Đàm phán an ninh Nga-Mỹ: Vì sao châu Âu bị gạt sang bên lề?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Đàm phán an ninh Nga-Mỹ sẽ xoay quanh "lằn ranh đỏ" của Nga là việc Ukraine gia nhập NATO và khối này tiến về phía đông, vây quanh biên giới nước Nga.

Ngày 17/12, Bộ Ngoại giao Nga công bố dự thảo hiệp ước với Mỹ và thỏa thuận với NATO về đảm bảo an ninh. Một trong những điểm quan trọng mấu chốt trong dự thảo là NATO phải đưa ra đảm bảo rằng, liên minh sẽ không được mở rộng sang lãnh thổ Ukraine.

Nga còn có yêu cầu NATO phải loại trừ việc triển khai thêm quân đội và vũ khí bên ngoài các quốc gia mà họ đóng quân tính đến tháng 5/1997. Ngoài ra, Moscow cũng đề xuất quy định NATO không được tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự nào ở khu vực Đông Âu, vùng Ngoại Kavkaz và Trung Á.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, nếu NATO và Mỹ không đáp ứng yêu cầu của Nga về đảm bảo an ninh, điều này có thể dẫn đến một vòng đối đầu mới.

Đàm phán an ninh Nga-Mỹ sẽ xoay quanh chủ đề chính là căng thẳng Nga-Ukraine
Đàm phán an ninh Nga-Mỹ sẽ xoay quanh chủ đề chính là căng thẳng Nga-Ukraine

Còn Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin là ông Dmitry Peskov cũng chỉ rõ rằng: Việc NATO mở rộng sang các nước Ukraine, Gruzia, Moldova, cùng với những quốc gia khác trong không gian hậu Xô viết là “vấn đề sinh tử” đối với nước Nga.

Vị quan chức Nga cảnh cáo rằng, các nhà ngoại giao tài năng Nga sẽ phải tiến hành những cuộc đàm phán không dễ dàng với Hoa Kỳ về vấn đề đảm bảo an ninh, nhưng tốt hơn hết là Mỹ nên để các nhà ngoại giao phát biểu, hơn là khi các nhà quân sự phải lên tiếng.

Trong bối cảnh Nga-Mỹ đang tích cực chuẩn bị cho cuộc hội đàm, tờ báo Anh Daily Express viết rằng, Brussels bày tỏ sự không hài lòng với thực tế là Nga và Mỹ đang thảo luận độc lập về cuộc khủng hoảng Ukraine mà không mời đại diện của Liên minh châu Âu tham gia đàm phán.

Theo tờ báo Anh, người đứng đầu ngoại giao của EU là ông Josep Borrell tin tưởng rằng, nếu Moscow tổ chức một cuộc họp với Washington về đảm bảo an ninh gần biên giới châu Âu thì khối này phải có chỗ bên bàn đàm phán. Tuy nhiên, định dạng chỉ bao gồm những người đứng đầu của Nga-Mỹ và chưa dự kiến mở rộng thành phần tham gia.

Ấn phẩm lưu ý rằng, quyết định của Moscow và thái độ của Washington (không ép Nga phải đưa EU vào bàn đàm phán) đã minh chứng hùng hồn về mức độ ảnh hưởng yếu kém hiện nay của Liên minh Châu Âu đối với chương trình nghị sự trên thế giới.

Theo đó, hiện nay ngoại trừ Đức và Pháp, EU có rất ít khả năng quân sự; đồng thời cũng chỉ có Paris và Berlin là có ảnh hưởng nhất định đến Nga và có uy tín nhất định trên chính trường quốc tế, còn lại tiếng nói của các nước khác hầu như không có trọng lượng gì.

Từ trước đến nay, Liên minh châu Âu thường phải nghe theo định hướng của Mỹ, không tự chủ được trong các vấn đề đối ngoại, đặc biệt là trong quan hệ với Nga. Do đó, việc EU có được mời tham dự hội đàm Nga-Mỹ về an ninh quốc gia hay không là không hề quan trọng, kết quả hội đàm sẽ được thông báo sau và Brussels chỉ việc làm theo “ý chỉ” của Washington.