Công an chính quy về xã - Vững vàng thế trận an ninh trong lòng dân (2): Không đơn giản là “phép” điều chuyển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
ANTD.VN - Theo đánh giá của Bộ Công an, Hà Nội là một trong những địa phương gương mẫu, đi đầu và hoàn thành sớm nhất chủ trương đưa Công an chính quy về xã. Điều đáng ghi nhận là trước thời điểm Nghị quyết số 22, Nghị quyết số 18 và Đề án 106 được triển khai, từ tháng 11-2017, CATP Hà Nội đã xây dựng Đề án 03 “Bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã trên địa bàn TP Hà Nội”.

Xuyên suốt trong chỉ đạo của Đảng ủy CATP đó là: đưa Công an chính quy về xã không đơn giản là “phép” điều chuyển. Chủ trương phải thông; phương pháp phải khoa học; quyết định phải công tâm; nhận thức phải rõ ràng; thực hiện nhiệm vụ phải trách nhiệm. Có như vậy mới hình thành được thế trận an ninh từ cơ sở, trong lòng dân và vì nhân dân.

Một giai đoạn lịch sử…

Đại tá Nguyễn Viết Chuẩn - nguyên Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ CATP Hà Nội nhìn nhận: Tính cấp thiết của việc bố trí Công an xã chính quy là không thể phủ nhận, nhất là trong bối cảnh tình hình hiện nay so với thời điểm nhiều năm trước. Thực tiễn cho thấy, không chỉ riêng những yêu cầu quyết liệt về công tác quản lý Nhà nước; mà tình hình an ninh, trật tự khu vực nông thôn ngày càng diễn biến, tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Nếu không có sự chủ động phòng ngừa, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn ngay từ cơ sở sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội lắng nghe ý kiến của người dân huyện Mỹ Đức (Hà Nội) về công tác đảm bảo an ninh, trật tự

Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội lắng nghe ý kiến của người dân huyện Mỹ Đức (Hà Nội) về công tác đảm bảo an ninh, trật tự

Theo Phòng Tổ chức cán bộ - CATP Hà Nội, trước thời điểm tháng 11-2017, địa bàn TP Hà Nội có 386 xã và 5 thị trấn chưa bố trí lực lượng Công an chính quy. Trong số này, có đến gần 250 xã, thị trấn được xác định trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự. Định lượng “khung” thì thời điểm ấy toàn thành phố cần trên 7.000 Công an xã, nhưng thực tế luôn thiếu gần 600. Tuy có nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, nhưng nhiều đồng chí Công an xã bán chuyên trách không chỉ bị “bó” về những mối quan hệ làng xã, về cuộc sống mưu sinh, mà cả trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Chủ yếu các đồng chí Công an viên mới được tham gia các lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ định kỳ hàng năm. Chiếm tỷ lệ không nhỏ các đồng chí Công an viên ở trình độ Tiểu học, THCS…

Khảo sát của CATP cho thấy, hầu hết các xã, thị trấn chưa bố trí trụ sở Công an xã theo quy định của Pháp lệnh Công an xã. Thêm vào đó, Công an xã thuộc hệ thống tổ chức CAND; nhưng việc tuyển chọn, sử dụng, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, thực hiện chế độ chính sách… lại thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện. Vì vậy, việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của lực lượng CAND đối với Công an xã còn gặp nhiều khó khăn, bất cập…

Nhìn lại những vấn đề nêu trên không phải để phủ nhận vai trò quan trọng của lực lượng Công an xã bán chuyên trách. Vấn đề ở đây là tính thời điểm, là yêu cầu, nhiệm vụ hết sức nặng nề về đảm bảo an ninh, trật tự đối với cấp cơ sở đặt ra trong bối cảnh, tình hình mới; đòi hỏi sự chuyên nghiệp, chính quy. Chính vì vậy, trước khi triển khai thí điểm đưa Công an chính quy về xã, CATP Hà Nội đã trao đổi, lắng nghe quan điểm của cấp ủy, chính quyền các cấp. Kết quả cho thấy, có 340/391 xã, thị trấn đồng tình; 16/18 Thường trực Huyện ủy, Thị ủy thống nhất 100% chủ trương.

Xây nền tảng vững chắc

Đến thời điểm này, đã hơn 2 năm CATP Hà Nội hoàn tất chủ trương đưa Công an chính quy về xã. Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội chia sẻ: trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an bố trí Công an xã chính quy là hết sức đúng đắn và cấp thiết trong bối cảnh tình hình an ninh, trật tự hiện nay.

Hà Nội được đánh giá là một trong các địa phương có số lượng xã lớn trong cả nước, và đã gương mẫu, đi đầu trong việc bố trí Công an xã chính quy. Điều này đòi hỏi công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ Đảng ủy CATP phải tập trung, thống nhất, quyết liệt, bài bản, với mục tiêu xuyên suốt là phải phát huy hiệu lực, hiệu quả của Công an xã chính quy. Mục tiêu đó được thể hiện trên các phương diện lớn. Trước hết, phải quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, quan điểm, chỉ đạo của Đảng ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an về xây dựng Công an xã chính quy gắn với đảm bảo an ninh, trật tự “từ sớm, từ xa, từ cơ sở, ngay từ khu dân cư”; “Công an gần dân, sát dân, đâu cần Công an có, đâu khó có Công an”; có sự linh hoạt, sáng tạo phù hợp với đặc điểm, tình hình của TP Hà Nội để đạt được kết quả tốt nhất, tác dụng tốt nhất của việc bố trí Công an xã chính quy.

Vấn đề thứ hai, đó là phát huy tối đa đội ngũ cán bộ có sẵn, bố trí, sử dụng một cách hiệu quả nhất đội ngũ cán bộ, biên chế Công an xã chính quy; tăng cường sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trong và ngoài CATP, vừa phát huy nội lực, vừa tích cực, chủ động huy động sự hỗ trợ của UBND các cấp, mở rộng các nguồn kinh phí, đầu tư cơ sở, vật chất, kỹ thuật, phương tiện cho Công an xã chính quy.

Vấn đề quan trọng khác, là hoàn thiện các thể chế, củng cố và tăng cường vị trí pháp lý của Công an xã chính quy; chuẩn hóa các mặt công tác của Công an xã.

CATP cũng đã tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận lãnh đạo, chỉ đạo việc bố trí Công an xã chính quy; đồng thời giao Công an các huyện, thị xã tích cực tham mưu huyện ủy, thị ủy quan tâm chỉ đạo sát sao, qua đó huy động cả hệ thống chính trị các cấp của thành phố vào cuộc.

Tại Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ CATP Hà Nội có riêng một Chương trình nghị sự thảo luận về phương hướng, nhiệm vụ giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả bố trí Công an xã chính quy. Trên cơ sở đó, Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ CATP lần thứ 28 và Chương trình hành động xác định xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả Công an xã chính quy là một nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của CATP của cả nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, thành công bước đầu của Công an Hà Nội trong thực hiện chủ trương đưa Công an chính quy về đảm nhiệm chức danh Công an xã, đó là luôn chú trọng, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, xác định rõ sự cần thiết, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bố trí và các hoạt động của Công an xã chính quy, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và tạo sự đồng thuận, ủng hộ hộ cao của chính quyền cơ sở và nhân dân.

Gần 400 Công an xã, thị trấn của Hà Nội, đến thời điểm này CATP đã cơ bản hoàn tất công tác rà soát, xây dựng tiêu chí, xác định tính chất, mức độ phức tạp về an ninh, trật tự ở từng địa bàn, từng lĩnh vực. Trên cơ sở đó, CATP đã ban hành khung bố trí cán bộ đối với từng Công an các xã, thị trấn; ban hành hướng dẫn việc phân công, phân nhiệm đối với cán bộ Công an xã linh hoạt kết hợp theo địa bàn và chuyên đề, lĩnh vực công tác.

Nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm và cũng để tránh lãng phí cơ cấu chỉ huy Công an xã, CATP quy định chỉ huy Công an xã trực tiếp nắm tình hình, tham gia giải quyết các vụ việc xảy ra; ban hành hướng dẫn bố trí cán bộ Công an xã thực hiện các nhiệm vụ mới được phân cấp và hướng dẫn chế độ trực ban luân phiên ở Công an xã.

“Tư tưởng thông thì việc khó mấy cũng thông”, nguyên tắc ấy được cụ thể hóa bằng việc CATP Hà Nội chỉ đạo các phòng nghiệp vụ thực hiện tốt chế độ, chính sách, chia sẻ khó khăn, thi đua, khen thưởng nhằm động viên, khích lệ, tạo động lực để cán bộ Công an xã yên tâm công tác, cống hiến. Đặc biệt, CATP đã ban hành Kế hoạch và tiến hành sắp xếp, bố trí lại đảm bảo hợp lý về khoảng cách từ nhà ở đến trụ sở cơ quan đối với cán bộ Công an xã...

Cơ hội để bồi dưỡng trình độ, thể hiện tinh thần gắn bó máu thịt với nhân dân

Đề án 106 và Nghị định số 01 ngày 6-8-2018 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, đã đánh dấu bước tiến cực kỳ quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Công an về tinh giản bộ máy của lực lượng CAND. Qua theo dõi có thể thấy, Công an Hà Nội đã triển khai rất bài bản, khoa học và nhân văn chủ trương đưa Công an chính quy về xã. Bộ và từng địa phương đang và sẽ có sự đánh giá, tổng kết, song tôi cho rằng quan trọng nhất là mỗi cán bộ, chiến sĩ về cơ sở phải luôn nỗ lực tự hoàn thiện mình. Về xã là cơ hội lớn để bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ nghiệp vụ, và cũng để khẳng địnhh sự gắn bó máu thịt của người chiến sĩ Công an với nhân dân, “việc gì dân cần, dân khó, có Công an”.

(Trung tướng - Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Anh, thành viên Ban Nghiên cứu chuyên đề giúp việc Bộ trưởng Bộ Công an)

(Còn tiếp)

Bài 3: Gắn kết địa bàn, giữ gìn bình yên thôn xóm