Đã đến lúc Nga hồi sinh máy bay chiến đấu một động cơ

ANTD.VN - Máy bay chiến đấu một động cơ hiện không còn được Quân đội Nga sử dụng, đây là một quyết định gây tranh cãi.

Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Boris Yeltsin, từ năm 1993 đến 1998, Không quân Nga đã loại bỏ tất cả các máy bay chiến đấu một động cơ của mình. Một số lượng lớn MiG-21, MiG-23, MiG-27 và Su-17 thuộc tất cả các biến thể đều đã bị loại biên.

Khái niệm máy bay chiến đấu hai động cơ hạng nặng được cho là phù hợp hơn. Tất cả tiêm kích hạng nhẹ bị niêm cất, một số được trưng bày trong bảo tàng, hoặc trở thành tượng đài.

Kể từ đó, Liên bang Nga đã từ bỏ việc phát triển và sản xuất máy bay chiến đấu một động cơ, quyết định trên ngay từ thời điểm đó đã gây nhiều tranh cãi.

Nhưng tình hình hiện tại đã cho thấy rằng loại máy bay này không đáng bị loại bỏ, bởi vì sự hiện diện của nó trong Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga chẳng hề mất đi sự liên quan.

Theo các chuyên gia quân sự, nếu không quân Nga gọi tái ngũ số lượng nhỏ máy bay ném bom chiến đấu siêu âm MiG-27K và Su-17M4, thì sẽ hữu ích ngay vì một số lý do sau.

Thứ nhất, dự trữ hoạt động của máy bay ném bom Su-24 và tiêm kích đa năng Su-35 với vũ khí là bom lượn chính xác vẫn có những giới hạn nhất định.

Việc huy động những chiếc MiG-27K và Su-17M4 sẽ giúp mở rộng đáng kể hoạt động của các máy bay chiến đấu hiện đại hơn, giảm tải cho chúng và tăng quy mô các cuộc tấn công trong nhiệm vụ đặc biệt.

Thứ hai, MiG-27K và Su-17M4 là máy bay chiến đấu nhanh hơn nhiều so với những chiếc cường kích Su-25 chỉ có tốc độ cận âm, bay tầm thấp chuyên tấn công mặt đất.

Thực tiễn đã chỉ ra rằng việc bọc thép cho Su-25 hiếm khi trở thành yếu tố mang lại ưu điểm, đặc biệt khi kẻ thù sử dụng vũ khí là tên lửa thay vì pháo phòng không. Đồng thời, đặc điểm về tốc độ sẽ giúp MiG-27K và Su-17M4 tránh được nhiều sự cố.

Tuy nhiên Liên bang Nga hiện không có máy bay chiến đấu một động cơ. Do vậy có lẽ đã đến lúc hồi sinh chúng bằng cách sản xuất mới nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay.

Hiện tại ngay cả máy bay huấn luyện - chiến đấu Yak-130 cũng có hai tổ máy. Ở cấu hình của một cường kích hạng nhẹ, với tải trọng chiến đấu 3.000 kg, chúng chắc chắn sẽ hữu ích, nhưng tiếc là số lượng lại chưa nhiều như mong muốn của Không quân Nga.

Một tiêm kích hạng nhẹ khác của Nga là MiG-29 cũng sử dụng cấu hình hai động cơ, mặc dù nó vẫn có thể đảm nhiệm một số vai trò cơ bản, tuy nhiên rõ ràng chi phí hoạt động sẽ cao hơn loại chỉ có một tổ máy.

Giải pháp khả thi nhất của Nga trong tương lai có lẽ là hoàn thiện sớm tiêm kích tàng hình Su-75 Checkmate, khi nó cũng là loại một động cơ. Mặc dù vậy, dự án đang bị đình trệ do gặp phải nhiều khó khăn.

Phương án cuối cùng mà Nga có thể tính đến nếu muốn sử dụng máy bay một động cơ đó là cố tận dụng phụ tùng từ những chiếc còn trong kho, cần kết hợp thật khéo để làm sao từ khoảng 5 - 10 chiếc "hy sinh" sẽ có 1 máy bay đủ khả năng hoạt động.