Có một Hà Nội mãi neo trong tâm tưởng

ANTD.VN - “Em ơi! Hà Nội phố” là một bài thơ mà tôi đã nghe nhiều người đọc. Hà Nội ở mỗi giọng đọc ấy trung thành đến đâu với Hà Nội của tác giả Phan Vũ, khi mà dường như mỗi câu thơ đã làm công việc huyền thoại hóa một không gian…

Khi được Từ Hồng Sơn đưa đến gặp Phan Vũ, tôi bất ngờ vì ông trẻ hơn nhiều so với hình dung. Giọng nói nam tính của ông gợi về một giọng Hà Nội của những người thế hệ trước mà tôi còn nhớ được. Vang, rõ và nhấn nhá trang trọng ở những phụ âm đòi hỏi một chút tinh tế phân biệt, không bị mắc tật nói nhanh của thế hệ sinh ra cuối những năm sáu mươi và bảy mươi. Khi Phan Vũ đọc thơ, ở ông có một sự tĩnh tại, không lạm dụng ngôn ngữ hình thể, không cường điệu, không vung tay, không chớp mắt, không làm điệu bộ cảm xúc. Thư thả và từ tốn như đang kể chuyện.

LTS: Rất nhiều người biết “Em ơi Hà Nội phố”, một trong những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Phú Quang. Song rất ít người biết rằng, ca khúc ấy được tạo nên bởi những vần thơ tuyệt vời trong trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” của nhà thơ Phan Vũ. Hôm nay, 4-3, tập thơ cùng tên của Phan Vũ sẽ chính thức ra mắt bạn đọc tại Petite Note Coffee, số 351/4 Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM.  

Sở dĩ tôi bận tâm đến giọng nói và cách đọc thơ của tác giả là vì tôi luôn tin rằng chúng phản ánh độ chân thực của con người làm thơ hơn bất cứ cách thể hiện nào. Một vài người bạn trong chúng tôi đã có dự định tổ chức một cuộc đọc mà mỗi người sẽ đọc một khổ, nghĩa là sẽ có 23 người đọc. Và cuộc đọc nên diễn ra tại Hà Nội. Bài thơ nhiều người đọc ấy là sự chia sẻ tập thể về một sự hình dung về Hà Nội. Tất nhiên Hà Nội trên thực tế vẫn còn đó, dù phố xưa nhà cũ có biến đổi, và có phim ảnh làm bằng chứng đủ minh họa hay tái hiện, thậm chí phục dựng. Nhưng còn một Hà Nội quá vãng, cái giọng sâu thẳm trong mỗi người, phải nhờ đến thơ. 

Bài thơ trường thiên của Phan Vũ gợi ra ở mỗi người một giọng đọc, và rồi dẫn dắt hình dung về một Hà Nội với những chi tiết nhỏ bé, có “cánh cửa sắt lâu ngày không mở, nhà ai qua đó nao nao nhớ tuổi học trò”, chẳng hạn thế, tham gia vào sự tưởng tượng về một không gian đã nhiều điều nay thành lạ. Tất nhiên cùng với bài hát đã được Phú Quang phổ từ vài đoạn trong bài thơ khiến cho “Em ơi! Hà Nội phố” trở nên phổ biến (thậm chí ăn khách), và một ký ức tập thể của nhiều triệu người nhớ về Hà Nội, chúng ta có một Hà Nội trong tâm tưởng mãi neo trong óc. Bài thơ đã làm chúng ta tin, bởi giọng riêng mà sức cộng hưởng rộng lớn.

Điều khiến tôi yêu thích bài thơ là Phan Vũ tìm được một cách ngắt dòng để người đọc có thời gian để nhấm nháp vị ngọt hậu của những chữ rời, tựa như những ngụm nước chè mạn quen thuộc của Hà Nội trong những quán đêm “khuya phố mênh mông, vùng sáng nhỏ”. 

Em ơi! Hà Nội - phố! 

Ta còn em con đê lộng gió

Dòng sông chảy mang hình phố

Cô gái dựa lưng bên gốc me già

Ngọn đèn đường lặng thinh

Soi bờ đá... 

Cuối mỗi đoạn là một chữ buông. Như một nốt nhạc búng trên dây ghita rất nhẹ, phiêu lãng, vời vợi, không phải nốt ngân dựng vòm dựng cột của những khúc khải hoàn. Nó gợi một không gian đời thường Hà Nội, cho dù có nhiều đoạn viết về chiến tranh, bom đạn, và thực tế là bài thơ khởi viết sau khi Hà Nội chịu trận ném bom của không quân Mỹ 12 ngày đêm cuối tháng Chạp 1972. 

Có một Hà Nội mãi neo trong tâm tưởng ảnh 2Nhà thơ Phan Vũ

Tôi nhớ một bài hát nổi tiếng cũng viết ngay sau thời điểm này, “Hà Nội niềm tin và hy vọng” của Phan Nhân. Mặc dù bài hát có nội dung ngợi ca đầy hào khí sử thi, nhưng đến giờ khi chiến tranh đã lùi xa hơn bốn thập niên, điều đọng lại là chất trữ tình trong giọng của bài hát. Quá khứ đã phai nhạt, nhưng một hình dung về “mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời” còn đậm nét, bởi một cộng đồng tưởng tượng mà những sản phẩm văn hóa như “Em ơi! Hà Nội phố” đã tạo ra. Trong số đó, bài thơ của Phan Vũ dường như là trọn vẹn nhất.

Phan Vũ thuộc về thế hệ những người Việt thừa hưởng nền văn hóa - giáo dục Pháp ở thuộc địa và họ cũng tự giành lấy độc lập trong bối cảnh hệ thống thuộc địa đang tan rã. Họ cũng là người sống chung với các cuộc chiến tranh dài mấy thập niên. Trong thế giới giông bão và bạo lực ấy, Hà Nội của họ thật nhỏ bé nhưng cứng cỏi. Như một tiên cảm về lẽ được mất, cái nhìn của Phan Vũ là của người Hà Nội khi họ thực hiện quá trình giải thuộc địa, họ vừa kịp ý thức được vẻ đẹp của chính mình thì cũng là lúc họ nhận ra mình sắp đánh mất. 

Em ơi! Hà Nội - phố! 

Ta còn em đường lượn mái cong

Ngôi chùa cổ

Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương

Ai đó còn ngồi bên gốc đại?

Chợt quên vườn hồng đã ra hoa

Chợt quên bên đường ai đứng đợi

Cuộc đời có lẽ nào

Là một thoáng bâng quơ! 

Bài thơ dùng nhiều mỹ từ, ở một người sử dụng khác sẽ có thể là thành mòn, nhưng qua tay Phan Vũ, chúng có độ lấp lánh rất hấp dẫn. Chúng như những họa tiết được thêu lên tấm áo dài đẹp đẽ của người thiếu nữ Hà Nội thời xưa cũ, như những diềm mái trang trí vẫn còn hiện diện đầy kiêu hãnh trên những mặt tiền nhà phố cổ sót lại, như những dáng cây đầy ắp vẻ nên thơ bên những mặt hồ. Có chút gì huyền hoặc như sương khói, giống như một sớm mùa đông lạnh giá, đột nhiên vang lên từ môi những câu như tự nhủ, như ngóng chờ… 

Ta còn em mùi hoàng lan

Ta còn em mùi hoa sữa

Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya…

Tất cả những câu thơ miên man dài, kể bằng một giọng bàng bạc, miệt mài vẽ ra không gian của một nơi chốn có thực nhưng rồi sẽ thành phi thực. Như những chồng lớp văn hóa, “ta còn em lô xô màu ngói cũ”, những thứ đã và đang biến mất rồi được thay thế bởi lớp khác, Hà Nội của Phan Vũ là một cõi mộng mị, là chốn danh hình hội tụ, nơi những người tri âm tri kỷ tự định lấy quầng sáng ngọn đèn hò hẹn của mình. Ở phố.