Hòn ngọc ngàn đời
Ông Phạm Hồng Chức, một người Thanh Hóa say mê nghiên cứu về dư địa chí xứ Thanh rất tâm đắc về địa thế của đảo Mê. Theo ông, trong vòng cung bờ biển từ xã Hải Thanh đến xã Nghi Sơn từ 8 đến 12km, thiên nhiên khéo phú cho vùng biển phía Nam Thanh Hoá một cụm đảo Mê rộng tới 10km2 mặt biển, là một trong những thắng cảnh cẩm tú hùng vĩ về hải-giang-sơn-thủy ở Tĩnh Gia.
Người xưa gọi huyện Tĩnh Gia là “Ngọc Sơn” và có câu khen “Ngọc Sơn trung tú vạn niên cơ”, nghĩa là: Ngọc Sơn tập trung cảnh đẹp có nguồn gốc vạn năm. Trong đó, cụm đảo Mê là một trong những thắng cảnh đẹp nhất. Các cụ già ở địa phương giải thích rằng: Đảo Mê xưa còn có tên đảo Vị vì từ trên cao của dãy núi Nam Động phía tây nhìn ra biển thấy 18 hòn đảo to nhỏ ấy tạo thế chữ Vị (chữ Hán cổ), vì thế cụm đảo Mê còn có tên chữ khác là Thập bát Mã Sơn, tức 18 con tuấn mã. Người dân vùng biển này có câu đồng dao về cụm đảo:
Bung, Mê, Sổ, Sập tứ bề
Hòn Vàng choi chói nằm kề Biện Sơn...
Theo các nhà nghiên cứu quân sự thì đảo Mê cách xã Hải Bình 13km, cách Nghi Sơn 8km, Sầm Sơn 40km. Trong cụm đảo Mê, hòn Mê có diện tích 4km2, độ cao trung bình so với mặt biển 175m, đỉnh cao nhất 259m. Xung quanh đảo chủ yếu là vách đá dựng đứng, chỉ có hai bãi cát ở chân đảo phía Bắc và phía Nam, bãi phía Nam dài 200m, rộng 100m rất tiện tàu thuyền tiếp cận đảo, nhất là khi có bão tố. Toàn bộ hòn Mê là những cánh rừng nguyên sinh tương đối phong phú đa dạng các hệ thực vật, động vật.
Bộ đội thường xuyên tuần tra nên rừng nguyên sinh trên đảo không bị xâm hại
Vựa thuốc và vựa cá
Đã từng đặt chân đến nhiền hòn đảo của Tổ quốc, nhưng lần đầu tới đảo Mê, chúng tôi vẫn không khỏi trầm trồ bởi vẻ đẹp của đảo. Cách bờ không xa nhưng hơn 50 năm qua, bộ đội đảo Mê đã có công sức rất lớn gìn giữ hòn đảo gần như nguyên vẹn vẻ hoang sơ, không một ngọn cây, một con chim, con thú bị xâm hại. Rừng rậm và bốn bề là vách đá dựng đứng nên nhiều nơi quanh năm không dấu chân người.
Những cánh rừng nguyên sinh trên đảo 4 mùa tươi tốt, có đủ loại cây lấy gỗ như sến, kim giao, cây làm đồ mỹ nghệ như song, mây, đót; cây thuốc có kim ngân, cẩu tích, sâm cau, bách bộ; cây ăn quả có chuối, cam, quýt, chanh. Đặc biệt, quýt là loài cây có từ lâu trên đảo, cứ mùa xuân hoa quả vàng rực đảo. Bộ đội đảo Mê còn trồng được cả một vườn đào ngay dưới chân tượng đài liệt sĩ.
Động vật trên đảo có nhiều loại như: Khỉ, trăn, rắn, kỳ đà, các loài chim cu, vàng anh, chèo bẻo, hải âu. Bò, dê là hai loại “đại gia súc” phổ biến, trong đó có đàn dê núi nhiều năm sống trong rừng. Ngồi trên xe ô tô đi từ cầu cảng lên đảo, chốc chốc chúng tôi lại thấy một chú khỉ băng ngang.
Thiếu tá Trịnh Văn Thịnh, Đảo trưởng cho biết: “Hiện trên đảo có hàng trăm con khỉ được bảo tồn. Anh em bộ đội vừa trông lại vừa phải “phòng” chúng. Đồ đạc, rau quả, thậm chí hoa quả thắp hương trên đài liệt sĩ phải có bộ đội gác, nếu không những chú khỉ láu lỉnh sẽ “tập kích” ngay".
Ngư trường quanh đảo Mê cũng rất phong phú, đa dạng, đủ loại cá tôm các loại. Nhiều nhất là mực và tôm hùm. Riêng về mực, đảo Mê là một trong 5 bãi khai thác đánh bắt nhiều mực nhất ở khu vực vịnh Bắc Bộ nên tàu thuyền đánh bắt quanh đảo rất nhiều. Anh Thịnh kể, những ngày biển động, có tới hàng nghìn tàu thuyền về neo đậu tránh bão phía Nam đảo.
Tình cờ trong chuyến công tác ra đảo, chúng tôi gặp bác Trần Văn La, ngư dân nổi tiếng ở xã Nghi Sơn, người đã kết nghĩa anh em với bộ đội đảo Mê.
Bác La đã có 30 năm liên tục đánh cá trên biển, hai lần được bộ đội đảo Mê cứu khi tàu gặp bão. Bác khẳng định: Đảo Mê từng là vựa cá nổi tiếng với dân đi biển. Những năm trước đây, cá tôm ở khu vực này nhiều vô kể. Có khi tôm hùm bám đầy các bãi đá ven đảo. Gần đây, do đánh bắt quá nhiều với các loại lưới hủy diệt, nguồn lợi thủy sản ở đảo Mê sụt giảm đáng kể.
Vậy mà, cách đây 5 năm, đúng vào ngày kỷ niệm 45 năm truyền thống đảo Mê, trên đường dùng tàu chở Thiếu tá Lê Bá Bằng (khi đó đang là đảo trưởng) vào đảo, do sóng lớn, tàu của bộ đội không đi được, bác La đã bắt được con cá mú nặng tới 35kg, mang tặng anh em đón mừng ngày truyền thống. Theo lời bác La thì vùng biển đảo Mê còn là vựa cá thu, cá ba gai, cá mập, tôm hùm…
"Vào khoảng năm 1976-1977, có lần tôi thả 12 lưỡi câu thì được tới 8 con cá mú, con nặng nhất lên tới 40kg. Hiện nay cá sủ vàng, loài cá quý giá siêu đắt, có giá hàng chục triệu đồng/1kg. Ngày trước, có lúc tôi bắt 300kg cá sủ vàng. Có năm, tôi bắt con cá mập trắng 3,2 tạ, nó kéo thuyền đi 2km, có năm bắt cá ó đường kính khoảng 2m. Còn tôm hùm thời trước khi trời mưa, đứng mép đảo nó nổi lên đầy bờ đá. Tôi cũng nhiều lần lặn xuống đáy biển khu vực hòn Mê, các loại ốc môi, nón, tù và, gai, yếm, trinh nữ, bào ngư nhiều vô kể”, bác Trần Văn La bồi hồi kể lại.
Đánh thức đảo Mê
Bí thư huyện ủy huyện Tĩnh Gia Trương Bá Phúc tâm sự với chúng tôi, không riêng gì ông mà với mọi người dân Tĩnh Gia, đảo Mê không chỉ là “đảo bộ đội” mà luôn gần gũi, là “đảo nhà”. UBND huyện cũng đã có rất nhiều hoạt động góp sức xây đảo. Riêng năm 2014 đã đầu tư hệ thống đường điện và hàng trăm bể chứa nước ngọt từ hàng chục đến hàng trăm khối giúp bộ đội đảo Mê đủ nước ngọt sinh hoạt.
Theo ông Trương Bá Phúc, trong thời gian tới, dự án Khu du lịch sinh thái đảo Mê đang được quy hoạch, triển khai sẽ “đánh thức” nhiều tiềm năng của đảo. Hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đã xin ý kiến Bộ Quốc phòng để quy hoạch phát triển kinh tế du lịch ở một phần khu vực của đảo Mê và vùng biển lân cận đảo Mê, kết nối phát triển du lịch huyện Tĩnh Gia ở vùng biển từ Hải Hòa, khu kinh tế Nghi Sơn ra đảo. Năm 2014, đoàn công tác của Bộ Quốc phòng đã ra đảo thị sát về vấn đề quy hoạch phát triển kinh tế du lịch, kết hợp kinh tế với quốc phòng ở một phần khu vực đảo Mê.
Theo ông Trương Bá Phúc, quy hoạch đó sẽ tạo thêm động lực phát triển kinh tế khu kinh tế Nghi Sơn, góp phần quan trọng để huyện Tĩnh Gia trở thành đầu tàu kinh tế của cả tỉnh trong những năm tới. Hiện Khu kinh tế Nghi Sơn đang là một trong 5 khu kinh tế trọng điểm của cả nước, có những dự án quy mô rất lớn như lọc hóa dầu Nghi Sơn 9,2 tỷ USD-lớn nhất cả nước hiện nay. Hiện tỉnh đang xúc tiến xây dựng quy hoạch, Bộ Quốc phòng đã đồng ý chủ trương và đang khảo sát bước 3 để cắm mốc, bàn giao.
Những chuyến đi khai mở tương lai
Ra đảo Mê lần này, điều thú vị nhất với chúng tôi là đã mời được Chủ tịch UBND xã Hải Bình, anh Nguyễn Quốc Tuấn đi cùng. Thời trẻ anh lăn lộn đánh cá, giờ đây, năm nào anh cũng ra đảo hàng chục lần nên bộ đội đảo Mê gọi anh là “anh cả”. Hôm chúng tôi vừa bước chân lên cầu cảng, đã thấy anh em ùa tới bên anh Tuấn, hỏi dồn:
- Anh ơi, lần này chị Thu có ra không?
Chị Thu là ai vậy? Chúng tôi tò mò hỏi thì được anh em bộ đội "bật mí", đó chính là Phó bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Thị Xuân Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Từ khi luân chuyển về Thanh Hóa, được giao phụ trách khối nông nghiệp, chị Thu đã nhiều lần ra đảo nên anh em bộ đội rất quý chị.
Anh Nguyễn Quốc Tuấn kể rằng, ngay lần đầu tiên ra đảo Mê, chị Thu thật sự xúc động trước công sức, tâm huyết của những người lính bảo tồn quần thể đảo xinh đẹp, tài nguyên phong phú. Chị đã ứa nước mắt khi nhìn những người lính chắt chiu từng giọt nước tưới rau, tưới cây. Chị kinh ngạc tìm hiểu những khu rừng nguyên sinh, nghe kể về những "vựa thuốc", "vựa cá" của đảo. Một trong những việc làm được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa rất quan tâm từ những chuyến đi, đó là thúc đẩy việc triển khai Khu bảo tồn biển hòn Mê, một trong 16 khu bảo tồn biển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014 với 440 loài sinh vật biển.
Nhìn đảo Mê rất giống những hòn đảo nhỏ như đảo Yến, như Hòn Tằm ở Nha Trang. Tại sao ở Nha Trang họ làm giàu được từ biển đảo, biến những hòn đảo hoang sơ thành nơi thu hút khách du lịch? Liệu Thanh Hóa có thể có một Vinpearl như ở Nha Trang không? Vốn là một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, Phó bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Xuân Thu đã tổ chức đoàn cán bộ của tỉnh trong đó có các doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương vào Nha Trang tìm hiểu. Anh Nguyễn Quốc Tuấn may mắn cũng có trong thành phần của đoàn. Nhìn những hòn đảo tươi đẹp nườm nượp du khách, những vùng bảo tồn, quanh biển đảo đầy tôm cá, anh Tuấn phấn khởi nói với lãnh đạo tỉnh:
- Đảo Mê từng là vựa cá. Nếu học cách làm ở Nha Trang, cho quy hoạch vùng bảo tồn. Cấm đánh bắt, khai thác trong phạm vi nhất định xung quanh đảo trong vòng 5 năm, tôm cá sẽ lại sinh sôi, tôm hùm sẽ lại bám đầy các ghềnh đá như năm xưa! Thực tế hiện nay ở khu vực đảo Mê, trên Hòn Bung cũng đã có một hộ tư nhân đầu tư nuôi trồng thủy sản, khoanh vùng cấm đánh bắt nên nay quanh Hòn Bung, tôm cá rất nhiều.
Sẽ còn nhiều việc phải làm để đảo Mê được đánh thức. Nhưng chúng tôi tin nhờ bàn tay người lính chung sức cùng chính quyền địa phương, sự kết hợp kinh tế với quốc phòng-an ninh trên hòn đảo xinh đẹp này sẽ sớm thành công. Khi vùng Nghi Sơn hoàn thiện khu kinh tế trọng điểm, cụm đảo Mê sẽ nằm trong tua du lịch Sầm Sơn-Lạch Bạng-Đảo Mê-Nghi Sơn. Lời của người xưa tiên tri về: “Ngọc Sơn trung tú vạn niên cơ. Bạng Hải thịnh truyền thiên cổ địa” sẽ trở thành hiện thực.