Châu Âu từ bỏ khí đốt Nga: Nói thì dễ, làm mới khó

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các quốc gia châu Âu đang tỏ ra “hụt hơi” trong việc tìm kiếm các nguồn khí đốt mới để thay thế cho nguồn khí đốt dồi dào giá rẻ của Nga. Điều này cho thấy việc tuyên bố “đoạn tuyệt” với khí đốt của Nga xem ra nói thì dễ song thực thi thì lại vô cùng khó khăn.
Chiếc van cung cấp khí đốt cho châu Âu hiện vẫn nằm trong tay Nga chứ không phải là châu Âu

Chiếc van cung cấp khí đốt cho châu Âu hiện vẫn nằm trong tay Nga chứ không phải là châu Âu

Đôn đáo tìm nguồn thay thế khí đốt Nga

Các quốc gia châu Âu thời gian qua đã “chạy đôn chạy đáo” để tìm nguồn năng lượng mới thay thế năng lượng nhập khẩu từ Nga, đặc biệt là khí đốt. “Đoạn tuyệt” với khí đốt của Nga, các quốc gia châu Âu chẳng khác nào “bắn 1 mũi tên trúng 2 đích”, vừa là đòn trừng phạt để giáng nặng nề vào nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Nga, đồng thời loại từ việc Matxcơva dùng đây như là một thứ vũ khí để gây áp lực, ảnh hưởng.

Khí đốt là một mặt hàng năng lượng đầu vào thiết yếu đối với nhiều ngành công nghiệp, việc sản xuất điện và sưởi ấm các tòa nhà ở châu Âu, đặc biệt là ở Bắc Âu - nơi mùa đông thường rất lạnh giá và kéo dài. Trong khi đó, dù các quốc gia châu Âu nhập khí đốt từ nhiều nguồn, nhưng không có nguồn nào rẻ và thuận thiện hơn nguồn khí đốt của Nga bởi được cung cấp qua hệ thống đường ống chứ không phải là các tàu chở khí đốt tự nhiên khóa lỏng (LNG) lại ngày càng phục thuộc vào nguồn cung từ Nga để làm ấm nhà ở và duy trì sự phát triển kinh tế.

Vì thế, năng lượng nói chung, khí đốt nói riêng, trở thành thứ vũ khí lợi hại của Nga trong cuộc chiến kinh tế không kém phần khốc liệt kể từ khi xảy ra “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine. Để đòn trừng phạt Nga thêm hiệu quả, đồng thời tránh phụ thuộc vào khí tự nhiên của Nga, các quốc gia châu Âu, nhất là những thành viên Liên minh châu Âu (EU), đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp để ứng phó.

Tuy nhiên, những biện pháp ứng phó của châu Âu đòi hỏi phải mất không ít thời gian và tốn kém. Với việc Nga hiện cung cấp tới 40% khí đốt cho châu Âu, trong đó có những quốc gia phụ thuộc tới 80-90% vào nguồn cung khí đốt từ Nga, thì việc tìm nguồn thay thế hoàn toàn không thể là việc có thể làm được trong “ngày một ngày hai” nếu không muốn nói phải mất tới hàng năm với chi phí lớn hơn rất nhiều.

Trong khi đó, người dân và nền kinh tế nhiều quốc gia châu Âu khó có thể chịu đựng được nếu không có khí đốt trong thời gian tính bằng giờ, bằng ngày, chứ chưa nói tới thời gian hàng tháng và càng không thể là năm. Nga biết rõ điều này và dùng đó để gây áp lực với châu Âu nhằm ứng phó, đáp trả lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây.

Một trong những cú “phản đòn” mạnh mẽ của Nga là yêu cầu các quốc gia châu Âu mua khí đốt của Nga phải trả bằng đồng ruble. Đồng thời, Nga cũng tuyên bố không bán khí đốt của nước này cho những quốc gia “không thân thiện”. Hãng tin chuyên về kinh tế Bloomberg mới đây đưa tin, ít nhất 10 doanh nghiệp châu Âu mua khí đốt tự nhiên của Nga đã mở tài khoản ở ngân hàng Gazprombank để thanh toán bằng đồng ruble. Điều này diễn ra bất chấp việc Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng, các nước EU nhập khẩu khí đốt của Nga mà thanh toán bằng đồng ruble có khả năng vi phạm các lệnh trừng phạt nhằm vào Matxcơva hiện nay.

Hai quốc gia châu Âu đầu tiên bị Nga khóa van, ngừng cung cấp khí đốt là Ba Lan và Bulgaria. Nhà cung cấp khí đốt Gazprom của Nga thông báo ngừng cung cấp khí đốt cho các công ty Bulgargaz của Bulgaria và PGNiG của Ba Lan từ ngày 27-4 vừa qua do Matxcơva không nhận được khoản thanh toán bằng đồng ruble.

“Vũ khí” khí đốt nằm trong tay ai?

Để thay thế nguồn cung khí đốt từ Nga, các quốc gia châu Âu nhắm tới các nhà cung cấp ở Mỹ, Trung Đông và Bắc Phi. Song không hề dễ dàng bởi khí đốt của Nga cung cấp cho châu Âu thông qua các đường ống dẫn khí luôn đảm bảo khối lượng lớn và ổn định, trong khi các nguồn cung khác phải qua việc vận chuyển LNG cùng hệ thống kho chứa khổng lồ.

Khi bắt tay vào hành động mới thực sự thấy là thay thế nguồn cung khí đốt từ Nga là điều nói dễ hơn làm. Nhiều kho lưu trữ LNG mà châu Âu mua từ Mỹ và Qatar hiện đã hết sức chứa. Trong khi, hai kho lưu trữ mới được Chính phủ Đức phê duyệt mới đây dù có được khởi công xây dựng cũng phải mất ít nhất 3 năm nữa mới có thể hoàn thành. Các nhà cung cấp khí đốt gần các nước châu Âu hơn như Na Uy, Algeria và Azerbaijan lại không thể mở rộng đáng kể quy mô sản xuất, trong khi mạng lưới đường ống dẫn khí đốt ở châu Âu hiện tại khá chắp vá, thiếu liên kết, gây khó khăn cho phân phối các nguồn khí đốt bổ sung, thay thế.

Bất kỳ lô hàng LNG vận chuyển bằng đường biển nào đến châu Âu đều có giá cao hơn nhiều so với khí đốt qua đường ống Nga, đe dọa người tiêu dùng và nền kinh tế châu Âu vốn đang vật lộn với tình trạng lạm phát. Chứa đầy kho dự trữ khí đốt của châu Âu trước mùa đông năm 2022 này sẽ tiêu tốn ít nhất gần 76,5 tỷ USD theo thời giá hiện tại, trong khi những năm trước, con số này chỉ hơn 13 tỷ USD. Khi phương Tây tìm cách gây sức ép với Nga bằng các biện pháp trừng phạt, EU trong tuần cuối tháng 4 vừa qua đã phải trả khoảng 722 triệu USD mỗi ngày cho Matxcơva, con số này cao gấp ba lần trước khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Luôn tuyên bố về những biện pháp nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng trong nhiều năm qua, tuy nhiên châu Âu thời gian qua hầu như không chuẩn bị tốt cho cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt hiện nay. Trong đó, điển hình là trường hợp Đức hiện hiện chưa có bất kỳ kho LNG nào. Thế nên, những quốc gia như Đức luôn rất khó khăn trong việc tham gia vào việc trừng phạt Nga về năng lượng, đặc biệt là khí đốt.

Bên cạnh đó, những quốc gia châu Âu không tiêu thụ khí đốt Nga, song vẫn bị ảnh hưởng nặng nếu không có nguồn cung cấp khí đốt từ Nga tới châu Âu do tình trạng giá cả mặt hàng này tăng vọt. Giá khí đốt châu Âu tuần qua đã vượt ngưỡng kỷ lục từ trước tới nay, khi các nhà giao dịch phải tính toán tới tác động của nguy cơ gián đoạn nguồn cung. Nếu Nga dừng cung cấp, giá khí đốt sẽ còn tăng phi mã.

Thế nên, rất muốn ngừng nhập khí đốt từ Nga để nhắm tới việc “bắn một mũi tên trúng hai đích”, tuy nhiên điều này nói dễ hơn làm rất nhiều và châu Âu sẽ phải trả những cái giá không hề rẻ mà hiệu quả còn chưa thể xác định rõ vào lúc này. “Vũ khí” khí đốt hiện xem ra vẫn nằm trong tay Nga chứ chưa phải là châu Âu.