Đạo luật CAATSA của Mỹ khiến tiêm kích tàng hình Su-75 Nga khó lòng cất cánh

ANTD.VN - Tiêm kích tàng hình Su-75 Checkmate do Nga nghiên cứu chế tạo bị nhận xét sẽ khó lòng cất cánh dưới hiệu lực Đạo luật CAATSA của Mỹ.

Đạo luật CAATSA (Luật chống đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt) đã có tác động lớn khiến các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Nga rơi vào tình trạng khó khăn.

Nạn nhân gần nhất của CAATSA là Su-75 Checkmate - một máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm giá rẻ để cạnh tranh với chiếc F-35 Lightning II của Mỹ và JAS-39 Gripen của Thụy Điển, hiện nó chỉ tồn tại dưới dạng mô hình và đồ họa máy tính.

Lý do là vì Nga bị cản trở trong việc mua chip xử lý tốc độ cao và chất bán dẫn. Nếu không có chúng, thì ngay cả phiên bản Checkmate nguyên mẫu cũng khó ra đời, chứ chưa mong đến sản xuất loạt.

Điều này có nghĩa là các nhà thiết kế và nhà sản xuất Nga phải làm việc với những gì họ có sẵn, nội địa.

Điều này có nghĩa là nếu được trang bị hệ thống điện tử của Su-57 hoặc Su-35, Su-75 sẽ gặp khó trên thị trường quốc tế.

Các tín hiệu khó khăn đã đến, ví dụ, Ấn Độ từ lâu đã rút khỏi dự án Su-57 và để Moskva một mình lo liệu tài chính. Điều này đã ảnh hưởng đến sự phát triển, gây trì hoãn trong nhiều năm và kết quả có thể thấy rõ: khách hàng duy nhất của Su-57 là Nga.

Trong khi đó, tiêm kích Su-35 được cho là sẽ sớm xuất hiện trên bầu trời Algeria, Indonesia và Ai Cập. Nhưng đáng tiếc là điều đó không xảy ra sau khi cả ba quốc gia dự kiến mua sắm thay đổi quyết định “vào phút cuối cùng”.

Đạo luật CAATSA có vai trò lớn trong những lời từ chối này. Nỗi sợ hãi về các lệnh trừng phạt kinh tế bao trùm khiến họ rút lui.

Su-75 Checkmate hiện đang đi theo bước chân tương tự như các máy bay khác của Nga. Việc thiếu nhiều thành phần và thiết bị chủ chốt như chip và chất bán dẫn khiến kế hoạch phát triển dòng máy bay này liên tục phải thay đổi.

Chiếc máy bay chiến đấu này ban đầu dự kiến ​​sẽ bay vào năm 2023, sau đó sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2024. Tuy nhiên tuyên bố như vậy bị cho là không thể thực hiện nổi trong tình cảnh hiện nay.

Su-75 Checkmate từng được kỳ vọng ​​sẽ sản xuất hàng loạt vào năm 2025, nhưng Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostech của Nga mới đây cho biết, quá trình này sẽ không sớm hơn năm 2027.

Đạo luật CAATSA cũng đã can thiệp vào một quốc gia Trung Đông. Áp lực từ Washington buộc UAE phải rút tiền tài trợ cho Su-75 Checkmate. Đổi lại, Mỹ đã hỗ trợ Abu Dhabi mua vũ khí của Israel, trong khi Tel Aviv cũng thúc giục bán F-35 cho UAE.

Một số chuyên gia cho rằng Đạo luật CAATSA không thể ngăn một số chính phủ nước ngoài ký hợp đồng mua tiêm kích Su-75. Nhưng thực sự thì Mỹ không bắt buộc phải làm như vậy.

Việc tiếp tục cấm xuất khẩu thiết bị công nghệ sang Nga là đủ để mọi sự chậm trễ - điều vốn đã lặp đi lặp lại, dẫn đến khách hàng tiềm năng chán nản, từ chối Su-75 Checkmate.

Ngày nay, vũ khí mạnh nhất của Mỹ chống lại Nga không phải là phương tiện tác chiến hiện đại, quan hệ đối tác hay ảnh hưởng gần biên giới của Nga mà chính Đạo luật CAATSA mới thực sự có "sức sát thương" mạnh nhất.

Bên cạnh đó, Đạo luật CAATSA còn mở ra cơ hội vàng cho Mỹ và các đồng minh trong việc chiếm lĩnh thị trường vũ khí thế giới, khi họ có thể rất nhanh bù đắp khoảng trống do Nga để lại.