Công an Thủ đô thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy

Công an Hà Nội quyết liệt xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông (1): Những chiêu trò đối phó của lái xe

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trung tuần tháng 6-2022, Bộ Công an triển khai đến toàn lực lượng Công an 63 tỉnh, thành phố Kế hoạch số 299 về cao điểm, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Thực hiện trong 3 tháng, nhưng những kết quả đạt được và hiệu ứng xã hội tích cực tạo nên là những yếu tố để lãnh đạo Bộ yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương nối dài tinh thần, biện pháp của đợt cao điểm. Với Công an Hà Nội, triển khai thực hiện cao điểm cũng chính là yêu cầu hết sức quan trọng thời gian qua và các tháng cuối năm, góp phần đảm bảo, giữ vững bình yên cho thành phố.

Rất nhiều các vụ tai nạn giao thông ở các địa phương xảy ra trong thời gian qua liên quan đến xe “hổ vồ” (xe Howo). Nguy cơ tiềm ẩn ấy trên địa bàn Thủ đô đã được lực lượng chức năng nhận diện và quyết tâm từng bước hóa giải bằng những biện pháp tuyên truyền và sự vào cuộc quyết liệt không kể ngày đêm. Không quá để nói rằng, đây là một “cuộc chiến” đòi hỏi sự bền bỉ, tinh thần trách nhiệm và vào cuộc đồng bộ ngay từ cấp cơ sở.

Đội Cảnh sát GT-TT, Công an quận Hai Bà Trưng tổ chức tập huấn cho công an các phường nhận biết về phương tiện vận tải vi phạm về kích thước

Đội Cảnh sát GT-TT, Công an quận Hai Bà Trưng tổ chức tập huấn cho công an các phường nhận biết về phương tiện vận tải vi phạm về kích thước

Trăm phương, ngàn kế

Triển khai thực hiện Kế hoạch số 299 của Bộ Công an; lực lượng CSGT Thủ đô nói riêng đã vào cuộc quyết liệt, tập trung xử lý, đặc biệt đối với các phương tiện chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng. Trong 3 tháng triển khai cao điểm (từ ngày 15-6 đến 15-9-2022), toàn lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý 3.233 trường hợp, phạt tiền 11 tỷ 108 triệu đồng, tước GPLX với 814 trường hợp, tước kiểm định với 127 phương tiện, tước phù hiệu 167 phương tiện và tạm giữ 63 trường hợp. Trong số 3.233 trường hợp bị xử lý vi phạm, có 2.079 trường hợp chở quá tải trọng, 481 trường hợp quá khổ giới hạn và 773 trường hợp phương tiện cơi nới thành thùng xe. Đối với công an cấp quận, huyện, thị xã cũng ghi nhận kết quả của Công an huyện Ứng Hòa với 137 trường hợp, Gia Lâm 127 trường hợp, Chương Mỹ 116 trường hợp; Công an quận Bắc Từ Liêm 58 trường hợp, Long Biên 57 trường hợp và Nam Từ Liêm 49 trường hợp. Và cũng trong 3 tháng cao điểm, trên toàn thành phố không xảy ra tai nạn giao thông xuất phát từ nguyên nhân phương tiện chở quá tải trọng, quá khổ giới hạn, cơi nới thành thùng. Để có được kết quả trên, lực lượng CSGT Thủ đô đã phải cố gắng không ngừng nghỉ, tuần tra ngày đêm, khép kín địa bàn, triển khai nhiều biện pháp giải pháp sát thực với tình hình thực tế của từng đơn vị quản lý.

Là đơn vị dẫn đầu trong công tác xử lý xe “hổ vồ” vi phạm, Thiếu tá Tạ Ngọc Khánh - Đội trưởng Đội CSGT số 15, Phòng CSGT (CATP Hà Nội) cho biết: “Các phương tiện vận tải vi phạm thường lưu thông sau 22h đến 5h sáng hôm sau. Thời điểm này đường vắng, nên các lái xe cũng không ngần ngại... nhấn ga đi nhanh hơn, nguy cơ tai nạn giao thông càng tiềm ẩn. Thêm vào đó, dọc các tuyến quốc lộ không phải chỗ nào cũng có thể yêu cầu dừng phương tiện, do vậy, cán bộ chiến sĩ của đơn vị phải “rải quân” dọc tuyến, kiên quyết chặn dừng để xử lý, có như vậy mới phòng ngừa được TNGT đáng tiếc có thể xảy ra”. Dù biết rất rõ nguy cơ TNGT từ những chiếc xe chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng, tuy nhiên, vì lợi nhuận mà chủ phương tiện hay lái xe bất chấp để vi phạm, tìm đủ “chiêu trò” để đối phó khi bị CSGT kiểm tra, gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ. “Cán bộ chiến sĩ từ Phòng CSGT đến Công an các quận, huyện, thị xã đều rất quyết liệt xử lý. Tuy nhiên, để đối phó, các đối tượng có thể tạm dừng hoạt động để “nghe ngóng” tình hình, hoặc lén lút hoạt động trong cung đường ngắn; cử người cảnh giới, theo dõi ngược lại công tác tuần tra kiểm soát của CSGT và báo cho lái xe tìm cách né tránh…” - chỉ huy Phòng CSGT - CATP Hà Nội thông tin. Thậm chí, các chủ phương tiện, doanh nghiệp vận tải hay lái xe còn lập ra các hội nhóm kín trên mạng xã hội để thông tin các tuyến đường, khu vực mà lực lượng CSGT xử lý để cùng nhau đối phó. Hay khi bị xử lý thì cố tình “chây ỳ”, không hợp tác… khiến công tác xử lý vi phạm bị cản trở.

Cảnh sát giao thông “rải quân” ngày đêm xử lý phương tiện chở quá khổ, quá tải, cơi nới thùng xe

Cảnh sát giao thông “rải quân” ngày đêm xử lý phương tiện chở quá khổ, quá tải, cơi nới thùng xe

Cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt

Nếu ví nhiệm vụ giữ bình yên, an toàn cho người dân là một “mặt trận”, thì công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông chính là một “cuộc chiến”. Ba tháng cao điểm vừa qua chỉ là sự khởi đầu, và lực lượng Công an Thủ đô tiếp tục triển khai các biện pháp, giải pháp đấu tranh với các hành vi là nguy cơ gây TNGT trên toàn địa bàn thành phố. “Nếu chỉ lực lượng Cảnh sát GT-TT sẽ chưa đủ và không thể thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ trong thời gian dài, vì nhân lực mỏng, địa bàn rộng, lại phải xử lý nhiều công tác chuyên môn khác. Do vậy, Ban Chỉ huy Công an quận đã đồng ý với đề xuất của chúng tôi khi huy động Công an 18 phường cùng vào cuộc” - Đại úy Nguyễn Văn Kiệt - Đội trưởng Đội Cảnh sát GT-TT, Công an quận Hai Bà Trưng cho biết.

Để thực hiện có hiệu quả và đồng bộ, Đội Cảnh sát GT-TT đã tham mưu Ban Chỉ huy Công an quận Hai Bà Trưng chỉ đạo Công an các phường điều tra cơ bản chính xác từng cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn sử dụng phương tiện vận tải hàng hóa. Từ kết quả điều tra, lực lượng chức năng tiếp tục rà soát, lên danh sách các phương tiện vi phạm thay đổi kích thước thành thùng để tổ chức tuyên truyền, vận động tự tháo dỡ, trả về nguyên trạng. Đối với những trường hợp không chấp hành, Công an các phường báo cáo về Công an quận để triển khai phối hợp với Phòng CSGT - CATP Hà Nội xử lý. Ngoài ra, Đội Cảnh sát GT-TT cũng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ chiến sĩ Công an các phường cách nhận biết về phương tiện thay đổi kích thước thùng xe so với đăng ký đã được phê duyệt để rà soát, không để sót lọt bất cứ trường hợp vi phạm nào. “Mục đích của chúng tôi không phải là đẩy hết trách nhiệm cho Công an phường mà là nhằm huy động toàn lực lượng cùng vào cuộc. Tôi cho rằng nếu Công an các xã, phường làm tốt thì cấp quận, huyện, thị xã sẽ làm tốt và như vậy chắc chắn toàn thành phố sẽ làm tốt, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông” - Đại úy Nguyễn Văn Kiệt nhìn nhận.

Quá nhiều vụ tai nạn giao thông trước đó đã xảy ra trên địa bàn cả nước từ những chiếc xe “hổ vồ” vi phạm, cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt, mạnh tay của lực lượng chức năng. Song, đằng sau những cố gắng không mệt mỏi của công an các cấp, rõ ràng rất cần sự ủng hộ chấp hành của các doanh nghiệp vận tải, lái xe, chủ phương tiện.

Trong số hơn 2 tỷ đồng tiền phạt vi phạm hành chính của đợt cao điểm, nhiều trường hợp vi phạm được lập biên bản với thẩm quyền ra quyết định xử phạt của cấp ủy ban huyện, thành phố. 100% phương tiện chở quá tải, cơi nới thành thùng, thay vì chỉ dừng ở lái xe, cả chủ xe đã bị xác định liên đới lỗi và bị xử phạt. Chúng tôi xác định phải làm thật chặt, thật chắc để xây dựng ý thức chấp hành đối với lái xe và chủ phương tiện”

Thượng tá Phạm Văn Hậu (Trưởng Công an huyện Gia Lâm)

(Còn tiếp)