- Thêm kỹ năng phòng cháy chữa cháy chuyên sâu tại cộng đồng
- Trang bị kỹ năng thoát nạn trong đám cháy cho trẻ nhỏ
Dạy trẻ những kỹ năng cần thiết khi ở nhà một mình là việc quan trọng để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra bởi sẽ có lúc bố mẹ phải đi ra ngoài mà không thể dẫn theo con trẻ. Trẻ nhỏ luôn hiếu động và không nhận biết được những mối nguy hại xung quanh.
Kỹ năng sử dụng các vật dụng thiết yếu
Hàng ngày, trong sinh hoạt gia đình, bố mẹ nên dạy trẻ sử dụng các đồ dùng, thiết bị như lấy nước ở bình, bật quạt, lấy đồ ăn ở tủ lạnh… Luôn nhắc nhở con khóa cửa cẩn thận, tắt các thiết bị như bóng điện, quạt,… khi không sử dụng. Chỉ dạy con lưu ý và ghi nhớ địa điểm để các vật dụng phòng khi cần như đèn pin khi mất điện… Cha mẹ nên chuẩn bị một vài món đồ ăn sẵn cho con, rồi chỉ bé chỗ để của chúng.
Hạn chế tối đa cho trẻ nhỏ chơi các đồ chơi có sử dụng điện lưới, các thiết bị phải cắm điện lưới khi sử dụng, nên treo cao các ổ cắm, phích cắm điện đề phòng trẻ tự ý sử dụng dẫn đến nguy cơ bị điện giật. Nếu có điều kiện, các gia đình nên lắp đặt camera để giám sát, nhắc nhở thường xuyên việc vui chơi của trẻ nhỏ tại nhà riêng khi không có người lớn ở nhà.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần dự trữ một bộ dụng cụ sơ cứu trong nhà và dạy con cách sơ cứu cơ bản. Đặc biệt cha mẹ cũng cần chủ động loại bỏ các yếu tố nguy hiểm ra khỏi ngôi nhà như đảm bảo rằng các chất độc tiềm ẩn như chất tẩy rửa, chất đánh bóng, thuốc trừ sâu, chất độc... được cất giữ trong tủ có khóa hoặc ngoài tầm với của trẻ em. Đối với các ổ điện, cần có băng gạch che chắn hoặc sử dụng các dụng cụ che ổ điện để tránh việc trẻ tò mò nghịch ổ điện.
Kỹ năng tránh xa các mối nguy hại trong nhà
Cha mẹ nên cho con biết những mối nguy hiểm khi ở nhà một mình, hướng dẫn con sử dụng vật dụng có điện, gas, vật nhọn trong nhà. Chỉ con cách thoát hiểm, đối phó với người lạ, tri hô cho mọi người xung quanh đến hỗ trợ. Luôn giữ liên lạc với con, cho con số điện thoại của người quen hoặc cơ quan chức năng. Cha mẹ nên cùng con thực hành nhiều lần để con hiểu và nắm rõ.
Bên cạnh đó, một số tình huống thường gặp khi trẻ ở nhà để cha mẹ có thể hướng dẫn và tập huấn cho con. Đối với cháy, nổ, máy móc, điện, cha mẹ nên chỉ cho con biết điều gì sẽ gây ra cháy, nổ. Cha mẹ nên dùng ổ điện dễ sử dụng, có nút bảo vệ an toàn hoặc tự động ngắt điện, không cắm trực tiếp vào tường. Trong trường hợp trẻ bị bỏng thì tìm ngay nguồn nước lạnh xối khoảng 10-15 phút, trong thời gian đó thì tri hô hàng xóm, điện thoại cho cha mẹ hoặc gọi 115.
Nhớ số liên lạc của người thân
Bố mẹ hãy liệt kê các số liên lạc của người thân trong gia đình rồi dạy trẻ nhớ chúng. Khi có sự cố hãy dặn trẻ gọi ngay cho người thân. Dạy trẻ các số điện thoại khẩn cấp như cứu hỏa, cứu thương, dạy bé cách bấm số… để có thể gọi khi cần. Lưu ý khi dạy số điện thoại cho trẻ, bạn nên nhắc đi nhắc lại nhiều lần và cùng con thực hành khi chơi với con. Tuy nhiên, trong nhiều tình huống cấp bách, trẻ dễ hoảng sợ mà quên đi dãy số dài. Cha mẹ có thể cho con học thuộc những số khẩn cấp như 113 để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Kỹ năng cảnh giác với người lạ
Nguyên tắc cơ bản nhất cần dạy trẻ khi ở nhà một mình là kỹ năng cảnh giác với người lạ để đảm bảo tính an toàn, tránh những đối tượng có ý đồ xấu. Tuyệt đối không mở cửa cho bất kỳ ai. Việc bị kẻ xấu đột nhập vào nhà là điều có thể xảy ra. Điều tốt nhất mà cha mẹ cần làm trước khi ra ngoài là kiểm tra toàn bộ hệ thống cửa ra vào và hãy dặn con luôn luôn phải khóa cửa để tránh kẻ xấu. Hãy dạy con việc đề phòng khi có người gõ cửa. Nếu ai đó đến gõ cửa, tốt nhất là bỏ qua nếu con không biết người đó. Nếu người đó đang giao một gói hàng, hãy yêu cầu họ để lại hoặc quay lại sau. Đặc biệt dạy con không được nói với họ rằng con đang ở nhà một mình. Điều quan trọng nữa, cha mẹ cũng cần dạy trẻ đó là đừng nói với mọi người qua điện thoại rằng con đang ở nhà một mình.
Lưu ý
Đối với trẻ dưới 8 tuổi, tuyệt đối không nên để con ở nhà một mình. Tốt nhất nên nhờ người trông hộ hoặc cho bé đi cùng. Những trẻ lớn hơn, bố mẹ cũng nên hạn chế tối đa để con một mình hoặc về sớm với con càng sớm càng tốt. Bố mẹ không nên đi ra ngoài trong thời gian quá lâu, bởi bạn không chắc chắn được sẽ không có bất kỳ vấn đề nào xảy ra với con mình. Bố mẹ nên thường xuyên gọi về kiểm tra khi con ở nhà một mình để đảm bảo bé vẫn an toàn.
Trước khi ra khỏi nhà, bố mẹ hãy đặt những vật dụng nguy hiểm như dao, chất tẩy rửa, thiết bị điện… ở nơi an toàn, tránh xa tầm tay trẻ em. Đồng thời, tắt hết tất cả các thiết bị điện, bếp ga, lò vi sóng để phòng tránh chập điện, cháy nổ. Bố mẹ nhớ luôn bật đèn sáng ở trong nhà để tạo cảm giác yên tâm ở bé trong khoảng thời gian trẻ ở nhà một mình cũng như kẻ lạ không dám đột nhập vào nhà do nhìn thấy đèn điện sáng.