Cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Á

ANTĐ - Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ riêng trong năm 2012, tàu ngầm Ấn Độ và Trung Quốc đã đụng độ nhau ít nhất 22 lần trên Ấn Độ Dương và vụ “chạm mặt” mới đây nhất là xảy ra hồi tháng 2-2013. Những dấu hiệu về sự tăng cường hoạt động với một tần suất ngày một dày đặc của hải quân Trung Quốc trên Ấn Độ Dương đã khiến Ấn Độ hết sức lo ngại đến những lợi ích của họ trong vùng biển này. Đứng trước sự uy hiếp tiềm ẩn này của hải quân Trung Quốc, Ấn Độ cũng có những hành động chuẩn bị lực lượng. 

Lợi ích quốc gia của các nước châu Á đang trỗi dậy, sức mạnh kinh tế cùng với sự bất an về an ninh đã khiến cho nhiều Chính phủ trong khu vực không ngừng nỗ lực bảo vệ phạm vi ảnh hưởng của họ bằng cách rộng tay mua sắm vũ khí trang thiết bị quân sự hiện đại. Không chỉ là để đảm bảo có đủ “bộ đồ chiến” tự vệ, trong trường hợp cần thiết mà sau 4 thập niên phát triển kinh tế vượt bậc, các quốc gia châu Á hoàn toàn có khả năng mua nhiều hơn vài chiếc chiến đấu cơ lẻ tẻ.

Có một cột mốc đã được vượt qua trong năm nay: Chi tiêu quân sự châu Á hiện đã lớn hơn của châu Âu. Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) cho hay: Hầu hết của cải của thế giới hiện đang được tạo ra ở phương Đông và kho vũ khí quân sự thế giới hiện có thể đang chảy theo. "Sự thay đổi trong sức mạnh quân sự toàn cầu đang diễn ra", IISS kết luận trong báo cáo "cán cân quân sự" hàng năm. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế (SIPRI) tại Stockholm, Thụy Điển  trong báo cáo mang tên "Các xu thế trong giao dịch vũ khí quốc tế" cũng có nhận định tương tự trong nghiên cứu mới đây. Đó là cán cân rõ ràng đang thiên lệch về phía châu Á. 

Đông mạnh, Tây yếu

Theo SIPRI, những quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong 5 năm qua tất cả đều ở châu Á, đó là: Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Hàn Quốc và Singapore. Lý do cho sự đầu tư mạnh mẽ trong mua sắm vũ khí ở châu Á mà chuyên gia của SIPRI Siemon Wezeman chỉ ra là "có khá nhiều mối đe dọa và nguy cơ ở châu Á, đó là bất đồng về lãnh thổ, là tình hình bất ổn ở hầu hết châu Á", ông chỉ ra sự mâu thuẫn giữa Ấn Độ và Pakistan, những đe dọa từ Triều Tiên và các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, Hoa Đông giữa Trung Quốc với Nhật Bản cùng các nước Đông Nam Á.

Lần đầu tiên kể từ Chiến tranh lạnh, Trung Quốc vượt mặt Anh để lọt vào Top 5 nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Chính khả năng tự sản xuất của Trung Quốc mới khiến nhiều nước trong khu vực đứng ngồi không yên. Thái độ bắt nạt các nước láng giềng của Trung Quốc đối với các tranh chấp lãnh thổ đã khiến Philippines, Việt Nam và Đài Loan kịch liệt phản đối và phải củng cố quân đội. Trong khi đó, vũ khí được chuyển tới Malaysia tăng 8 lần trong nửa sau của thập niên. Singapore, quốc đảo nhỏ bé đã trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ 5 thế giới.

Trên thực tế, việc châu Á vượt qua châu Âu trong chi tiêu quân sự là điều không mấy ngạc nhiên khi châu Á gia tăng mua sắm còn châu Âu thì giảm mạnh chi tiêu trong mọi lĩnh vực. Theo IISS, Bắc Mỹ và châu Âu với nền kinh tế trì trệ, khủng hoảng đã giảm mạnh ngân sách quân sự, trong khi châu Á thì chi tiêu nhiều hơn. Về mặt số lượng thuần túy, châu Á (gồm cả Australia) chiếm 19,9% chi phí quân sự toàn cầu. Trong khi đó châu Âu chiếm 17,6% và Bắc Mỹ là 42%.

Còn SIPRI cho biết, trong năm 2012, Nga thu được 8 tỷ USD từ việc xuất khẩu vũ khí và trang thiết bị quân sự. Giá trị xuất khẩu trong lĩnh vực này của Mỹ nhỉnh hơn chút ít với 8,76 tỷ USD. Đặc biệt Trung Quốc ở thứ hạng Top 5 xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới với 5% giao dịch vũ khí toàn cầu.

Các chuyên gia dự báo, trong năm 2013 và nhiều năm tới, nhu cầu mua vũ khí của thế giới sẽ tiếp tục tăng mạnh, nhất là trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền biển đảo nhiều khả năng sẽ tiếp tục căng thẳng hơn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Những bản hợp đồng khủng

Nga đang quay trở lại thị trường vũ khí Đông Nam Á một cách ngoạn mục với các khách hàng như Việt Nam hay Indonesia. Ấn Độ đã nhập khẩu lượng vũ khí từ Nga trong 5 năm qua nhiều hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. 

Nga đã cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự đặc biệt tới 66 quốc gia và đã ký các thỏa thuận hợp tác kỹ thuật quân sự với 77 quốc gia trên khắp thế giới. Ngoài ra, đang phát triển mối quan hệ này với một số khách hàng tiềm năng với một số lượng đáng kể. Các đơn đặt hàng cho sản phẩm công nghiệp quốc phòng đã lên đến 46,3 tỷ USD. Trong 3 năm qua, Nga đã phê duyệt khoản cho vay để mua vũ khí và trang bị quân sự lên đến 7 tỷ USD, tất nhiên là mua vũ khí do Nga sản xuất.  Một số quốc gia có khoản tín dụng lớn từ Nga được biết đến như Venezuela, Argentina, Indonesia,  Sri Lanka, Bangladesh và cả Việt Nam.

Theo phân tích trên trang điện tử Indrus của Ấn Độ, thì sau Ấn Độ và Algeria, Việt Nam đang dần trở thành một đối tác rất quan trọng của Nga trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật - quân sự. Việt Nam đang được trang bị các hệ thống tên lửa phòng không,  phòng thủ bờ biển, các chiến đấu cơ Su-30MK2, loại máy bay tiêm kích hàng đầu thế giới và sắp tới là tàu ngầm phi hạt nhân loại hiện đại. 

Chiến lược xoay trục an ninh sang   châu Á - Thái Bình Dương đã giúp các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Mỹ “ăn đủ” từ hàng loạt hợp đồng buôn bán vũ khí và thiết bị chiến tranh với nhiều quốc gia châu Á. Theo số liệu mới công bố, trong tài khóa 2012, tổng giá trị các hợp đồng bán vũ khí này đạt doanh số lên tới 13,7 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2011, chưa kể các hợp đồng đang trong quá trình thương thảo. Trong đó, riêng các hợp đồng bán vũ khí cho Ấn Độ chiếm tới 8 tỷ USD. Dự kiến xuất khẩu vũ khí sang Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới do New Delhi có chủ trương chi tới 100 tỷ USD trong thập niên tiếp theo cho kế hoạch nâng cấp kho thiết bị chiến tranh. 

Ngoài Ấn Độ, đồng minh Nhật Bản ở Đông Á đã chọn loại máy bay đa năng F-35 thay thế cho phi đội máy bay F-4 già nua của mình với tổng giá trị hợp đồng lên tới   5 tỷ USD. Hàn Quốc đã mua được 4 máy bay do thám hiện đại không người lái Global Hawk (RQ-4) với giá 1,2 tỷ USD. Đây là nước đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương được mua máy bay Global Hawk của Mỹ, mặt hàng hiện cũng đang được Australia, Nhật Bản và Singapore để mắt. Đồng thời, Hàn Quốc và Singapore đang cân nhắc đặt mua máy bay F-35 của Mỹ, trong khi Đài Loan tiếp tục tìm kiếm thêm các hợp đồng sắm máy bay F-16 hiện đại, bất chấp phản đối của Trung Quốc đại lục. 

IISS nhấn mạnh, việc mua sắm vũ khí mới hay nâng cấp trang thiết bị quân sự không khiến cho khu vực trở nên an toàn hơn. "Mua sắm hệ thống quân sự hiện đại ở Đông Á - một khu vực thiếu những cơ chế an ninh được thiết lập lâu dài - sẽ chỉ làm gia tăng rủi ro những xung đột bất ngờ hay leo thang căng thẳng". Tuy vậy, cũng có thể hiểu khác rằng các cuộc chạy đua vũ khí là nhằm đảm bảo hòa bình hơn là gây chiến.