn bè, đồng đội của ông. Ông Vũ Ưởng, một Trung tá Công an về hưu cũng là chỗ bạn bè thân tình đã được ông cứu sống khi được phát hiện thủng dạ dày, được chuyển lên bệnh viện cứu chữa kịp thời...

*   *   *

Ông bác sỹ làng sống giản dị, mở phòng khám tư nhân miễn phí cũng với lý do hết sức giản dị. Ông bảo mình sống phải gắn bó với dân, mình còn sức thì còn phải giúp dân; hơn tất thảy là ông hiểu được sự đau đớn của người có bệnh, hiểu sự tốn kém mà bệnh tật mang lại cho những người nông dân còn nghèo khó. Bởi ông cũng là một thương binh nặng hạng 2/4 với nhiều vết thương trên người, bị một mảnh đạn gắm vào đầu gây chấn thương sọ não. “Người dân họ tin tưởng tôi lắm, họ hiền lành như rơm rạ, nhiều người ở xa cũng tìm đến, coi mình là chỗ dựa thì làm sao tôi từ chối họ được! Mà đời mình làm việc thiện tích đức thì đời sau con cháu được hưởng phúc đức ông cha để lại”, ông nói với chúng tôi như vậy. Với ông, bằng khen lớn nhất chính là sức khỏe của người bệnh!”. Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang bởi tiếng chuông điện thoại reo, tôi biết ông lại phải lên đường. Ông lại dắt chiếc xe đạp cà tàng ra khỏi nhà như biết bao lần ông làm như vậy.