Cơn ác mộng lạm phát của Mỹ tiếp tục tồi tệ hơn

ANTD.VN - Những số liệu thống kê chỉ ra thực tế là nước Mỹ đang phải đối diện cơn ác mộng lạm phát tồi tệ nhất trong nhiều năm.

Cơn ác mộng lạm phát của Mỹ gia tăng trở lại vào tháng 3/2022, cao nhất kể từ năm 1983 và tiếp tục trở nên tồi tệ hơn. Thước đo của Cục Dự trữ Liên bang cho thấy chỉ số đã tăng 5,4% trong tháng 3, sau khi tăng 6,4% vào tháng 2.

Hôm 31/3, Bộ Thương mại Mỹ tiết lộ lạm phát đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1983, đánh dấu kỷ lục trong 40 năm. Chỉ số giá chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân đã tăng 5,4% trong tháng 3 và chỉ thấp hơn một chút so với ước tính của Dow Jones là 5,5%, nghĩa là giá tiếp tục tăng.

Chi tiêu của người tiêu dùng chỉ tăng 0,2% trong tháng 3, thấp hơn ước tính 0,5%, trong khi thu nhập khả dụng tăng 0,4% - thấp hơn dự đoán 0,5%. Thu nhập khả dụng thực tế cũng giảm 0,2%.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng nhẹ vào tuần cuối cùng của tháng 3. Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đạt 202 nghìn trong tuần kết thúc vào ngày 26/3, tăng 14 nghìn so với tuần trước và hơn 7 nghìn so với ước tính 195 nghìn.

Tuy nhiên yêu cầu trợ cấp đã giảm 1,3 triệu, có nghĩa là người Mỹ sẽ quay trở lại làm việc với số lượng lớn sau khi các gói phúc lợi và kích thích kinh tế hậu COVID-19 hết hạn, nhưng điều này có thể dẫn đến mức lương thấp hơn do các nhà tuyển dụng không còn nhu cầu cạnh tranh.

Chỉ số giá chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân theo dõi chi phí của các khoản chi thường xuyên, ngoài thực phẩm và năng lượng - còn được gọi là chỉ số PCE - đo lường mức giá mà mọi người Mỹ phải trả cho hàng hóa và dịch vụ.

Thực phẩm và năng lượng không nằm ngoài thước đo giá này do hai mặt hàng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác nhau và bằng cách loại trừ chúng, bạn sẽ dễ dàng thấy được xu hướng lạm phát chính xác hơn.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chi phí thực phẩm và lạm phát cũng không tăng. Bất chấp áp lực lạm phát, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã tăng nhẹ trong tháng 3 - có thể là do tăng trưởng việc làm.

Chỉ số niềm tin tiêu dùng do công ty Conference Board khảo sát đã tăng lên 107,2 từ mức 105,7 vào tháng 2, nó phù hợp với kỳ vọng từ một cuộc khảo sát của Bloomberg với các nhà kinh tế, những người dự đoán nó sẽ đạt mức 107 trong tháng này.

Ông Lynn Franco - Giám đốc cấp cao về chỉ số kinh tế tại Conference Board đã mô tả niềm tin của người tiêu dùng tăng lên như thế nào trong tháng 3 sau khi suy giảm vào tháng 1 và tháng 2.

“Chỉ số hiện tại tăng đáng kể, cho thấy tăng trưởng kinh tế tiếp tục vào cuối quý 1. Mặt khác, kỳ vọng càng yếu đi khi người tiêu dùng cho rằng giá cả tăng, đặc biệt là giá xăng dầu và chiến tranh ở Ukraine là một trong những yếu tố".

"Trong khi đó, ý định mua các mặt hàng có giá trị lớn như ô tô đã giảm bớt phần nào trong vài tháng qua do kỳ vọng về lãi suất đã tăng lên”, ông Franco cho biết.

Ông Franco nói thêm, niềm tin của người tiêu dùng đã được duy trì tốt một cách đáng ngạc nhiên trước những bất ổn địa chính trị và dự đoán rằng lạm phát sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 7,9% vào cuối năm nay.

Tuy nhiên niềm tin của người tiêu dùng tăng lên không nhất thiết đồng nghĩa với việc tăng doanh số bán hàng, như chuyên gia Franco giải thích, sự không chắc chắn của thị trường có thể “hạ nhiệt chi tiêu trong những tháng tới”.