Đại tướng Mỹ: Không quân Ukraine vẫn còn 80% lực lượng

ANTD.VN - Theo Đại tướng Mỹ James Hecker, tên lửa HARM đang giúp máy bay của Không quân Ukraine hoạt động tự do hơn, trong khi Nga vẫn chưa thể vô hiệu hóa lực lượng này, còn Moskva lại đưa ra nhận định khác hoàn toàn.

"Việc Nga chưa thể vô hiệu hóa mạng lưới phòng không của đối phương đã khiến họ mất khoảng 55 máy bay từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022, trong khi Không quân Ukraine vẫn giữ được 80% quy mô lực lượng".

Theo Đại tướng James Hecker - Tư lệnh lực lượng Không quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi, hầu hết các vụ bắn rơi máy bay chiến đấu Nga đều là do tên lửa đất đối không (SAM) Ukraine.

“Chúng tôi khá chắc chắn rằng tất cả những tổn thất đó là do các cuộc tấn công bằng tên lửa đất đối không do Quân đội Ukraine thực hiện, chủ yếu là SA-10 và SA-11”, Tướng Hecker nói trong cuộc hội thảo được tổ chức tại Washington.

Tướng Hecker cho biết: “Người Nga còn mất máy bay trong những hoàn cảnh khác khác, gần đây họ đã bị rơi một chiếc Su-25 khi cất cánh, đây là lỗi do bảo dưỡng chứ không phải bị bắn hạ và không nằm trong danh sách 55 phi cơ bị bắn rơi mà tôi đã nói đến ở trên"

Con số của Tướng Hecker khớp với dữ liệu về tổn thất của Không quân Nga được xác nhận bằng cách thu thập hình ảnh do Oryx - một nhà phân tích quân sự độc lập liệt kê, khi cho biết 53 máy bay cánh cố định của Nga bị phá hủy và 2 chiếc hư hỏng không thể sửa chữa.

Theo vị tướng Mỹ, việc Nga chưa thể giành ưu thế trên không từ khi cuộc chiến bắt đầu đã cho phép Không quân Ukraine tiếp tục vận hành máy bay phản lực cũng như trực thăng trong lãnh thổ của mình và bảo vệ lực lượng mặt đất khỏi các cuộc không kích.

Ông Hecker nói thêm, Không quân Nga về cơ bản đã tự giảm hiệu quả tác chiến bởi không thể xác định được vị trí và mục tiêu là các hệ thống phòng không Ukraine ngay từ đầu cuộc chiến.

"Các quan chức Ukraine coi hệ thống SAM là ưu tiên hàng đầu khi thông báo nhu cầu vũ khí của họ với các quốc gia NATO và những người ủng hộ khác tại cuộc họp gần đây do Mỹ tổ chức tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức", Tướng Hecker nói.

"Tuy nhiên các hệ thống S-300 và Buk mà quân đội Ukraine quen thuộc không được Mỹ sử dụng và sẽ phải đến từ những quân đội châu Âu đang vận hành các hệ thống đó, nhưng cũng chưa có nhiều để chuyển giao", Tướng Hecker nói thêm.

Đây là một vấn đề đã có từ lâu, trong khi việc phân phối các hệ thống NASAMS và IRIS-T tối tân hơn nhiều cần thời gian huấn luyện kíp chiến đấu. Mặc dù vậy, những khẩu đội NASAMS đầu tiên sẽ đến Ukraine trong vòng vài tháng tới.

Việc Ukraine tích hợp Tên lửa chống bức xạ tốc độ cao AGM-88 hay còn gọi là HARM vào máy bay chiến đấu MiG-29 của họ đã buộc người Nga phải di chuyển hệ thống SAM của họ thường xuyên hơn, đặc biệt là khi chúng kích hoạt radar.

HARM phát hiện, xâm nhập và phá hủy các đài radar phòng không bằng cách theo dõi lượng bức xạ điện từ của chúng, vũ khí trên khiến các khẩu đội tên lửa đất đối không của Nga bị chế áp, tạo điều kiện cho máy bay Ukraine xuất kích nhiều hơn.

“Tôi đã nói chuyện với Tham mưu trưởng Lực lượng Không quân Ukraine và anh ấy khá hào hứng với tên lửa HARM mà chúng ta cung cấp”, Tướng Hecker cho biết thêm.

“Về cơ bản, họ đã có thể giành lại ưu thế trên không thông qua một số chiến thuật sử dụng tên lửa HARM cũng như máy bay không người lái, kết hợp với tên lửa phòng không để làm mất đi ưu thế của quân Nga”.

Trong khi đó Moskva lại đưa ra con số khác hoàn toàn, họ khẳng định từ ngày 24/2 tới nay, lực lượng hàng không vũ trụ Nga đã phá hủy 293 máy bay cánh cố định, 153 trực thăng, 1.938 UAV, 374 hệ thống phòng không của Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga khẳng định với thiệt hại như trên, toàn bộ lực lượng Không quân cũng như Phòng không Ukraine về cơ bản đã biết mất hoàn toàn khỏi bầu trời, dẫn tới việc Kyiv phải tìm kiếm nguồn viện trợ từ phương Tây.

Thậm chí theo hãng thông tấn TASS, nhiều nhân lực có trình độ chuyên môn cao trong việc vận hành tiêm kích MiG-29, Su-27 và Su-25 của Ukraine dường như đã không còn khả năng chiến đấu.

Vì thiếu nhân lực, Ukraine dường như đã phải đưa các cựu học viên của học viện quân sự Kharkov tham gia chiến đấu, dù cho những người này chưa hoàn thành chương trình đào tạo.

Hãng tin TASS nói thêm, do chưa có kỹ năng và kinh nghiệm thực chiến nên các phi công tân binh nói trên thường bị loại khỏi vòng chiến đấu trong 1 - 2 nhiệm vụ đầu tiên, gây ra thiệt hại về khí tài cho Không quân Ukraine.

Ngoài ra ấn phẩm tiếng Nga còn cho biết, phương Tây dường như cũng đã tìm cách tuyển cho Ukraine các phi công lái được máy bay từ thời Liên Xô cũ ở các nước Đông Âu. Mặc dù vậy, nỗ lực trên được cho là bất thành.