Cứu cổ vật Syria khỏi tay IS

ANTD.VN - Nhiều năm qua, thế giới đã cảnh báo rằng IS đang vơ vét lợi nhuận bằng việc cướp bóc và buôn bán cổ vật từ các khu vực mà chúng kiểm soát. Gần đây, các nhà khảo cổ học người Syria tin rằng họ đã có giải pháp giúp chấm dứt tình trạng nói trên. 

Nhiều hiện vật quý của Syria bắt đầu được quét lớp chất lỏng đặc biệt để dễ nhận dạng nếu bị buôn lậu

Đầu năm 2017, một nhóm các nhà khảo cổ người Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận một hộp đặc biệt, chứa một số chai nhỏ, bàn chải, bình phun và ánh sáng cực tím. Bên trong những chiếc chai đó là một loại chất lỏng có thể truy nguyên nguồn gốc.

Ngay trong tháng 2-2017, chiếc hộp đã được bí mật đưa đến Viện bảo tàng ở Ma'ara, Syria để các nhà khảo cổ phết chất lỏng này vào những bức tranh khảm quý giá. Họ hy vọng công nghệ này sẽ giúp theo dõi hiện vật bị đánh cắp, ngăn chặn những kẻ cướp bóc đồ cổ ở Syria, từ đó cắt giảm một nguồn thu nhập của đội quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. 

Chất lỏng mang mã số kỳ diệu

Các nhà khảo cổ học người Syria hy vọng rằng, với loại chất lỏng mới có được, họ sẽ có thể chấm dứt nạn cướp bóc cổ vật của IS. Theo ông Colette Loll, một chuyên gia về di sản văn hóa và cố vấn cao cấp của Quỹ Nước thông minh (SmartWater Foundation), công nghệ này đã ra đời khoảng 20 năm nay phục vụ ngành khám nghiệm pháp y nhưng gần đây, SmartWater được phát triển với công thức mới tạo giải pháp cho truy vết các vật liệu bằng đồ gốm sứ hay đá. Chất lỏng đặc biệt này đã được thử nghiệm tại Đại học Shawnee State ở Ohio, Hoa Kỳ và Đại học Reading ở Anh. 

Đó là chất lỏng trong suốt, không mùi và chịu được các điều kiện thời tiết ở Trung Đông và Bắc Phi nhiều năm, nó chỉ có thể nhìn thấy dưới ánh sáng cực tím. “Nếu xuất hiện một cổ vật khả nghi, chúng tôi sẽ lấy một miếng cực nhỏ từ hiện vật đó rồi đưa vào phòng xét nghiệm. Các dấu vết tìm thấy có thể giúp tìm ra ngay cổ vật từ viện bảo tàng nào”, chuyên gia Colette Loll giải thích.

Nhà khảo cổ học Amr Al Azm, Giáo sư về lịch sử và nhân chủng học tại Đại học Shawnee State, người theo dõi sáng kiến cho biết: “Đối với hầu hết các hiện vật bị cướp bóc rồi đem bán, rất khó xác định chúng xuất phát từ đâu. Chất lỏng này giải quyết được vấn đề đó. Mỗi lần chúng tôi sử dụng một chai chất lỏng trên một nhóm đồ vật, nó tạo ra mã số duy nhất cho phép lực lượng thực thi pháp luật sau này có thể tra cứu trên cơ sở dữ liệu”.

Cứu lấy tương lai của Syria

 Cục Điều tra Liên bang Mỹ đã ban hành cảnh báo về nạn cướp bóc và buôn lậu cổ vật của IS sau khi đột kích vào tháng 5-2015 tại nhà của một thủ lĩnh IS và phát hiện ra nhiều đổ cổ, hóa đơn thanh toán và giấy phép khai quật. Trước đó, năm 2014, một quan chức của UNESCO ước tính rằng, thị trường ngầm cho các đồ cổ bị đánh cắp trị giá 7 tỷ USD.

Tháng 4-2016, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc cho biết, IS đã kiếm được 150 - 200 triệu USD mỗi năm từ hoạt động này. Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã treo thưởng 5 triệu USD cho các thông tin giúp triệt phá các hoạt động buôn bán đồ cổ của IS.

Mới đây, vào tháng 2-2017, Trung tâm nghiên cứu quốc tế về cực đoan hóa và bạo lực chính trị tại King's College London công bố một báo cáo cho rằng, cổ vật có thể không phải là nguồn thu nhập chính cho IS. “Thay vì buôn bán đồ cổ, IS đang kiếm tiền từ việc bán giấy phép khai quật và tính lệ phí quá cảnh”, báo cáo cho biết. Thực tế, IS đã nhắm mục tiêu vào hơn 3.000 trong số 15.000 địa điểm khảo cổ lớn của Syria kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.

 “Bằng chứng cho thấy IS đã điều hành cái gọi là Bộ Tài nguyên quý giá để giám sát các tài nguyên có trong lòng đất. Bọn chúng sẽ không mất công sức và thời gian vào những nỗ lực đó nếu không kiếm ra tiền”, Giáo sư Al Azm nói thêm. Bất kể IS đã phá hủy và rút ruột bao nhiêu cổ vật từ Syria, theo chuyên gia này, bảo tồn văn hóa lịch sử Syria vẫn là điều cần thiết cho sự sống còn của đất nước này sau khi cuộc xung đột kết thúc.

“Một ngày kia khi cuộc chiến kết thúc, phần lịch sử chung này có thể trở thành cầu nối để chúng ta có thể tiếp cận và kết nối lại với nhau. Cứu lấy những gì thuộc về lịch sử Syria cũng chính là cứu lấy tương lai của Syria”, chuyên gia khảo cổ học Amr Al Azm nhấn mạnh.