Cuộc bầu cử Tổng Thư ký NATO cùng những luật bất thành văn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ có Tổng Thư ký mới trong năm 2024 khi ông Jens Stoltenberg sẽ hết nhiệm kỳ. Đây là chức vụ nổi bật trên thế giới nhưng không có mô tả công việc chính thức, không có danh sách kiểm tra các kỹ năng cần thiết cũng như bất kỳ cách nào để “nộp đơn”.
Thủ tướng Hà Lan sắp mãn nhiệm Mark Rutte (trái) đang được cho là ứng cử viên tiềm năng thay thế Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải)

Thủ tướng Hà Lan sắp mãn nhiệm Mark Rutte (trái) đang được cho là ứng cử viên tiềm năng thay thế Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải)

Trong gần một thập kỷ giữ chức Tổng Thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg đã được yêu cầu ở lại 4 lần, thậm chí có lần ông đã nhận công việc mới là người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Na Uy. Trong những năm đó, do mối quan hệ rạn nứt với Nga và căng thẳng xuyên Đại Tây Dương với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, không có gì đáng ngạc nhiên khi không ai muốn mạo hiểm thay thế Tổng Thư ký Stoltenberg - người có biệt danh là “người thì thầm với ông Trump” vì khả năng xoa dịu nhà lãnh đạo Mỹ vốn nổi tiếng vì rất có cá tính.

Nhiệm kỳ của ông Stoltenberg chính thức kết thúc vào ngày 1-10-2024. Ông Oana Lungescu, người phát ngôn tại nhiệm lâu nhất của NATO cho rằng, nên chọn lãnh đạo tổ chức này sớm hơn để tránh bị phân tâm và phức tạp. “Điều quan trọng là phải đưa ra lựa chọn đủ sớm, tách biệt với cả cuộc bầu cử Liên minh châu Âu vào tháng 6-2024 lẫn cuộc bầu cử ở Mỹ đầu tháng 11-2024” - ông Lungescu, thành viên Viện Nghiên cứu dịch vụ thống nhất Hoàng gia (Anh) nói.

Nhưng chắc chắn đây không phải là điều dễ dàng, bởi chức Tổng Thư ký NATO rất nổi bật trên thế giới nhưng không có mô tả công việc chính thức, không có danh sách kiểm tra các kỹ năng cần thiết cũng như bất kỳ cách nào để “nộp đơn”. Theo luật bất thành văn, những người đang tìm kiếm vị trí này sẽ không được mời phỏng vấn và không nên tỏ ra quá háo hức để được chọn. Theo đó, Tổng Thư ký mới của NATO phải phản đối Nga, nhưng không kịch liệt đến mức làm dấy lên lo ngại leo thang và sẵn sàng bảo vệ sự tồn tại của liên minh mà không tỏ ra quá khiêu khích.

Trong nhiều năm, người ta đã cân nhắc về một nhà lãnh đạo mới. Những phẩm chất “có thì tốt” cũng được nhắc đến, chẳng hạn như đến từ một quốc gia có chi tiêu quốc phòng dồi dào, từ một đồng minh ở Nam Âu hay Đông Âu thay cho vai trò đứng đầu gần 15 năm của người Bắc Âu, và cũng không loại trừ lựa chọn một phụ nữ. Bản danh sách ứng cử viên đến nay khá dồi dào. Những người dẫn đầu tiềm năng trước đây như Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace thậm chí còn được cho là đã nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Mỹ Joe Biden về cơ hội của họ, nhưng cả hai sau đó đều tự loại ra khỏi danh sách xem xét mà không giải thích.

Hiện tại, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, Ngoại trưởng Latvia Krisjanis Karins và Thủ tướng Hà Lan sắp mãn nhiệm Mark Rutte đều công khai mong muốn có được công việc này. Trong đó, là Thủ tướng tại vị lâu thứ hai trong số các đồng minh NATO sau Thủ tướng Hungary Viktor Orban, ông Mark Rutte được coi là sự lựa chọn an toàn hơn so với một chính trị gia vùng Baltic, khi cuộc xung đột Nga - Ukraine đang thống trị chương trình nghị sự của liên minh. Ông Kallas được nhận xét có tính thẳng thắn vừa được ưa chuộng, lại vừa gây chia rẽ. Còn ông Karins, mặc dù cũng là cựu Thủ tướng, nhưng không nhận được nhiều sự chú ý. Đáng chú ý, ông Rutte là ứng cử viên duy nhất được các Đại sứ NATO thảo luận trong một quy trình không chính thức song song với các cuộc tham vấn của các nguyên thủ. “Theo như tôi biết, một số quốc gia vẫn cần suy nghĩ thêm nhưng họ đang hướng tới sự đồng thuận đối với ông Rutte” - cựu phát ngôn viên NATO Oana Lungescu tiết lộ.

Các nhà quan sát không loại trừ một ứng cử viên đáng gờm có thể xuất hiện vào phút cuối. Nhưng bất cứ ai giành chiến thắng, chắc chắn đó sẽ là một con đường khá gập ghềnh. Điều duy nhất có vẻ chắc chắn vào thời điểm này là ông Stoltenberg sẽ phải rút lui khỏi một cuộc đua khác - cuộc đua về Tổng Thư ký NATO tại nhiệm lâu nhất. Cho đến nay, người đang giữ kỷ lục là chính trị gia người Hà Lan Joseph Luns với sự nghiệp 13 năm tại vị.