Đàm phán An ninh Nga-Mỹ: Phán quyết nào cho Ukraine và Gruzia?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đàm phán An ninh Nga-Mỹ có thể dẫn tới việc Mỹ và NATO bí mật cam kết sẽ không kết nạp Ukraine và Gruzia trong tương lai gần.

Mặc dù Mỹ sẽ không nhượng bộ tất cả các đề xuất an ninh của Nga, đặc biệt là khi đề cập đến vấn đề mở rộng NATO, nhưng các chuyên gia cho rằng, có thể hai bên sẽ đạt được thỏa hiệp, với mức độ nhân nhượng nhất định của mỗi bên về các vấn đề không mang tính nguyên tắc.

Vào ngày 17-12-2021, Moscow đã trình bày các dự thảo thỏa thuận giữa Nga, Mỹ và NATO về đảm bảo an ninh, trong đó có các điều khoảng ngăn NATO mở rộng về phía đông và cấm Mỹ, Nga bố trí các tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn trong khoảng cách tấn công vào lãnh thổ của nhau, cũng như một số điều kiện khác.

Moscow và Washington dự kiến ​​sẽ tổ chức các cuộc đàm phán về đảm bảo an ninh vào ngày 10-1-2022. Tiếp sau đó là cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO về các đề xuất an ninh của Nga vào ngày 12-1 và hội nghị thượng đỉnh giữa Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) vào 13-1-2022.

Thỏa thuận an ninh Nga-Mỹ còn liên quan đến cả Ukraine, Gruzia, NATO và châu Âu
Thỏa thuận an ninh Nga-Mỹ còn liên quan đến cả Ukraine, Gruzia, NATO và châu Âu

Theo ông Thomas Shea, một thành viên cao cấp của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, chuỗi các cuộc họp liên tiếp này tạo tiền đề cho một hội nghị ngoại giao có thể dẫn đến việc biến Ukraine trở thành một quốc gia trung lập và tạo ra một hiệp ước khung giúp giảm nguy cơ xung đột vũ trang.

Theo ông, có thể hy vọng vào một cuộc đàm phán năm bên về một thỏa thuận như vậy, bao gồm: Nga, Belarus, Ukraine, NATO và Mỹ. Đã đến lúc cả năm phải thể hiện bằng chứng về lòng tin, bằng những hành động cụ thể theo những mốc thời gian nhất định.

Theo chuyên gia Thomas Shea, đây sẽ là một bước phát triển đáng chú ý, nhưng đặc biệt mong manh trong thời điểm căng thẳng cao độ này.

Còn một thành viên cấp cao tại Trung tâm Giải trừ quân bị và Không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Vienna là ông Nikolai Sokov, cũng cho rằng, việc Mỹ xem xét các đề xuất của Nga một cách nghiêm túc là dấu hiệu cho thấy tình hình xung quanh Ukraine có thể leo thang đến mức nguy hiểm, bởi Washington “đánh hơi” thấy sự nguy hiểm trong phản ứng của Nga.

Ông Sokov nhấn mạnh, tất nhiên là có những giới hạn nhất định đối với những gì Washington có thể suy tính và nhân nhượng, nhưng ít nhất một cuộc đối thoại nghiêm túc có thể bắt đầu.

Vị chuyên gia này nhận định rằng, vấn đề NATO mở rộng sang phía đông không phải là điều Mỹ muốn đưa ra bàn đàm phán, còn một số vấn đề khác, ví dụ như quy mô và tần suất các cuộc tập trận, cùng với sự hiện diện quân sự ở Đông Âu có thể được đưa ra thảo luận.

Nhưng nếu Moscow kiên quyết yêu cầu liên minh không được kết nạp thành viên mới và phải đưa từng câu chữ vào trong văn kiện thỏa thuận thì cuộc thảo luận sẽ lâm vào bế tắc.

Theo ông, chỉ có thể có một thỏa thuận bí mật, trên thực tế là NATO ngầm cam kết không kết nạp Ukraine và Gruzia trong tương lai gần; cũng có thể có một thỏa thuận về giới hạn mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ở các nước này, nhưng điều đó sẽ không được tìm thấy trong bất cứ tài liệu nào.

Chuyên gia Sokov nói và cho biết thêm rằng, tất nhiên là một sự thỏa hiệp có thể xảy ra và nó sẽ nằm trong những giới hạn đối với những gì có thể chấp nhận được đối với cả Washington và Moscow.

Ông cũng nhận định rằng, đối thoại ổn định chiến lược Nga-Mỹ về kiểm soát vũ khí lại có những động lực riêng, với vấn đề chính là liệu Washington có đồng ý thảo luận về các lĩnh vực khác ngoài vũ khí hạt nhân chiến lược, trước hết là phòng thủ tên lửa và tên lửa tầm xa thông thường.

Chuyên gia giải thích rằng, cho đến nay, có vẻ như không có một thỏa thuận nào về những bất đồng chính có thể đạt được. Các cuộc tham vấn về an ninh châu Âu và NATO cho đến nay dường như có một hướng đi riêng biệt và sẽ nằm trong một chương trình nghị sự khác.

Trong khi đó, ông Ramana, Chủ tịch Quỹ Simons về Giải trừ quân bị, an ninh toàn cầu và con người tại Trường Chính sách công và các vấn đề toàn cầu và Giám đốc Viện Liu về các vấn đề toàn cầu của Đại học British Columbia, lưu ý rằng, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga, ngoài các vấn đề quan hệ trực tiếp đến hai quốc gia này, thì còn có liên quan đến các nước khác.

Theo ông, bên cạnh căng thẳng giữa Washington và Moscow, các vấn đề thảo luận giữa hai bên sẽ có rất nhiều vấn đề khúc mắc cần giải quyết, ví dụ như mối quan ngại về an ninh của nhiều quốc gia gần biên giới với Nga và ở Đông Âu hay sự hiện diện của quân đội Mỹ ở châu Âu hoặc sự gia tăng về quy mô và tần suất các cuộc tập trận của cả hai bên…

Vị chuyên gia này nhận xét rằng, bất chấp nhiều khác biệt giữa hai cường quốc của thế giới, chúng ta vẫn có thể hy vọng rằng, Điện Kremlin và Nhà Trắng sẽ thông qua được một thỏa thuận an ninh mới. Tất nhiên là không thể hy vọng hai bên sẽ giải quyết tất cả các vấn đề nhưng, các nút thắt sẽ được gỡ bỏ dần dần.

Các vấn đề mang tính nguyên tắc giữa hai bên sẽ khó có thỏa hiệp và chúng sẽ tiếp tục tồn tại dai dẳng, một vài vấn đề không liên quan trực tiếp đến Nga và Mỹ hoặc có liên quan nhưng có thể nhân nhượng sẽ được hai bên nỗ lực dàn xếp, Moscow sẽ đưa ra nhiều đảm bảo trên thực tế để đổi lấy những cam kết ngầm của Washington.