Công an chính quy về xã - Vững vàng thế trận an ninh trong lòng dân (4): Bắt nhịp và vượt khó

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đến thời điểm này, hơn 2.500 cán bộ, chiến sỹ từ các phòng, quận, huyện thuộc CATP Hà Nội đã về nhận nhiệm vụ tại gần 400 xã, thị trấn trên toàn thành phố. Tập tục địa phương mới lạ, biên chế mỏng, khối lượng công việc và áp lực lớn, nhưng các chiến sỹ đã và đang nỗ lực bắt nhịp công việc mới, vượt mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Liên địa bàn, tăng sức mạnh

Địa bàn rộng, nhiều nơi dân số của xã còn đông hơn phường và công việc thì vô cùng bề bộn, thế nhưng để có được đủ biên chế cán bộ, chiến sỹ như các đơn vị Công an phường là thực tế bất khả thi với Công an xã. Vấn đề này được Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP Hà Nội nhận thức rõ và luôn chủ động tìm cách khắc phục. Trong “gói” chủ trương, giải pháp để lực lượng Công an xã có điều kiện đảm bảo nhất thực thi hiệu quả nhiệm vụ, ngày 28-2-2022, Giám đốc CATP Hà Nội đã ký ban hành Quyết định và Quy chế hoạt động của Cụm Công an xã, thị trấn về đảm bảo ANTT. Có thể khẳng định, Quy chế không chỉ thể hiện sự chủ động của CATP mà còn mang tính sáng tạo cũng như chia sẻ những vất vả, khó khăn của đội ngũ công an cấp cơ sở.

Lực lượng Công an xã đến nhà người cao tuổi làm thủ tục cấp Căn cước công dân gắn chíp

Lực lượng Công an xã đến nhà người cao tuổi làm thủ tục cấp Căn cước công dân gắn chíp

Theo đó, mỗi Cụm có từ 3 đến 5 Công an xã, thị trấn giáp ranh và từng Cụm đều xây dựng quy chế hoạt động bám sát quy chế khung do CATP ban hành. Mục tiêu xây dựng, triển khai mô hình Cụm nhằm tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ trong công tác bảo đảm ANTT giữa công an các xã, thị trấn giáp ranh. Huy động, sử dụng hiệu quả lực lượng, phương tiện sẵn có của Công an xã, thị trấn theo phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý tập trung, thống nhất của Công an huyện, thị xã với tổ chức, hoạt động của Công an xã.

Các xã Ngọc Hồi - Liên Ninh - Đại Áng - Vĩnh Quỳnh là 1 trong 5 Cụm liên kết xã, thị trấn của CAH Thanh Trì. Cảm nhận rõ về tính hiệu quả của sức mạnh liên kết, Thiếu tá Trần Bá Thụ - Trưởng Công an xã Ngọc Hồi nhớ lại, hôm ấy là buổi sáng đầu phiên làm việc, điện thoại của Công an xã Ngọc Hồi đổ dồn. Từ đầu dây bên kia, Công an xã Vĩnh Quỳnh thông báo, trước đó khoảng 1 giờ trên địa bàn Vĩnh Quỳnh có xảy ra 1 vụ mất trộm chiếc xe máy Yamaha Nouvo BKS: 30M8-0011. Nhân chứng và hình ảnh camera an ninh cho thấy đối tượng gây án trong độ tuổi trung niên, dáng người dong dỏng đã mất hút sang hướng Ngọc Hồi.

Ngay lập tức, tin báo về kẻ gian đồng loạt được chia sẻ ở các địa bàn Liên Ninh, Đại Áng và tất cả cùng hình thành thế trận rà soát hiệp đồng. Các mũi truy kích khoanh hẹp dần, khi rà đến khu vực đội 3, thôn Lạc Thị thì Công an xã Ngọc Hồi phát hiện chiếc xe máy được dựng ở ven đường. Đối tượng liên quan nhanh chóng được tìm thấy là Đinh Công Hải (SN 1969, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Qua đấu tranh, kẻ có tới 6 tiền án, 2 tiền sự này phải khai nhận là thủ phạm lấy trộm chiếc xe.

Tháng 7-2022, CATP Hà Nội đã xây dựng, vận hành hơn 100 Cụm liên kết ANTT các xã, thị trấn. Thượng tá Phạm Văn Hậu - Trưởng CAH Gia Lâm cho biết, từ chỉ đạo của CATP, đơn vị đã xây dựng các Cụm liên kết xã, thị trấn giáp ranh về địa giới hành chính và tương đồng về đặc điểm tuyến, địa bàn, dân cư, đối tượng.

Chỉ ước 1 ngày có… 88 tiếng làm việc

“Đã 2 năm nay tôi chỉ mong 1 ngày làm việc không chỉ có 8 tiếng mà có tới… 88 tiếng. Rất nhiều việc, rất nhiều áp lực. Dĩ nhiên anh em cũng mệt mỏi chứ có phải là máy móc, sắt đá đâu. Nhưng quan trọng là làm thế nào để có sự thấu hiểu, động viên và chia sẻ. Đôi khi một câu hỏi thăm, một cái vỗ vai an ủi cũng khiến cán bộ dù mệt vẫn sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”.

Trung tá Trương Thị Liễu - Phó trưởng Công an xã Thanh Liệt (Thanh Trì)

Yêu cầu mà Ban Chỉ huy CAH đặt ra là từng đơn vị trong Cụm phải hết sức chủ động về các giải pháp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, đẩy mạnh tính liên kết trong phối hợp trao đổi, xử lý thông tin trên tinh thần việc của bất kỳ thành viên nào trong Cụm cũng chính là nhiệm vụ của mình. Mỗi Cụm liên kết căn cứ đặc thù để xây dựng phương án, nội dung, kế hoạch phù hợp, nhưng mấu chốt là vừa tăng cường công tác nghiệp vụ công an, vừa chú trọng phát huy phòng ngừa xã hội, đẩy mạnh sự tham gia của người dân trong đấu tranh, phòng chống tội phạm. Khi thực hiện tốt những yêu cầu đặt ra ở từng Cụm thì bài toán biên chế đã được hóa giải phần nào.

Khó khăn rèn bản lĩnh

Hơn 3 năm trở lại đây là quãng thời gian đủ để thử thách, đánh giá trình độ, bản lĩnh và cả sự cống hiến của lực lượng công an cơ sở. Trong bối cảnh Hà Nội trải qua các giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, rồi trở lại “nhịp sống bình thường mới” và nay là “từng bước hồi phục”, Công an xã vẫn luôn đảm đương khối lượng công việc lớn và mới mẻ với yêu cầu cao về chất lượng và tốc độ.

Phiên tuần tra đêm của Cụm liên kết giáp ranh: Ninh Hiệp, Dương Hà, Phù Đổng, Trung Mầu (huyện Gia Lâm)

Phiên tuần tra đêm của Cụm liên kết giáp ranh: Ninh Hiệp, Dương Hà, Phù Đổng, Trung Mầu (huyện Gia Lâm)

Cụ thể, một số việc quan trọng đã và đang chiếm trọn thời gian của công an cấp cơ sở hiện nay là: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân; Cấp mã định danh công dân điện tử; Cấp đăng ký mô tô, xe máy; Triển khai quy định tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Tiếp nhận, xử lý các vụ việc về ANTT trên địa bàn; Triển khai quy định phân cấp tạm thời công tác PCCC và CNCH…

“Bên cạnh những nhiệm vụ mang tính truyền thống thì vấn đề đặt ra ở những phần việc, công việc mới của Công an xã hiện nay là luôn phải có sự học hỏi, trau dồi, và thực sự sâu sát công việc” - Đại úy Nguyễn Ngọc Linh, Phó trưởng Công an xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm nhìn nhận. Đơn cử như công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố; tiếp nhận, xử lý các vụ việc về ANTT trên địa bàn. Mục tiêu của công tác này là san sẻ khối lượng công việc cho công an cấp huyện, đồng thời nâng cao trách nhiệm của công an cơ sở, nhất là phát hiện, giải quyết sớm, dứt điểm vụ việc có dấu hiệu phức tạp ngay từ ban đầu.

Để thực hiện tốt những mục tiêu ấy, Phó Trưởng Công an xã Ninh Hiệp cho rằng, đòi hỏi trước tiên là tinh thần trách nhiệm và trình độ nghiệp vụ của các cán bộ tiếp nhận và xử lý thông tin. Cấp cơ sở có thời gian dài hơn trước kia để đánh giá, giải quyết một tin báo, sự việc. Nhưng nếu quá trình đánh giá, giải quyết và báo cáo không tốt thì không chỉ khiến sự việc phức tạp hơn mà tính trách nhiệm của công an cơ sở sẽ phải bị xem xét.

Theo chỉ huy Văn phòng Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội, thời gian qua Công an các xã đã tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác trực ban tiếp dân, tiếp nhận và giải quyết tin báo tố giác tội phạm và các tin báo liên quan đến tình hình ANTT địa bàn. Từ tháng 4-2020 đến nay, Công an xã đã tiếp nhận, giải quyết trên dưới 5.000 tin báo, tố giác về tội phạm, tăng hàng chục % so với cùng kỳ. Một trong những kết quả tích cực, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của Công an xã thời gian qua là thu thập trên hàng triệu phiếu dữ liệu dân cư, tiến hành nhập, chỉnh sửa theo tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống” đạt 100%.

“Công an xã trên địa bàn thành phố đã nắm chắc tình hình nhân, hộ khẩu trên địa bàn; phối hợp kiểm tra nhân hộ khẩu tại các khu vực tập trung nhiều người lao động; tiếp nhận, làm thủ tục đăng ký cư trú và xác nhận giấy tờ đi lại khác đảm bảo đúng quy trình, nhanh chóng, thuận tiện cho nhân dân…” - đó là đúc kết ngắn gọn trong vô vàn những phần việc có tên và không tên của Công an xã - lực lượng tiên phong, sẵn sàng đối diện và vượt qua mọi khó khăn, vì nhân dân phục vụ.

(Còn nữa)

Bài cuối: Trọn vẹn nhiệm vụ “xã bám cơ sở”