Công nghệ giúp ngăn chặn nạn lừa đảo qua điện thoại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cùng với sự phát triển của công nghệ, thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại cũng ngày càng tinh vi, đặc biệt nhằm vào đối tượng là người cao tuổi. Công ty Fujitsu, Đại học Toyo và chính quyền thành phố Amagasaki (Nhật Bản) đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và nghiên cứu tâm lý để bảo vệ người cao tuổi trước nạn lừa đảo qua điện thoại ngày càng phức tạp.
Nghiên cứu giúp bảo vệ các nạn nhân trước các vụ lừa đảo qua điện thoại ngày càng phức tạp

Nghiên cứu giúp bảo vệ các nạn nhân trước các vụ lừa đảo qua điện thoại ngày càng phức tạp

AI can thiệp để ngăn chặn lừa đảo

Công ty Công nghệ thông tin và truyền thông Fujitsu, Đại học Toyo và chính quyền thành phố Amagasaki, Nhật Bản đã tiến hành dự án nghiên cứu chung đầu tiên của nước này, tận dụng các công nghệ kết hợp các kỹ thuật AI và nghiên cứu tâm lý về trạng thái cảm xúc của nạn nhân bị lừa đảo qua điện thoại cũng như những trò lừa đảo khác. Mục tiêu của nghiên cứu là nhằm phát triển một mô hình AI có khả năng phát hiện nhiều kiểu lừa đảo qua điện thoại để cảnh báo, góp phần ngăn chặn các trò lừa đảo nhắm vào người cao tuổi và các nhóm dân cư dễ bị tổn thương khác.

Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, 88,2% số vụ lừa đảo qua điện thoại được báo cáo ở Nhật Bản nạn nhân là người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên. Con số này cho thấy, nhóm tuổi này dễ bị lừa đảo qua điện thoại nhất. Cùng với đó, thiệt hại do lừa đảo qua điện thoại ngày càng gia tăng, chỉ riêng ở thành phố Amagasaki đã lên tới khoảng 97 triệu yên (khoảng 831.000 USD) với 102 trường hợp được báo cáo chỉ trong 1 năm. Để giảm bớt vấn đề này và thiết kế các công cụ mới để chống lừa đảo, nghiên cứu đã tiến hành mô phỏng các tình huống lừa đảo, gian lận thực tế trong các cuộc thử nghiệm với những người cao tuổi ở thành phố Amagasaki, tận dụng công nghệ cảm biến của Fujitsu để phát hiện những thay đổi trong cơ thể cũng như cảm xúc của con người, song song với phương pháp đo lường và chia tỷ lệ cảm xúc do Đại học Toyo phát triển.

Mô hình AI phát hiện lừa đảo qua điện thoại với độ chính xác cao, tận dụng các công nghệ kết hợp công nghệ cảm biến dựa trên AI của Fujitsu và kết quả nghiên cứu của Đại học Toyo về tâm lý và trạng thái cảm xúc của con người được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu giúp đối phó với tình trạng này. Giáo sư Masayuki Kiriu, Khoa Tâm lý xã hội - Đại học Toyo cho biết: “Các thử nghiệm thực địa sẽ tập trung vào mối quan hệ giữa thủ phạm và nạn nhân của các vụ lừa đảo qua điện thoại, đồng thời đưa ra các biện pháp phòng chống lừa đảo cụ thể và hiệu quả hơn. Dự án này đặc biệt tập trung vào những thay đổi về cảm xúc và thể chất của nạn nhân, đây là lĩnh vực mà đến nay nghiên cứu chưa đạt được nhiều tiến bộ, với mục tiêu hiện thực hóa một công nghệ AI có thể can thiệp để ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại. Chúng ta có thể gọi đây là một cách tiếp cận đồng cảm chưa từng có để đối phó với nạn lừa đảo qua điện thoại, đặc biệt chú trọng đến cảm xúc của nạn nhân”.

88,2% số vụ lừa đảo qua điện thoại được báo cáo ở Nhật Bản có nạn nhân là người cao tuổi

88,2% số vụ lừa đảo qua điện thoại được báo cáo ở Nhật Bản có nạn nhân là người cao tuổi

Đổi mới thông qua công nghệ để giải quyết vấn đề xã hội đang gia tăng

Ở giai đoạn chuẩn bị, phát triển các kịch bản thử nghiệm, Công ty Fujitsu và Đại học Toyo đã phân tích các từ khóa và mô hình cụ thể về lừa đảo qua điện thoại dựa trên bản ghi âm giọng nói trong các vụ việc thực tế do Cảnh sát tỉnh Hyogo cung cấp tạo ra các kịch bản lừa đảo qua điện thoại thực tế để sử dụng trong các thử nghiệm thực địa.

Ở giai đoạn thử nghiệm thực địa, phân tích dữ liệu đo lường từ người cao tuổi, nhóm tiến hành thử nghiệm thực địa tại Tòa thị chính Amagasaki với khoảng 20 tình nguyện viên là người cao tuổi từ thành phố Amagasaki tham gia. Dựa trên kịch bản lừa đảo qua điện thoại được tạo trước, một cuộc gọi điện thoại có giọng nói được ghi âm trước sẽ được thực hiện đối với từng người tham gia. Fujitsu sẽ tận dụng công nghệ AI “Actlyzer” để phân tích hành vi dựa trên video, công nghệ AI để nhận dạng nét mặt nhằm phát hiện những thay đổi trong cảm xúc con người và công nghệ AI để ước tính theo thời gian thực dựa trên hình ảnh khuôn mặt để đo và ghi lại dữ liệu, bao gồm cả nét mặt và dữ liệu nhịp tim của những người tham gia. Sau cuộc gọi, những người tham gia sẽ trả lời thêm một bảng câu hỏi để đo trạng thái cảm xúc của họ trong suốt cuộc gọi.

Tiếp theo đó, giai đoạn đánh giá sẽ phân tích kết quả và phát triển mô hình AI để phát hiện các cuộc gọi điện thoại lừa đảo. Đại học Toyo phân tích dữ liệu thực tế từ những người tham gia được đo trong quá trình thử nghiệm và so sánh với kết quả câu hỏi của từng cá nhân để xác định mối quan hệ giữa trạng thái thể chất và cảm xúc của người tham gia. Fujitsu sẽ sử dụng phân tích này để tạo ra một mô hình AI nhằm phát hiện các trường hợp lửa đảo qua điện thoại có thể xảy ra dựa trên đặc điểm của những người tham gia (được cho là) bị lừa trong quá trình mô phỏng. Các chuyên gia sau đó tiếp tục tiến hành thử nghiệm thực địa lần thứ hai sử dụng mô hình AI này để xác nhận tính chính xác của nó trong việc phát hiện lừa đảo qua điện thoại. Fujitsu đặt mục tiêu phát triển một mô hình AI có thể phát hiện nhiều loại lừa đảo qua điện thoại khác nhau với độ chính xác cao.

Tập trung vào nhu cầu và thách thức của một xã hội đang ngày càng “già hóa”, nhóm nghiên cứu hướng tới phát triển một mô hình AI có khả năng bảo vệ các nạn nhân trước các vụ lừa đảo qua điện thoại ngày càng phức tạp và tinh vi, góp phần tạo nên một xã hội an toàn hơn. “Chúng tôi rất ấn tượng trước những sáng kiến của thành phố Amagasaki nhằm bảo vệ người cao tuổi khỏi nạn lừa đảo qua điện thoại. Đây là lý do chúng tôi nghiên cứu các công nghệ hội tụ kết hợp kiến thức từ các lĩnh vực khác nhau. Sử dụng nghiên cứu này làm điểm khởi đầu, chúng tôi mong muốn hiện thực hóa một xã hội bền vững, nơi người cao tuổi có thể sống an toàn” - Daiki Masumoto, thành nhóm nghiên cứu cho biết. “Chúng tôi hy vọng nghiên cứu này này sẽ giúp ngăn chặn nạn lừa đảo qua điện thoại không chỉ ở thành phố này mà còn trên toàn Nhật Bản”- ông Kazumi Inamura, Thị trưởng thành phố Amagasaki nói.