Cựu Thủ tướng Đức “không hối tiếc” vì nhập khẩu khí đốt từ Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bảo vệ việc chính phủ của bà mua một lượng lớn khí đốt của Nga và nói rằng mình “không hối tiếc”, bởi đó là quyết định đúng đắn vào thời điểm đó.
Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel tham dự một sự kiện ở Bồ Đào Nha hôm 13-10-2022

Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel tham dự một sự kiện ở Bồ Đào Nha hôm 13-10-2022

Hôm 13-10, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói về quyết định nhập khẩu lượng lớn khí đốt tự nhiên của Nga, sau khi nhận thấy nhiều người tỏ ra thất vọng đối với chính sách của chính quyền do bà đứng đầu đối với nước Nga. “Về mặt này, tôi không hối hận về quyết định nào cả. Tôi tin rằng nó đúng theo quan điểm của thời kỳ đó” - bà Merkel nói với các phóng viên ở Lisbon, Bồ Đào Nha.

Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel nói thêm, vào thời điểm đó, rất hợp lý và dễ hiểu khi mua khí đốt và khí tự nhiên hóa lỏng từ Nga, bởi nó rẻ hơn so với các nơi khác trên thế giới. Bà Merkel đề cập đến khí tự nhiên hóa lỏng, một phiên bản siêu lạnh của khí tự nhiên có thể được vận chuyển bằng tàu. Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên từ Nga khi chiếm 35% lượng nhiên liệu nhập khẩu của nước này.

Theo Bộ Kinh tế Đức, cường quốc công nghiệp này nhập khẩu gần như toàn bộ lượng khí đốt tự nhiên, chiếm khoảng 1/4 tổng năng lượng hỗn hợp của cả nước. Điều này khiến Đức dễ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc về nguồn cung từ Nga và Berlin hiện đang chạy đua để thay thế nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên sau khi tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của nhà nước Nga ngừng cung cấp qua đường ống Nord Stream 1. Những diễn biến mới này đang che phủ di sản của bà Merkel, người đã từ chức vào tháng 12-2021 sau 16 năm cầm quyền. Gần đây, bà đã phải chịu sự chỉ trích nặng nề từ các đối thủ chính trị, báo chí và các đồng nghiệp về chính sách nước Nga của bà trong bối cảnh xung đột ở Ukraine.

Chính sách khí đốt Nga của Đức kéo dài nhiều thập kỷ, bắt đầu từ thời Chiến tranh Lạnh vào những năm 1960 với chính sách xây dựng đường ống kết nối giữa 2 bên. Theo ông Henning Gloystein - Giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại Eurasia Group, động thái này nhằm khuyến khích Liên Xô tiến tới đối thoại và thương mại với phương Tây thay vì xung đột.

Davide Oneglia - nhà kinh tế cấp cao của Công ty tư vấn TS Lombard có trụ sở tại London nhận định rằng, cho đến nay Nga luôn là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy, kể cả trong Chiến tranh Lạnh và trong suốt thời kỳ Liên Xô sụp đổ. Nhưng việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine đã thay đổi động lực trong mối quan hệ của Đức với Matxcơva. “Cuộc xung đột ở Ukraine đã mang lại một sự thay đổi, đó là một bước ngoặt và chính phủ mới tất nhiên phải đối phó với điều đó” - bà Merkel cho biết hôm 13-10.

Theo một tài liệu an ninh của Đức vừa được giải mật, Đức vẫn cho rằng việc mở đường ống dẫn khí đốt mới từ Nga sẽ không gây rủi ro cho nguồn cung cấp năng lượng cho quốc gia này hoặc rộng hơn là Liên minh châu Âu. “Nhìn chung, đánh giá đi đến kết luận, việc cấp chứng nhận cho đường Nord Stream 2 không gây nguy hiểm cho an ninh nguồn cung khí đốt ở Đức và Liên minh châu Âu” - tờ Bloomberg dẫn báo cáo tối mật về đường ống Nord Stream 2 của Bộ Kinh tế Đức. Đánh giá bắt đầu từ ngày 26-10-2021 trong những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Angela Merkel.

Vào cuối nhiệm kỳ của mình, bà Merkel thừa nhận đây là một dự án kinh tế có “chiều hướng chính trị”, nhưng tiếp tục tranh luận là nó sẽ không đe dọa đến nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu. Thủ tướng kế nhiệm Olaf Scholz, cựu Bộ trưởng Tài chính và Phó Thủ tướng trong liên minh cầm quyền của bà Merkel ban đầu gọi đây là một dự án “kinh tế thuần túy”, nhưng trong một sự kiện diễn ra đầu tuần qua, họ khẳng định Nga sẽ sử dụng quyền kiểm soát của mình đối với nhiên liệu như một “vũ khí”.