Con gái không phải là gánh nặng

ANTĐ - Bế đứa trẻ mới sinh đỏ hỏn trên tay, chị Rathinam cắm đầu bỏ chạy, vừa sợ vừa vui mừng, chỉ chậm một tích tắc nữa thôi, bé gái này có lẽ đã phải uống thứ nước độc được nghiền từ lá cây trúc đào thay vì những giọt sữa. Bởi gia đình bé không mong muốn sự có mặt của em trên đời này.

Để không còn những cái chết oan uổng

Chị Rathinam ngồi bên bờ ruộng cánh đồng làng Kaluthu (bang Tamil Nadu, Ấn Độ) nhớ lại chuyện lần đầu tiên chị cứu sống một đứa trẻ. Lúc ấy chị mới 22 tuổi. Đó là một buổi sớm ngày chủ nhật cách đây 17 năm, hay tin một gia đình trong làng sắp sinh con, Rathinam vội vàng tới. Chị tới nơi cũng là lúc gia đình đó đang chuẩn bị cho đứa con mới sinh của họ uống thứ nước độc được nghiền từ lá cây trúc đào. Cùng với hai người khác trong nhóm, Rathinam cố gắng thuyết phục bà đỡ giao đứa trẻ cho mình. “Chúng tôi vội vàng đỡ lấy đứa trẻ, 10 phút sau khi sinh, người vẫn còn dính đầy máu và dây rốn quấn quanh cổ rồi cắm đầu bỏ chạy” - Rathinam kể. Trên đường, 3 “nhân viên cứu hộ” đã mua sữa tại một quán nước cho đứa trẻ uống. “Đứa bé say sưa uống từng thìa sữa, nếu chậm chút nữa thôi, nó chắc đã uống phải thứ chất độc chết người kia”.

Khu vực nông thôn ở bang miền nam Tamil Nadu của Ấn Độ “nổi tiếng” về một hủ tục ghê người, giết những đứa trẻ ngay từ khi mới sinh ra khi đó là bé gái, không như mong muốn. Thường các ca sinh nở do các 

“bà đỡ vườn” thực hiện, và chính họ lại là người “xóa sổ” những bé gái mới sinh vì không đúng với mong muốn của gia đình. Và việc này được thực hiện khá công khai. Điều này đã thôi thúc bà Valli Annamalai, người đứng đầu dự án phúc lợi “Bà mẹ và trẻ em” phải quyết tâm làm một điều gì đó. Dự án này là một sáng kiến của Hội đồng phi chính phủ về phúc lợi trẻ em của bang Tamil Nadu.

Thống kê của hội đồng trên cho thấy, chỉ trong năm 1990, ở vùng này đã có khoảng 200 trường hợp trẻ sơ sinh tử vong một cách “khó giải thích”, tất cả đều là bé gái. “Trong khu vực này, các bé gái bị xem là một gánh nặng, là “nợ đời” bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ”- bà Valli Annamalai nhớ lại trong chuyến thăm gần đây tới một trung tâm hội đồng địa phương ở làng Pannaipatti. “Và tôi nhận ra rằng, giúp phụ nữ phát triển kinh tế là cách duy nhất để chấm dứt bạo lực, phân biệt đối xử và nhận thức đúng đắn”.

Bắt tay vào hành động, chứng kiến những trường hợp cụ thể, bà Valli Annamalai thấy, có một cách để “giải phóng” phụ nữ là phải giúp đỡ họ chăm sóc những đứa con để họ có thời gian làm việc. Phụ nữ là nhân lực chính lao động chân tay cực nhọc trong gia đình và ngoài cánh đồng. Và những trung tâm chăm nuôi trẻ ra đời.

Những “chiếc nôi đặc biệt”

Một buổi trưa ngoài trời nóng như đổ lửa, trong một căn phòng râm mát ở trung tâm Pannaipatti, 22 trẻ em từ 1 đến 3 tuổi được một giáo viên và phụ tá chăm sóc. Những giáo viên này sẽ nhận và chăm sóc trẻ từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều hàng ngày, 6 ngày trong tuần, họ cùng chơi với lũ trẻ, dạy chúng hát, kể chuyện và cho ăn bữa trưa đầy đủ rau, thịt. Những người phụ nữ sau khi mang con đến gửi, quay về làm việc và đến chiều tới đón con.

Pannaipatti là một trong 3 trung tâm chăm sóc trẻ được  mở đầu tiên ở khu vực này từ năm 1988. Có lúc, có tới 14 trung tâm với hơn 350 trẻ được chăm sóc. Bà Annamalai, 62 tuổi, nhớ lại, phải mất một thời gian dài mới lấy được lòng tin của những phụ nữ, để  họ yên tâm gửi con. Cùng với đó, các nhân viên hội đồng cũng giúp phụ nữ tham gia các nhóm tự lực, giúp họ những khoản vay để mở rộng chăn nuôi, phát triển kinh tế. 

“Nếu sinh con gái đầu lòng, đứa trẻ thường không được phép sống” - cô Pramil Kumar, 48 tuổi, nhân viên hội đồng ở Usilampatti nói. “Tuy nhiên, những bé gái tiếp theo vẫn có nguy cơ bị đe dọa, do vậy, chúng tôi sẽ phải theo dõi tất cả các phụ nữ mang thai lần thứ hai và thứ ba, vì những trường hợp đó có nguy cơ cao hơn”. Trong quá trình hoạt động tư vấn, khuyên nhủ các bậc cha mẹ giữ lại con khi sinh con gái, hội đồng đã mở chiến dịch “đặt nôi”. Chiếc nôi được đặt ở cửa trung tâm hội đồng để những gia đình muốn bỏ con sẽ đặt vào đó thay vì giết hại đứa trẻ. Tổng cộng có 146 trẻ sơ sinh, tất cả đều là gái, đã được đặt vào chiếc nôi này từ năm 1991-1999.

Khi có đứa trẻ được đặt vào nôi, các nhân viên y tế phải có mặt ngay lập tức để sơ cứu và trong trường hợp khẩn cấp, phải  lập tức đưa tới bệnh viện thành phố Madurai gần đó. Những đứa trẻ bị bỏ lại thường bị nhiễm trùng từ vết cắt cuống rốn do được cắt bằng dụng cụ thô sơ, không đảm bảo vệ sinh.

Thay đổi rõ rệt

Bên ngoài một ngôi nhà gần trung tâm Pannaipatti, anh Mockapillai, 47 tuổi, một công nhân xây dựng, có một con gái và hai cháu gái, kết luận về những thay đổi thấy rõ ở nơi này: “Chúng tôi đã từng nghĩ rằng, nếu giết một bé giái, chúng tôi chỉ khóc trong 1 ngày, nhưng nếu đứa trẻ đó sống, chúng tôi sẽ phải khóc trong tất cả những ngày còn lại. Nhưng giờ đây, nhiều trẻ em gái đã được học tập, làm việc và thái độ của chúng tôi đã hoàn toàn thay đổi”.

Phụ nữ ở Usilampatti giờ đã được tôn trọng hơn. “Con trai tôi mỗi khi cần tiền đóng học lại đến xin tiền tôi chứ không phải cha nó” - chị Bharathi, 40 tuổi, ở Poochipatti - “Tôi là người đưa ra quyết định cho gia đình và không ai tỏ thái độ khinh khi tôi nữa”.

Bà Valli Annmailai cho biết, trong hơn một chục năm qua, không có trường hợp trẻ sơ sinh nào tử vong hay bị bỏ rơi trong khu vực. Cũng trong hơn 10 năm qua, khoảng 1.000 cô gái trong khu vực này đã hoàn thành chương trình trung học với sự trợ giúp của các hiệp hội.  Năm ngoái, 16 cô gái được đào tạo y tá, và 19 cô được học may và thiết kế. Ngược lại, rất nhiều nam thiếu niên mới 14 tuổi đã dính vào rượu và ma túy. “Có lẽ, giờ là lúc phải tập trung vào các cậu bé chứ không phải chỉ các bé gái” - bà Annamalai nói.