40 năm nhìn lại “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (3)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và câu hỏi bất ngờ

ANTĐ - Cuối năm 1972, cả thế giới tiến bộ lo âu nhìn về Hà Nội. Quân và dân Hà Nội vẫn bình tĩnh đối đầu với “con ngáo ộp” B52 của Mỹ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu và Quân chủng Phòng không - Không quân (PKKQ) cũng đã dự kiến cho những phương án thua trên bầu trời Hà Nội của không quân Mỹ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc với Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân xác định phương án 
tác chiến đánh B52 bảo vệ Hà Nội, tháng 11-1972

Sách đỏ diệt B52
Theo hồi ức của Thượng tướng Phùng Thế Tài, nguyên Tư lệnh Quân chủng PKKQ, cuối năm 1962, trong một lần ông được gặp, báo cáo với Bác Hồ về công tác sẵn sàng chiến đấu, Bác đã chỉ thị: “B52 bay cao hơn 10 cây số mà trong tay chú hiện nay chỉ có cao xạ thôi... Ngay từ bây giờ, là Tư lệnh Bộ đội Phòng không, chú phải theo dõi chặt chẽ và phải thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B52 này”.  Giữa năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay “bê” gì đi chăng nữa, ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ ta cũng đánh; mà đã đánh là nhất định thắng”. Năm 1967, Bác Hồ tiên đoán: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.  Trong cuốn sách “Chiến tranh Việt Nam là thế đó”, xuất bản tại Ukraine năm 2005, đã được Nhà xuất bản Chính trị - quốc gia dịch sang tiếng Việt, Thượng tướng Khiupênen, nguyên Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam từng nói: “Trao vũ khí tên lửa cho các bạn Việt Nam là trao nó cho những bộ óc sáng tạo và những bàn tay vàng”. Thật vậy! Trước và sau cuộc chiến tranh Việt Nam, hầu như chưa có một máy bay B52 nào của Mỹ bị bắn hạ trên thế giới (trong Chiến tranh Vùng Vịnh 1991, chỉ có 1 chiếc B52 bị rơi do các hoạt động của đối phương – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia). Với tầm bay cao, được bảo vệ bởi nhiều máy bay tiêm kích và hệ thống gây nhiễu điện tử hiện đại, có thể nói B52 là một pháo đài bay không thể bị bắn rơi. Đặc biệt, nhiễu điện tử của không quân Mỹ như một bức màn chắn đã gây khó khăn lớn cho bộ đội PKKQ. Trong tháng 4-1972, đã có trận đánh bộ đội tên lửa phóng 30 quả đạn nhưng không hạ được một chiếc B52 nào!

Xác chiếc B52 rơi xuống hồ Hữu Tiệp (làng Ngọc Hà, Hà Nội, đêm 27-12-1972)  nằm đó 40 năm nay
Quyết tâm biến sở trường của địch thành sở đoản, Quân chủng PKKQ đã cử những đoàn cán bộ giỏi vào các chiến trường ác liệt nghiên cứu cách chống nhiễu, đánh máy bay địch. Từ thực tế chiến trường, đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, xây dựng thành những cẩm nang “Cách chống nhiễu thông tin”, “Quy trình bắt B52 trong nhiễu”... và đặc biệt là cuốn sách “Cách đánh B52 của Bộ đội tên lửa”. Cuốn sách này được in rô-nê-ô có bìa màu đỏ, dày 30 trang đánh máy, là sự đúc kết kinh nghiệm, công sức, trí tuệ của một tập thể và phải đổi bằng cả xương máu của nhiều cán bộ, chiến sĩ; còn được gọi là Sách đỏ diệt B52...  Cuốn cẩm nang đánh B52 hoàn chỉnh trong tháng 11-1972 và nhanh chóng được phổ biến, triển khai đến các đơn vị chiến đấu; đã góp phần làm sụp đổ thần tượng “Pháo đài bay B52”.Gấp rút chuẩn bị
Lực lượng nòng cốt của quân đội ta chống lại “con bài chiến lược” B52 của Mỹ là các đơn vị tên lửa phòng không với những bệ phóng tên lửa SAM 2. Từ rất sớm, bộ đội radar, tên lửa đã được luyện tập các phương án để có thể phát hiện và ngăn chặn B52, bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng. Tháng 5-1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bất ngờ nêu câu hỏi với các cán bộ tham mưu tác chiến của Quân chủng PKKQ: “Tỷ lệ B52 bị bắn rơi mức độ nào thì Nhà Trắng rung chuyển, mức độ nào thì Mỹ không chịu nổi, phải thua?”. Cho đến lúc đó những phương án đánh B52 trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng đều đã có những yêu cầu về hiệu suất chiến đấu từng trận, từng ngày nhưng chưa nói đến chỉ tiêu tỷ lệ bắn rơi B52. Đại tướng Tổng tư lệnh đã phát hiện ra thiếu sót đó và yêu cầu bổ khuyết kịp thời. 

Một giặc lái B52 bị bắt sống
Sau mấy tuần vật lộn với những con số, các cán bộ tham mưu PKKQ đã đưa ra câu trả lời: N1 (tỷ lệ Mỹ chịu đựng được) là 1-2% (trên tổng số B52 tham chiến của Mỹ); N2 (tỷ lệ làm Nhà Trắng rung chuyển) là 6-7%; N3 (tỷ lệ buộc Mỹ thua cuộc) là trên 10%. Câu hỏi tiếp theo của Tổng tư lệnh là: Quân chủng chọn tỷ lệ nào? Câu trả lời lần này có ngay lập tức: Chúng tôi loại trừ N1, quyết tâm đạt N2 và vươn tới N3. Đại tướng chỉ thị: Muốn vậy quân chủng phải làm tốt hai việc: Khẩn trương hoàn thành kế hoạch đánh B52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng để dựa vào đó hoàn tất mọi công tác chuẩn bị; Gấp rút hoàn chỉnh các tài liệu về cách đánh B52 để lấy đó mà huấn luyện cho bộ đội thật thành thạo. Quân chủng PKKQ đã thực hiện xuất sắc chỉ thị đó, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu N3. Trong 12 ngày đêm mùa đông tháng 12 năm 1972, 34 chiếc B52 đã bị bắn hạ, đạt tỷ lệ là 17,6% (34/197). Hà Nội góp công trong đó 23 chiếc.  Nhiều năm sau khi nhắc lại chuyện đó, những người trong cuộc đều hình dung ra một mối liên hệ đặc biệt giữa câu hỏi của vị tướng với câu trả lời, và cả chiến thắng lẫy lừng trong 12 ngày đêm lịch sử. Dường như âm vang của chiến thắng Điện Biên 1954 đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi gắm vào câu hỏi mang đầy tính “khích tướng” đó, để rồi quân chủng PKKQ đã tiếp thu một cách trọn vẹn và quyết tâm làm nên một Điện Biên Phủ trên không “vô tiền khoáng hậu”.  (Còn nữa)