Cuộc hội ngộ của các anh tài trong làng thiết kế logo Việt Nam

ANTD.VN - Lần đầu tiên, triển lãm chuyên đề logo được tổ chức tại Việt Nam, trưng bày 500 tác phẩm của 60 họa sĩ thiết kế chuyên nghiệp trên khắp cả nước. Không chỉ được nhìn ngắm các logo nổi tiếng như Vietnam Airlines, Petrolimex, Bộ Y tế… người xem đến với triển lãm còn được gặp gỡ những nhà thiết kế thầm lặng đã sáng tạo nên các mẫu thiết kế ấn tượng cùng nhiều câu chuyện thú vị xoay quanh quá trình thai nghén ý tưởng cho tới khi một chiếc logo thương hiệu được hình thành hoàn chỉnh. 
 

Logo Du lịch Việt Nam - Giai đoạn 2011-2020 của họa sỹ Trần Hoài Đức

Cái khó của nghề thiết kế logo

Các họa sỹ tham dự cuộc triển lãm lần này là các gương mặt nổi bật làm logo trên toàn quốc. Mỗi khi nhắc tới họ, khán giả sẽ nhớ tới các mẫu thiết kế đi cùng năm tháng như Vietnam Airlines, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, VNPT… Và điều đáng tự hào, việc định vị thương hiệu Việt đã phần nào có sự đóng góp của các nhà sáng tạo logo Việt Nam. Họ đã góp phần tạo dựng thương hiệu vững chắc trong lòng người tiêu dùng nhờ vào việc sáng tạo nên các mẫu thiết kế mang tầm vóc và trí tuệ Việt. Do vậy, cuộc triển lãm lần này là cuộc hội tụ của các anh tài trong lĩnh vực thiết kế logo Việt Nam. 

Theo chia sẻ của thành viên ban tổ chức, hiện nay Việt Nam có khoảng 500.000 doanh nghiệp và tương đương với con số này là 500.000 logo cần được thiết kế. Tuy nhiên, có thể thấy, lượng logo tồn tại và đọng lại cùng thời gian không nhiều. Cái khó của thiết kế mẫu thương hiệu chính là tính khúc triết về hình nhưng lại giàu hàm lượng văn hóa, tín hiệu để người khác nhận diện thương hiệu.

Trong khi đó, điểm yếu của các họa sỹ đồ họa Việt Nam lại là phong cách và tạo hình đồ họa thường rườm rà, ít làm những cái rành mạch, đơn giản hoặc trực tiếp. Do vậy, chỉ những họa sỹ có đủ bản lĩnh để cắt đi cái tư duy đã ăn mòn ấy mới tạo nên các logo gắn liền với thương hiệu của doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, làm đồ họa lại có cái thú vị riêng và bằng cách nói vui, họa sỹ Hồ Trọng Minh, Phó Chủ nhiệm chuyên ngành Đồ họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, từ trong tâm mình, anh cầu mong tất cả những thách thức ấy. Bởi khó khăn lại tạo động lực để anh vượt qua và khi đã chạm tay tới chiến thắng, anh thấy mình đã đóng góp một phần công sức cho sự thành công của doanh nghiệp. 

Trước khi bắt tay vào vẽ logo thương hiệu Sapa Jade Hill, họa sỹ Hồ Trọng Minh đã tự tay làm hình đầu rồng và miếng ngọc thật 

Logo giúp giải tỏa tâm lý

Cũng theo chia sẻ của họa sỹ Hồ Trọng Minh, logo nhìn tưởng nhỏ bé nhưng lại có tác dụng giải tỏa tâm lý cho hầu hết các nhân viên của doanh nghiệp. Bằng chứng là, một lần anh nhận lời mời thiết kế logo cho một doanh nghiệp. Trước khi bắt tay vào thực hiện, các nhân viên đang dao động, không toàn tâm toàn ý cho công ty. Nhưng khi anh tạo ra logo mới, cả giám đốc và nhân viên đều làm việc tốt hơn. Bởi logo giúp mọi người nhận diện doanh nghiệp đó. 

Theo chia sẻ của các họa sỹ, việc sáng tạo ra mẫu thiết kế đã khó thì việc giữ gìn cho logo ấy đến với công chúng đúng tinh thần còn khó hơn gấp nghìn lần. Tuổi thọ của một logo cũng phụ thuộc một phần vào công đoạn cuối cùng này. Hay đúng hơn, logo của một thương hiệu sau khi thiết kế có đời sống riêng. Để đảm bảo tính thống nhất, họa sỹ hầu hết đều không quên việc đưa ra các bảng chỉ dẫn về sử dụng logo như trên nền màu xanh thì nên làm như thế nào, trên nền màu đỏ thì làm ra sao…

Có thể nói, logo nhìn thì súc tích, giản đơn nhưng kỳ thực, bên trong đó là cả một quy trình tỉ mỉ, cầu kỳ và giàu hàm lượng trí tuệ. Chẳng thế, đó là một nghề có thu nhập cao nhưng lại thách thức tất cả những họa sỹ có ý định thử sức. Cũng có thể vì điều này, lực lượng làm đồ họa của Việt Nam dù đông đảo nhưng những họa sỹ sống được với nghề thiết kế, đặc biệt là các họa sỹ tạo dựng được các logo thương hiệu nổi tiếng lại không nhiều. 

Triển lãm diễn ra từ ngày 18 đến hết 25-5, tại 16 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cũng tại triển lãm, ban tổ chức sẽ giới thiệu đến công chúng cuốn sách về Logo Việt Nam 2018.