- An ninh Thủ đô luôn là tờ báo gần gũi, gắn kết và tình nghĩa của Công an Hà Nội
- Tin tưởng An ninh Thủ đô với truyền thống 45 năm, luôn đổi mới công tác báo chí, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị
- Báo An ninh Thủ đô giành Giải đặc biệt đầu tiên của Giải Báo chí Ngô Tất Tố năm 2020
Qua 5 năm hoạt động và phát triển không ngừng, hiện chuyên mục “Tư vấn pháp luật” đã trở thành “món ăn tinh thần” quen thuộc không thể thiếu đối với bạn đọc Báo An ninh Thủ đô. Trong quá trình triển khai chuyên mục, những phóng viên được giao phụ trách cùng các luật sư tham gia tư vấn đã gặp không ít những kỷ niệm vui - buồn khó quên.
Phóng viên Báo An ninh Thủ đô trao đổi với luật sư về một số nội dung trong chuyên mục “Tư vấn pháp luật” |
Những cuộc gọi 24/7
Tham gia chuyên mục, các luật sư luôn trong tâm thế sẵn sàng tư vấn về những vấn đề “nóng” của cuộc sống, những tình huống pháp lý thực tế được bạn đọc quan tâm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc điện thoại của họ có thể rung lên bất cứ lúc nào, kể cả trong giờ nghỉ, ngày nghỉ và thậm chí cả lúc nửa đêm.
Là một luật sư tham gia chuyên mục “Tư vấn pháp luật” từ những ngày đầu tiên, luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, xã hội càng phát triển, nghề luật sư càng có vai trò quan trọng. Giống như nhiều đồng nghiệp khác, công việc trong ngày của chị khá bận rộn và luôn phải di chuyển đến nhiều nơi khác nhau, từ tư vấn pháp lý, nghiên cứu hồ sơ, gặp gỡ khách hàng đến tham gia tranh tụng tại tòa... Thậm chí không ít lần, chị còn trở thành chuyên gia tâm lý để trò chuyện, tâm sự và hòa giải mâu thuẫn của thân chủ.
“Cách đây vài năm, tôi bỗng nhiên nhận được cuộc gọi vào nửa đêm từ một số máy lạ. Khi tôi nhấc máy thì nghe giọng ngập ngừng, nghẹn ngào từ một người phụ nữ. Qua theo dõi thường xuyên chuyên mục “Tư vấn pháp luật” trên Báo An ninh Thủ đô chị biết đến tôi nên gọi điện nhờ hỗ trợ. Chị cho biết, đã nhiều năm phải sống trong cảnh tủi nhục do bị chồng bạo hành, nay không thể tiếp tục chịu đựng được nữa nên muốn ly hôn. Tuy vậy, do chỉ ở nhà làm nội trợ, không có thu nhập nên người phụ nữ này muốn được trợ giúp pháp lý miễn phí. Sau khi nghe xong câu chuyện, tôi đã hướng dẫn chị làm đơn gửi Hội phụ nữ quận, Hội Bảo vệ bà mẹ trẻ em… để được giúp đỡ, đồng thời cam kết luôn đồng hành cùng chị đi đến cùng” - luật sư Lê Hồng Vân chia sẻ.
Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, những ngày sau đó, chị liên tục gọi điện trò chuyện và hướng dẫn người phụ nữ từng đường đi nước bước để có thể nhanh chóng thoát khỏi “địa ngục”. “Ngày cầm trên tay quyết định ly hôn, người phụ nữ đó lại gọi cho tôi và khóc nức nở. Chị nói sau gần 20 năm sống mà như chết, cuối cùng nhờ thông tin trên Báo An ninh Thủ đô, nhờ luật sư tư vấn tận tình chị đã được giải thoát. Từ đó, thỉnh thoảng chị lại nhắn tin trò chuyện hỏi thăm tôi và cho biết, chị đã dần ổn định cuộc sống, dù khó khăn về kinh tế nhưng luôn vui vẻ khiến tôi vô cùng hạnh phúc” - luật sư Lê Hồng Vân xúc động.
Có thể nói, việc tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý vừa là nghĩa vụ, vừa là đạo đức nghề nghiệp của luật sư. Khoản 2, Điều 21, Luật Luật sư quy định thực hiện trợ giúp pháp lý là một trong các nghĩa vụ của luật sư. Ngoài ra, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ban hành Quyết định số 93/BTV ngày 9-10-2014 hướng dẫn cụ thể về nghĩa vụ tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý của luật sư là 8 giờ/một năm. Thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý không chỉ là nghĩa vụ mà còn là đạo đức nghề nghiệp của luật sư.
Hơn chục năm trong nghề, luật sư Lê Hồng Vân không còn nhớ mình đã tư vấn, bào chữa miễn phí cho bao nhiêu trường hợp. “Việc hợp tác với Báo An ninh Thủ đô thực hiện chuyên mục “Tư vấn pháp luật” khiến tôi thấy công việc của mình trở nên có ý nghĩa hơn, giúp thêm được nhiều người hơn, đặc biệt là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và hiểu biết pháp luật còn nhiều hạn chế” - luật sư Lê Hồng Vân tâm sự.
Khi phóng viên bị bạn đọc… mắng xối xả
Ngoài các luật sư, với từng phóng viên tham gia chuyên mục “Tư vấn pháp luật” miễn phí, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự, tự hào. Trung bình mỗi ngày, phóng viên phụ trách chuyên mục nhận được hàng chục cuộc gọi của bạn đọc có nhu cầu tư vấn pháp luật với nội dung khá đa dạng. Có người là nữ công nhân nhờ tư vấn về chế độ thai sản. Người lại nêu thắc mắc về các quy định về Bảo hiểm xã hội và trợ cấp thất nghiệp. Có cá nhân lại tham vấn các quy định về đất đai, hôn nhân gia đình, hình sự… Nếu như trong thời gian đầu, người gửi thư hay gọi đến chuyên mục “Tư vấn pháp luật” miễn phí trên Báo An ninh Thủ đô chủ yếu là người lao động, công nhân, viên chức Nhà nước… thì gần đây lại có một số chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động nhờ tư vấn.
Vào những giai đoạn cao điểm liên quan đến chiến dịch cấp căn cước công dân gắn chíp hay Luật Cư trú mới sắp có hiệu lực, hầu hết các câu hỏi của bạn đọc bày tỏ băn khoăn về hiệu lực của chứng minh nhân dân 9 số, có bắt buộc phải đổi từ chứng minh nhân dân/căn cước công dân sang căn cước công dân gắn chíp không, thủ tục đổi chứng minh nhân dân sang căn cước công dân, điều kiện nhập hộ khẩu tại Hà Nội, các địa điểm bị cấm đăng ký thường trú…
Dù đã giúp đỡ được nhiều bạn đọc và nhận được vô số lời cảm ơn song đã không ít lần phóng viên tham gia chuyên mục “Tư vấn pháp luật” phải chịu ấm ức khi bị bạn đọc… mắng xối xả, thậm chí bị lăng mạ với những lời lẽ khá thậm tệ. Đó là những khi bạn đọc không đồng ý với trả lời của luật sư vì không đúng với ý muốn chủ quan của họ, là khi họ nhầm lẫn chức năng của chuyên mục “Tư vấn pháp luật” trên báo (chỉ là cầu nối giữa luật sư và bạn đọc) với chức năng giải quyết vụ việc của cơ quan có thẩm quyền nên đã đưa ra các yêu sách: “Tại sao chúng tôi đã làm đủ thủ tục, hồ sơ mà không được giải quyết?”; “Anh, chị trả lời ngay cho tôi biết việc này đúng hay sai?”; “Gọi đến báo mà báo lại nói sẽ gửi câu hỏi đến luật sư trả lời thì làm báo làm gì?”… Thậm chí, có lần chúng tôi còn nhận được cuộc gọi từ các “đại ca giang hồ” đề nghị tư vấn để… “lách” luật. Khi bị từ chối, các đối tượng này lập tức buông ra những lời chửi bới, đe dọa.
Vẫn biết chuyên mục để đứng vững được trong lòng độc giả cũng phải trải qua nhiều thử thách và với những phóng viên “đứng” chuyên mục “Tư vấn pháp luật”, từng câu chuyện buồn, vui trong nghề, những lời cảm ơn từ mỗi bạn đọc luôn là động lực giúp họ vững tin bước tiếp!
“Cách đây vài năm, tôi bỗng nhiên nhận được cuộc gọi vào nửa đêm từ một số máy lạ. Khi tôi nhấc máy thì nghe giọng ngập ngừng, nghẹn ngào từ một người phụ nữ. Qua theo dõi thường xuyên chuyên mục “Tư vấn pháp luật” trên Báo An ninh Thủ đô, chị biết đến tôi nên gọi điện nhờ hỗ trợ. Không có thu nhập nên người phụ nữ này muốn được trợ giúp pháp lý miễn phí Cuối cùng, nhờ thông tin trên Báo An ninh Thủ đô, nhờ luật sư tư vấn tận tình đã giúp đỡ được chị”.
Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)