Crimea chính thức là phần lãnh thổ của Nga

ANTĐ - Hôm qua 21-3, nước Cộng hòa tự trị Crimea và thành phố Sevastopol đã chính thức trở thành một phần lãnh thổ của Liên bang Nga, sau khi Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh phê chuẩn hiệp ước sáp nhập. Trong khi đó, các nước phương Tây và Nga tiếp tục có các hành động trả đũa lẫn nhau. 

Nhiều tàu chiến Ukraine tại Sevastopol đã được treo cờ Nga

Nga không đưa quân vào Ukraine  

Theo sắc lệnh này, Liên bang Nga sẽ có 85 vùng lãnh thổ. Trước đó, hiệp ước sáp nhập được cả hai viện Quốc hội Nga nhất trí thông qua. Bộ Ngoại giao Nga ngày 20-3 ra thông cáo cho biết, Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry, trong đó ông Lavrov nhấn mạnh, quyết định sáp nhập Crimea vào Nga là không thể đảo ngược. Theo ông Vladimir Komoyedov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga), lực lượng tự vệ Crimea, vốn đóng vai trò chủ chốt trong việc đảm bảo an ninh trên bán đảo trước khi sáp nhập vào Nga, sẽ được huấn luyện một cách chính quy và gia nhập quân đội Nga. Trong khi đó, truyền thông địa phương dẫn lời một quan chức Crimea giấu tên cho biết, 72 cơ sở quân sự Ukraine trên bán đảo này đã treo cờ Nga, trong đó có 25 tàu Hải quân Ukraine. Thủ tướng Crimea Sergey Aksenov trước đó từng nói rằng, quân nhân Ukraine đồn trú tại Crimea có thể lựa chọn ở lại hoặc rời đi. 

Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu hôm 20-3, trong đó ông Hagel bày tỏ quan ngại về các hoạt động của quân đội Nga dọc biên giới với Ukraine. Tuy nhiên, ông Shoigu cho biết, đây chỉ là các hoạt động tập trận và Nga không có ý định tấn công quân sự vào miền đông Ukraine.  

Trợ lý ông Putin vào “danh sách đen”

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 20-3 đã công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các quan chức cấp cao và ngân hàng Nga. Trong số những người nằm trong “danh sách đen” bị hạn chế đi lại và đóng băng tài sản của Mỹ có trợ lý Tổng thống Putin, Andrei Fursenko và Chánh văn phòng Tổng thống Sergei Ivanov. Nhà Trắng cũng lên kế hoạch áp đặt trừng phạt đối với những ngành kinh tế chủ chốt của Nga như năng lượng, tài chính, quốc phòng...

Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) công bố danh sách 33 quan chức Nga bị trừng phạt. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết, EU đã hủy công tác chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh với Nga vào tháng 6 tới. Trong khi đó, tại Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU và Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk đã ký thỏa thuận hỗ trợ chính trị và kinh tế cho Ukraine. 

Về phần mình, Matxcơva tuyên bố cấm 9 quan chức và nghị sĩ Mỹ nhập cảnh vào Nga. Ông Putin cũng có ý giễu cợt lệnh trừng phạt của Mỹ khi cho biết ông sẽ mở tài khoản tại ngân hàng Rossiya – vốn nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ. 

Cũng trong ngày 20-3, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã tới Matxcơva và có cuộc gặp với Tổng thống Putin để thảo luận về cuộc khủng hoảng giữa Ukraine và Nga. Ông Ban Ki-moon cho biết, cuộc gặp rất hữu ích và mang tính xây dựng, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, tránh các hành động khiêu khích có thể làm tình hình thêm trầm trọng.