Mỗi vụ phá án trong rừng thẳm đều có những vất vả, khó nhọc, nguy hiểm riêng. Người điều tra viên không những phải giỏi nghiệp vụ điều tra mà còn phải có kinh nghiệm của người đi rừng, biết đối phó với mọi nguy hiểm của rừng thiêng nước độc, của những tên tội phạm cùng đường.
Rừng thiêng núi thẳm thường là nơi “đại bàng” ẩn náu sau khi đã gây ra những tai hoạ tày trời. Người điều tra viên phá án trong rừng phải sẵn sàng hy sinh, thậm chí một viễn cảnh chết mất xác có thể xảy đến cũng phải chấp nhận.
Truy bắt tội phạm bằng đủ các loại phương tiện. |
Cán bộ điều tra Đỗ Thanh Bịch được đánh giá là cảnh sát điều tra sừng sỏ của núi rừng Tây Nguyên, nhưng giới tội phạm ở Đắk Lắk, những ông trùm tội phạm trong rừng Đắk Lắk lại chỉ lưu hình ảnh của Đỗ Thanh Bịch trong ký ức là một gã cày thuê cuốc mướn trong rừng.
Khi đã sắm vai, anh là một lâm tặc thực sự, là kẻ nghèo đói làm nương làm rẫy thuê thực sự, là kẻ bán hàng rong thực sự, là một tay giang hồ nơi bãi vàng, chốn rừng thiêng thực sự.
Khi những tên tội phạm khét tiếng ngồi dưới ánh đèn đỏ quạnh của phòng lấy cung, ngồi đối diện với Đỗ Thanh Bịch trong bộ cảnh phục nề nếp vẫn không tin nổi con người có đôi mắt trũng sâu, da mặt vàng vọt, tôi tay sần sùi thô ráp của những tháng ngày ăn rừng ngủ thác, làm lụng vất vả kia lại là một chiến sĩ công an.
Cán bộ điều tra Đỗ Thanh Bịch. |
Nói về khả năng vào vai thì Đỗ Thanh Bịch có lẽ phải được tôn làm diễn viên gạo cội. Ngót trăm vụ án đường rừng trong suốt 20 năm chịu trách nhiệm điều tra những vụ án trong rừng là ngót trăm vai diễn khác nhau. Mỗi vai diễn đều phải chính xác từng ly từng tý, bởi chỉ cần một chút sơ xuất là phải trả giá bằng tính mạng trước bầy sói hoang khát máu giữa rừng.
Nhớ lại vụ án Hoàng “phát xít” gây chấn động cả nước cách đây hơn 14 năm trời mà anh vẫn còn bồi hồi. Những gian khổ, hiểm nguy giờ thành ký ức đẹp trong lòng anh.
4 năm trời ăn rừng ngủ núi, đi cày đi cuốc để lần theo dấu vết tên tội phạm khét tiếng số một ở Tây Nguyên đã ngốn mất một phần đời “binh nghiệp” của anh.
Những cuộc dấn thân không tính được ngày về. |
Hoàng “phát xít” bị tiêu diệt, báo chí cả nước ca ngợi ầm ầm, quả đó là chiến công hiển hách của Công an tỉnh Đắk Lắk, nhưng không mấy ai biết, Đỗ Thanh Bịch cùng các đồng sự đã lặng lẽ về bên vợ con và hạnh phúc như thế nào.
Một ngày trung tuần tháng 5-1998, tại cù lao giữa rừng thiêng thuộc xã Ea Bin, huyện Krông Nô, Đắk Lắk (nay chia tách thì Krông Nô thuộc tỉnh Đắk Nông) xảy ra án mạng.
Nguyên nhân dẫn đến án mạng là do đám thanh niên đến khu vực rừng già này khai hoang đã mâu thuẫn với 20 đàn em, toàn là lâm tặc của Hoàng “phát xít”.
Để lấy số má với đám đàn em cũng như dân tứ chiếng trên rừng dưới sông, tên Hoàng đã vác khẩu AR15 cưa nòng tìm vào chỗ xảy ra mâu thuẫn, gọi đám thanh niên kia ra rồi không nói không rằng lia nguyên một băng đạn.
Chuẩn bị vũ khí lên đường bắt tội phạm. |
Kết quả một thanh niên bị trúng hai viên, một viên găm vào chân, một viên xé đứt cuống tim khiến nạn nhân chết tại chỗ. Bắn chết người rồi, cả bọn vác súng rút vào rừng sâu, cách dòng Serepok vài giờ đi bộ, nơi chỉ có vượn hú, hổ gầm để tạo lãnh địa tiếp tục hoạt động phạm pháp.
Ngay khi nhận được tin báo, lực lượng công an tỉnh đã triển khai xuống địa bàn khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường và khởi tố Hoàng “phát xít” về tội giết người và sử dụng vũ khí quân dụng trái phép.
Lệnh truy nã đặc biệt được phát ra. Hàng loạt cuộc càn quét của công an tỉnh, huyện diễn ra tại khu vực này, song kết quả là con số không tròn trĩnh.
Giữa những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, chằng chịt dây leo, mù mịt sương khói không thể xác định được chỗ ẩn náu của hắn. Cuối buổi họp chuyên án trong không khí hết sức nặng nề, điều tra viên Đỗ Thanh Bịch đã được giao nhiệm vụ đi tiếp cận đối tượng Hoàng “phát xít” bằng mọi giá.
Dựng hiện trường một vụ án mạng. |
Từ biệt vợ con, Đỗ Thanh Bịch lặng lẽ khoác chiếc ba lô đã sờn rách lên đường. Lần ra đi này anh không biết liệu có còn trở lại. Nhưng kinh nghiệm của một “cảnh sát sơn tràng” không làm anh chờn bước.
Trong vai một kẻ khố rách áo ôm, bộ dạng lem nhem, rách rưới, ôm theo chiếc ba lô sờn rách, chìa ra mấy đồng bạc lẻ, Đỗ Thanh Bịch bước xuống con thuyền cánh én từ buôn Trấp của huyện Krông Ana xuôi dòng Serepok xuống xã Ea Bin của huyện Krông Nô.
Dòng Serepok. |
Ngủ một giấc thật dài, ngắm cảnh núi non hùng vĩ và dòng Serepok đẹp mê hồn đến quá trưa thì chiếc đò dạt vào vách đá, chủ thuyền đẩy mấy ông khách lên bờ và bảo từ đây phải đi bộ, phía trước nước chảy xiết thuyền bè không qua được.
Đỗ Thanh Bịch cứ nhằm con đường mòn dọc sông Serepok đi như bản đồ đồng đội đã vẽ sẵn. Giá như có đồng chí công an xã hoặc công an huyện nào dẫn đường thì sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên đối tượng Hoàng “phát xít” này từng có mối quan hệ khá thân thiết với với lực lượng kiểm lâm và chính quyền xã nên nếu nhờ các đồng chí ở cơ sở dẫn đường chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”.
Mọi lần đi rừng dài ngày, anh Bịch thấy an tâm vì giắt theo súng, lần này vì đảm bảo bí mật tuyệt đối nên súng ống và mọi giấy tờ liên quan phải để ở cơ quan.
Để lọt vào lãnh địa của Hoàng “phát xít” phải qua sự kiểm tra của 20 tên thảo khấu, phần lớn trong số này đang mang lệnh truy nã vì đủ các tội ác đã gây ra trước đó. Nếu bọn họ biết được anh là công an thì chắc chắn sẽ chẳng còn đường về.
(Còn tiếp…)