Cuộc truy lùng những nghi phạm cuối cùng về tội diệt chủng ở Rwanda

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
ANTD.VN - Năm 1994, những kẻ cực đoan người Hutu đã tàn sát 800.000 người Tutsi ở Rwanda bằng dùi cui, dao rựa và nhiều vũ khí khác. Một ủy ban của Liên hợp quốc do Công tố viên trưởng Serge Brammertz đứng đầu vẫn đang cố gắng truy tìm những kẻ chịu trách nhiệm về việc này, nhưng đó là một cuộc chạy đua với thời gian.
Tài liệu đang được các học giả phân loại và nghiên cứu ở Khu tưởng niệm nạn nhân diệt chủng Nyanza tại Kigali

Tài liệu đang được các học giả phân loại và nghiên cứu ở Khu tưởng niệm nạn nhân diệt chủng Nyanza tại Kigali

Thảm kịch kinh hoàng 28 năm trước

Vào tháng 4-1994, Forduard Maniraguha (14 tuổi, người Rwanda) vô tình trở thành nhân chứng cho một vụ thảm sát kinh hoàng trong nhà thờ mà anh phục vụ. Vài ngày trước khi cuộc tàn sát diễn ra, những kẻ cực đoan người Hutu qua đài phát thanh đã kích động chống lại người thiểu số Tutsi. Khắp các thành phố và làng mạc, những người Hutu ra đường với dao rựa, ánh mắt đầy thù hận. Trong vài tuần, bọn họ đã giết chết 800.000 Tutsi và những người Hutu ôn hòa do từ chối tham gia các vụ giết chóc. Đó là một trong những tội ác kinh hoàng nhất trong lịch sử loài người.

Ngôi làng Nyange, quê hương của Forduard Maniraguha, đã trở thành một trong những “cánh đồng chết”. Bắt đầu từ ngày 6-4-1994, hơn 2.000 người Tutsi đã tìm nơi trú ẩn trong nhà thờ của làng này. Vị linh mục là một người Hutu đã hứa sẽ bảo vệ họ. Ông ta tập hợp danh sách những người có mặt, nhưng cuối cùng đó lại là danh sách những người tử vong sau này. Những gì diễn ra trong suốt những ngày tiếp theo được ghi chép rõ ràng. Những người Hutu quá khích dưới sự chỉ huy của viên thanh tra cảnh sát địa phương tên là Fulgence Kayishema đã liên tục tấn công người trong nhà thờ bằng lựu đạn, dùi cui gắn đinh và dao rựa. Cuối cùng, 2.000 người Tutsi đã thiệt mạng, trong đó có rất nhiều phụ nữ và trẻ em. Maniraguha nói: “Khi những người Hutu nhận ra trong nhà thờ vẫn còn sự sống, họ đã dùng một chiếc xe ủi để san bằng nó”. Hình ảnh về những ngày tháng 4 của 28 năm trước vẫn hiện về trong cơn ác mộng của Maniraguha.

Maniraguha là một người Hutu, đó là lý do tại sao anh không trở thành nạn nhân của cuộc tàn sát. Anh đã làm nhân chứng trong nhiều phiên tòa chống lại vị linh mục, viên thanh tra cảnh sát và cũng đã cung cấp lời khai cho Tòa án hình sự quốc tế về Rwanda ở Arusha, Tanzania. Nhưng anh vẫn chưa thể tìm thấy sự bình yên, bởi nghi phạm chính trong vụ giết người ở Nyange là viên thanh tra cảnh sát Fulgence Kayishema vẫn lẩn trốn đâu đó. “Đó là một con quái vật. Ông ta tổ chức các vụ giết người và tham gia một cách máu lạnh” - anh nói.

“Fulgence Kayishema hiện là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi” - Công tố viên trưởng Serge Brammertz của Liên hợp quốc nói. Là một công dân Bỉ, ông Brammertz chỉ đạo một nhóm gồm 8 người của Liên hợp quốc (được gọi là Ủy ban theo dõi) có nhiệm vụ truy tìm những kẻ đào tẩu cuối cùng trong cuộc diệt chủng ở Rwanda và đưa ra trước công lý.

Viên công tố chuyên lật lại tội ác chống lại loài người

Ông Brammertz đã trải qua hàng thập kỷ đối phó với những tội ác chống lại loài người. Cho đến gần đây, người đàn ông 60 tuổi này vẫn tập trung vào những tội ác đã xảy ra ở Nam Tư cũ, đặc biệt là tội ác diệt chủng xảy ra ở Srebrenica. Ông đã lần ra Radovan Karadzic lẫn Ratko Mladićc và đưa họ ra tòa. Ông kể rằng chưa bao giờ thấy sự hối hận của những nhân vật ấy. Hiện tại, các phiên tòa cuối cùng ở Nam Tư đã kết thúc và ông Brammertz đã chuyển trọng tâm sang Rwanda. Là một công tố viên liên bang ở Brussels vào cuối những năm 1990, ông từng tham gia các vụ xét xử về nạn diệt chủng ở Rwanda. “Tôi vẫn chưa quên lời khai của nhân chứng hồi đó. Những kẻ gây án không coi nạn nhân là người mà là sâu bọ. Từ quan điểm đó, họ coi giết người đơn thuần chỉ là công việc như mọi công việc khác” - vị Công tố viên trưởng giãi bày.

Trụ sở chính của các nhà điều tra Liên hợp quốc ở Rwanda nằm trong một khu đất từng là nơi ở của cựu thị trưởng thành phố Kigali. Trong phòng khách cũ của ngôi nhà có một chiếc bàn hội nghị khổng lồ và một màn hình quá khổ treo trên tường. Màn hình được sử dụng cho các cuộc họp trực tuyến giữa nhóm ở Kigali và các quan chức ở The Hague (Hà Lan) và Arusha (Tanzania). Đó đều là cơ sở của nhóm điều tra viên, công tố viên và thẩm phán có trách nhiệm khai quật càng nhiều càng tốt về những tội ác diệt chủng ở Rwanda. Nhóm từng có hàng trăm thành viên, toàn bộ tòa án Liên hợp quốc, nhưng mỗi năm trôi qua, ngân sách ngày càng ít đi.

Đầu tháng 6-2022, các nhà điều tra đã công bố bước đột phá mới nhất, đó là phát hiện ra thi thể của viên chỉ huy Protais Mpiranya - kẻ đã được chôn cất dưới một cái tên giả ở Zimbabwe. Một bản phác thảo bằng tay về bia mộ được một người họ hàng của Mpiranya đăng lên và nó đã dẫn các nhà điều tra đến ngôi mộ. Vậy là chỉ còn Fulgence Kayishema, kẻ đứng đầu danh sách bị truy nã.

Trưởng Công tố viên Liên hợp quốc Serge Brammertz luôn đau đáu dù tội ác diệt chủng đã xảy ra gần 30 năm

Trưởng Công tố viên Liên hợp quốc Serge Brammertz luôn đau đáu dù tội ác diệt chủng đã xảy ra gần 30 năm

Thay đổi chiến thuật, chạy đua với thời gian

Các nhà điều tra gặp nhau trên màn hình lớn mỗi tuần một lần để thảo luận về “những người đáng quan tâm”, những người đã tiếp xúc với những kẻ đào tẩu, hồ sơ di chuyển và liên lạc điện thoại. Khi Công tố viên trưởng Brammertz phụ trách Ủy ban theo dõi vào năm 2016, họ vẫn duy trì một mạng lưới 85 người cung cấp thông tin, tất cả đều được trả công hậu hĩnh.

Nhóm điều tra có thể nhận được nguồn tin rằng, những kẻ đào tẩu có thể ở Anh 1 ngày, đến Kenya ngày hôm sau và quay trở lại Pháp. Nhưng kết quả là không thông tin nào đúng cả. Kể từ đó, họ đã chuyển trọng tâm sang dữ liệu cứng: Kẻ chạy trốn xuất hiện cuối cùng ở đâu? Ai vẫn có thể liên hệ với họ? Chiến thuật đó đã dẫn đến việc bắt giữ Félicien Kabuga vào năm 2020, người bị tình nghi ủng hộ tài chính cho cuộc diệt chủng và đã chạy trốn hơn 25 năm. Các nhà điều tra đã thu thập dữ liệu điện thoại từ nhiều quốc gia thuộc về họ hàng của Kabuga. “Khi đặt tất cả các dữ liệu lại với nhau, chúng tôi nhận ra rằng tất cả những người thân thích của ông ta đều đến cùng một điểm ở Paris”.

Sau đó, họ xem xét các hợp đồng cho thuê nhà trong khu vực, thiết lập giám sát và vào ngày 16-5-2020, đối tượng bị bắt giữ. Kể từ đó, Kabuga đã ở sau song sắt ở The Hague để chờ đợi phiên tòa bắt đầu. Không ai nghĩ rằng vẫn có thể thành công như vậy 26 năm sau vụ diệt chủng.

Một ngày gần đây, ông Serge Brammertz được IBUKA (hiệp hội của những người sống sót sau nạn diệt chủng) mời đến một đài tưởng niệm ở ngoại ô Kigali. Năm 1994, hàng trăm người đã bị dồn đến nơi này và bị thủ tiêu. Tại một căn phòng dưới tầng hầm khu tưởng niệm, những chiếc bàn trải đầy tài liệu từ năm 1994. Một nhóm học giả đang phân loại hàng núi giấy tờ ố vàng, chuẩn bị số hóa chúng và đưa lên internet. Các nhà nghiên cứu đeo găng tay, lật các cuốn vở của học sinh. Có một cậu bé 7 tuổi viết: “Họ bắt bố cháu vào lúc nửa đêm, giết ông ấy một cách dã man và ném xác vào nhà tiêu”. Trên bàn có đầy những câu chuyện như vậy.

Những người sống sót sau nạn diệt chủng tại đây không thể hiểu tại sao phiên tòa của Félicien Kabuga vẫn chưa bắt đầu và tại sao Fulgence Kayishema vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. “Cho dù đã gần 30 năm trôi qua, chúng tôi vẫn không thể ngừng truy lùng các nghi phạm gây ra tội ác diệt chủng và đưa chúng ra tòa” - Công tố viên trưởng Serge Brammertz phẫn nộ nói. Tuy nhiên, đó là một cuộc chạy đua với thời gian. Nhiều nghi phạm như Félicien Kabuga đã già yếu, trong khi những kẻ khác như Protais Mpiranya đã chết từ lâu.

Vài ngày trước khi cuộc tàn sát diễn ra, những kẻ cực đoan người Hutu qua đài phát thanh đã kích động chống lại người thiểu số Tutsi. Khắp các thành phố và làng mạc, những người Hutu ra đường với dao rựa, ánh mắt đầy thù hận. Trong vài tuần, bọn họ đã giết chết 800.000 Tutsi và những Hutu ôn hòa do từ chối tham gia các vụ giết chóc. Đó là một trong những tội ác kinh hoàng nhất trong lịch sử loài người.