"Cuộc đấu" khinh hạm ở Thái Lan: Trung Quốc thảm bại, Hàn Quốc thắng lớn

ANTĐ - Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã quyết định chọn một tập đoàn đóng tàu hải quân của Hàn Quốc chế tạo một chiếc khinh hạm (tàu hộ vệ) mới có lượng giãn nước từ 3.000 đến 4.000 tấn, với tổng chi phí khoảng 13 tỷ baht (khoảng 453 triệu USD)

Hôm 19-4, một Ủy ban lựa chọn của Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã công bố, họ đã chọn Tập đoàn đóng tàu và kỹ thuật hàng hải Daewoo (Deawoo Shipbuilding và Marine Engineering - DMSE) của Hàn Quốc chế tạo một chiếc khinh hạm, nguồn tin của hải quân Thái Lan cho biết.

Tập đoàn Daewoo là một trong hai tập đoàn của Hàn Quốc lọt vào vòng đấu thầu cuối cùng do Ủy ban lựa chọn Hải quân Hoàng gia Thái Lan tổ chức. Ba công ty nước ngoài khác đã bị loại ngay từ các vòng đấu thầu trước đó là các công ty của Tây Ban Nha, Italia và Trung Quốc.

Tàu hộ vệ 569 "Ngọc Lâm" - lớp 054A của hải quân Trung Quốc

Tham mưu trưởng Hải quân Hoàng gia Thái Lan Chakchai Phucharoenyot, chủ tịch Ủy ban này cho biết: Tập đoàn đóng tàu và kỹ thuật hàng hải Daewoo đã được lựa chọn là do họ đã đề xuất những đặc điểm kỹ thuật cho khinh hạm phù hợp với yêu cầu của hải quân nước này.

Hải quân cũng yêu cầu công ty này sản xuất một Hệ thống quản lý chiến đấu (CMS) có thể được liên kết với các hệ thống đã được trang bị trên các khinh hạm HTMS Naresuan và HTMS Taksin, ông cho biết.  

Theo các tiết lộ ban đầu, khinh hạm được Thái Lan lựa chọn là loại DMSE DW-3000H, có chiều dài 114 m; rộng 13,8 m; lượng giãn nước 3.000 - 4.000 tấn; tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ. Tàu được trang bị pháo hạm 76 mm; 4 cụm, mỗi cụm 8 ống phóng tên lửa phòng không đặt trong các hệ thống phóng thẳng đứng; tổ hợp pháo phòng thủ tầm gần 20 mm CIWS; cannon 30 mm MSI DS30; các ống phóng ngư lôi; cấu trúc boong thượng thiết kế tàng hình của hãng Thales I-Mast 400/I-Mast 500.

Mô hình tàu hộ vệ DMSE DW-3000H của Daewoo

Theo Đô đốc Chakchai, chiếc khinh hạm này sẽ là chiếc tàu hải quân do Hàn Quốc sản xuất đầu tiên của Thái Lan. Dự kiến, tàu ​​sẽ được biên chế hoạt động trong khoảng 2 năm nữa. Theo một nguồn tin nội bộ, hải quân nước này muốn mua khinh hạm của châu Âu hơn nhưng chúng quá đắt đỏ.

Trước đó, nội các Thái Lan đã thông qua kế hoạch mua 2 chiếc khinh hạm của Hải quân Hoàng gia với khoản ngân sách trị giá 30 tỷ baht. Hai chiếc khinh hạm sẽ được sản xuất và bàn giao lần lượt từng chiếc.

Tháng 3 vừa qua, Philippines đã hủy bỏ quyết định mua khinh hạm “Maestrale” của Italia, quay sang đàm phán với Hàn Quốc để mua tàu hộ vệ lớp  “Incheon” của Tập đoàn công nghiệp nặng Huyndai. Đây là lớp tàu hộ vệ cùng thế hệ với 054A nhưng sử dụng toàn bộ các thiết bị điện tử và hệ thống vũ khí của Mỹ, được đánh giá là có tính năng vượt trội tàu hộ vệ lớp 054A của Trung Quốc.

Philippines đã quyết định mua tàu hộ vệ tên lửa lớp Incheon của hải quân Hàn Quốc

Như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2013, 2 quốc gia Đông Nam Á đã quyết định lựa chọn mua tàu hộ vệ của Hàn Quốc đã cho thấy sức hút của tàu hộ vệ xứ sở Kim Chi là khá lớn, trong khi đó 054A của Trung Quốc mới được mỗi mình Pakistan quan tâm nhưng vẫn chê đắt vì hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không quá kém, đồng thời cũng đòi sử dụng trực thăng của Mỹ chứ không dùng Z-9.