Thỏa thuận trung chuyển khí đốt: Ukraine ép Nga vào thế kẹt?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Thỏa thuận trung chuyển khí đốt còn thời hạn tới 3 năm nhưng Ukraine đã đòi Nga phải đàm phán gia hạn hợp đồng, trong khi Moscow chưa biết khách hàng tương lai là ai, mua khối lượng bao nhiêu.

Nga sẵn sàng bắt đầu đàm phán về việc gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt qua Ukraine khi xác định được rõ việc ai sẽ mua khí đốt và mua với khối lượng bao nhiêu, với điều kiện ra sao - ông Alexey Polishchuk, Vụ trưởng Vụ II, phụ trách các nước SNG (Sodruzhestvo Nezavisimykh Gosudarstv, tức “Cộng đồng các Quốc gia Độc lập”) của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Trước đó, giám đốc công ty "Nhà điều hành GTS của Ukraine" (Transmission System Operator of Ukraine) là ông Sergei Makogon không loại trừ việc mùa đông năm nay Nga có thể ngừng vận chuyển khí đốt qua tuyến đường ống trung chuyển Ukraine. Theo ông, Kiev đã sẵn sàng cho một kịch bản như vậy.

Vị quan chức Nga chỉ rõ, các vấn đề liên quan đến việc cung cấp khí đốt của Nga cho các nước Tây Âu và Trung Âu, cũng như trung chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine hoàn toàn mang tính chất thương mại và nó còn cần tuân thủ theo những điều kiện nhất định.

Thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga-Ukraine có những điều khoản bất lợi cho Nga
Thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga-Ukraine có những điều khoản bất lợi cho Nga

Ông Polishchuk nhận xét, rõ ràng là các cuộc đàm phán về việc gia hạn trung chuyển chỉ có thể được tiến hành khi có sự hiểu biết rõ ràng về việc đối tác nào sẵn sàng mua khí đốt [đường ống] của Nga, với khối lượng bao nhiêu và điều kiện ưu đãi như thế nào.

Sau khi Nga nắm rõ những thỏa thuận này mới biết mình cần vận chuyển bao nhiêu khí sang châu Âu theo những hợp đồng dài hạn, từ đó mới tính được khối lượng khí sang châu Âu hàng năm. Do đó, việc trung chuyển chỉ là thứ yếu trong trường hợp này - nhà ngoại giao Nga nói.

Hồi tháng 10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã nói về việc Moscow sẵn sàng gia hạn thỏa thuận trung chuyển với Kiev. Ông nhấn mạnh rằng, “nếu điều kiện kinh tế và công nghệ cho phép”, Moscow thậm chí còn tăng khối lượng bơm khí đốt trung chuyển qua đường ống Ukraine.

Ngược lại, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky cũng tỏ ý sẵn sàng gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt của Nga sau năm 2024.

Hồi cuối tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Ukraine Denis Shmyhal tiết lộ rằng, chính quyền Kiev muốn gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt với tập đoàn Gazprom của Nga trong hơn một thập kỷ, bất chấp việc Kiev đang nỗ lực ngăn chặn đường ống Nord Stream 2 đã hoàn thành.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với đài RFERL của Mỹ, ông Shmyhal thông báo rằng, chính quyền Kiev đang tìm cách kéo dài thỏa thuận mà theo đó Moscow phải xuất khẩu nguồn cung cấp qua mạng lưới ngầm do Liên Xô xây dựng. Thủ tướng Ukraine cho biết, thỏa thuận lý tưởng nhất là “kéo dài những điều kiện này trong 15 năm”.

Được biết, thỏa thuận hiện tại được ký kết với thời hạn 5 năm, quy định năm 2020 Nga trung chuyển 65 tỷ m3 khí đốt qua Ukraine sang châu Âu, còn trong giai đoạn 2021-2024, mỗi năm công suất sẽ là 40 tỷ m3 và Gazprom phải thanh toán tiền cho toàn bộ định mức công suất này, bất kể khối lượng vận chuyển thực tế qua lãnh thổ Ukraine là bao nhiêu.

Ông Polishchuk nhắc rằng, hợp đồng trung chuyển hiện tại có thời hạn đến ngày 31/12/2024, tức là còn 3 năm nữa để Nga có thể tìm kiếm những hợp đồng mới hoặc thanh lý các hợp đồng cũ. Vì thế, việc Ukraine nêu ra việc gia hạn trước thời điểm đó những 3 năm hoàn toàn vì mục đích chính trị.

Hiện nay, phương Tây đang nỗ lực ngăn chặn các dự án mới hoặc thỏa thuận mới của Moscow, hạn chế thị phần xuất khẩu khí đốt Nga ở EU, khiến dòng khí trung chuyển tới châu Âu giảm xuống.

Hơn nữa, trong khi chính Ukraine và EU đòi Nga phải bỏ các thỏa thuận khí đốt dài hạn thì Kiev lại đòi Nga ký thỏa thuận trung chuyển dài hạn, bắt chẹt Nga phải trả tiền đầy đủ theo thỏa thuận, kể cả trong trường hợp lưu lượng khí qua Ukraine giảm xuống so với hợp đồng, bất kể với lí do gì.

Nếu Gaprom không chấp thuận thì lại bị vướng vào các vụ kiện tụng ở châu Âu mà phần lớn là những phán quyết bất lợi cho Nga.

Do đó, nếu vội vã chấp nhận ký thỏa thuận mới dài hạn với Ukraine thì Nga sẽ là bên thiệt thòi nhiều nhất, thậm chí Moscow còn “bị thiệt đơn thiệt kép”.