Đảm bảo ATGT trên địa bàn Hà Nội: Giải pháp sáng tạo, thực hiện thiếu “lửa”

ANTĐ - Sau 8 năm thực hiện Chỉ thị 22 (22-CT/TW năm 2003) của Ban Bí thư và Chỉ thị 18 của Thành ủy Hà Nội về các giải pháp nhằm hạn chế ùn tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông, Hà Nội được đánh giá là địa phương đi đầu, có sáng tạo, đổi mới và hiệu quả. Tuy nhiên, ùn tắc giao thông vẫn ngày càng nhức nhối.

Phân luồng giảm ùn tắc trong giờ cao điểm

100 tỷ đồng xử phạt mỗi năm

Thành ủy Hà Nội cho biết, qua 8 năm thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Bí thư, tình hình giao thông và TNGT trên địa bàn TP đã có bước cải tiến rõ rệt trên cả 3 mặt như giảm số vụ TNGT; giảm số người chết và bị thương; không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài… Ngoài ra, công tác tuyên truyền, xử phạt cũng tăng độ nghiêm khắc hơn. Hà Nội đã có 23 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ATGT. “Toàn TP đã xử phạt hơn 5,6 triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 738 tỷ đồng. Tạm giữ 26.000 ô tô và hơn 346.000 xe máy. Đối với xử phạt lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, từ năm 2006 đến nay đã xử lý 217.000 trường hợp, phạt tiền 71 tỷ đồng”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Công Soái nói.

Từ nay đến năm 2016, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Công Soái cho biết, sẽ tập trung cải tạo 75 nút giao, xử lý 177 điểm có nguy cơ tai nạn, cải tạo 59 điểm để phục vụ bộ hành, tăng cường giao thông công cộng, cải tạo 1.000 điểm đỗ xe buýt. Dù các cấp, các ngành của Hà Nội đã nỗ lực trong công cuộc đảm bảo ATGT song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Số phương tiện cá nhân gia tăng quá nhanh qua các năm, cùng với đó là công tác tuyên truyền, xử phạt chưa được thực hiện quyết liệt và duy trì lâu dài…

Cần tầm nhìn chiến lược

Trung tướng Tô Thường, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH (Bộ Công an) cho rằng, Hà Nội đã có khá đầy đủ các văn bản, quy định về ATGT, tuy nhiên, việc thực thi ở các cấp, các ngành còn kém. Trung tướng Tô Thường lấy ví dụ, việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, chỗ đỗ xe gây mất trật tự giao thông hoặc việc chuyển dần các cơ quan, đơn vị, trường học ra khỏi trung tâm thành phố nhưng không rõ trách nhiệm giám sát dẫn đến bao năm nay chưa hề nhúc nhích.

Lý giải về những thắc mắc trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết: “Giải pháp hạn chế xe cá nhân Hà Nội cũng đã từng đưa ra, nhưng chỉ được một thời gian ngắn gặp phải sự phản đối nên dừng lại. Năm 2008, Hà Nội cũng có chính sách về cấm bán hàng rong, nhưng việc duy trì rất khó vì liên quan đến lao động ngoại tỉnh đổ về, không có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan. Trong khi đó, xử lý vi phạm hành chính thì còn nhiều bất cập”. Bởi vậy, ông Nguyễn Văn Khôi cho rằng, cần bổ sung giải pháp cưỡng chế, thu hồi phương tiện trong những trường hợp nhất định, tăng mức xử phạt ở những hành vi trực tiếp gây ra ùn tắc giao thông và xử lý hình sự với những trường hợp tái phạm nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng. Về việc di chuyển các cơ quan, trường học ra khỏi trung tâm TP, Hà Nội cũng đã làm việc với nhiều bộ, ngành, nhưng chưa đạt được sự đồng thuận. Hầu hết các trường học, bệnh viện đều muốn giãn ra ngoại thành nhưng lại không muốn chuyển ra hết, mà vẫn giữ lại cơ sở cũ dưới dạng cơ sở 2”.

Song, những giải pháp trên theo đánh giá của Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Công Soái chỉ là giải quyết phần ngọn, nếu không có một tầm nhìn chiến lược đối với hạ tầng giao thông Hà Nội thì sẽ khó giải bài toán ách tắc. Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, Trung tướng Đặng Văn Hiếu cho rằng, qua 8 năm thực hiện Chỉ thị 22, giao thông Hà Nội đã có những chuyển biến rõ rệt, sáng tạo trong phương pháp nhưng khi thực hiện vẫn thiếu sự kiên quyết, thiếu nhiệt. Trong thời gian tới, Hà Nội cần tập trung đầu tư cơ sở hạ  tầng, hoàn thiện các đường vành đai 1, 2 và 3, đồng thời phát triển giao thông công cộng như đường sắt trên cao, xe buýt công cộng. Tuy nhiên, nếu làm dàn trải hiệu quả sẽ không được như mong đợi, cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm…