Xấu hổ với câu vè "Vẽ rồng mà chơi..."

ANTD.VN - Người ta khi ở những chỗ đông đảo đồng loại chợt thấy xấu hổ với những bản năng nguyên thủy. Thế nhưng cũng có không ít người tìm thấy thú vui của việc tè bậy trên phố.

Một hành vi thiếu ý thức trên con đường gốm sứ

Vì sao người ta lại gọi là Năm cửa ô Hà Nội? Chẳng ai Hà Nội lại đặt ra câu hỏi ấy bao giờ. Cứ như mặc định rằng Hà Nội là thế! Giờ thì Hà Nội có ít nhất mười lần như thế cửa ô theo nghĩa ngày xưa chỉ những con đường vào Hà Nội. Cũng chẳng ai Hà Nội biết rằng có ngần ấy cửa ô bây giờ dẫn vào thành phố của mình. Ra, vào Hà Nội hàng ngày qua những cửa ô ấy là việc của hàng triệu người. Cả khách khứa lẫn người sống ở Hà Nội.

Có một điều tương đối lạ. Rất hiếm ai đến Hà Nội mà không để lại “dấu ấn”! Chuyện này nói ra hẳn là làm mếch lòng không ít ai đó Hà Nội. Vì lý do thứ nhất là nơi này đâu dành cho việc ấy. Thứ nữa là chê bôi ỉ eo sinh hoạt của người ngoại tỉnh hình như cũng không được đông đảo lắm đồng tình. Người thành phố về quê cũng thường dừng xe giữa đường để làm chuyện ấy đấy thôi.

Giống như mọi miền đất nước có con người sinh sống, tiểu tiện là không thể tránh. Người ta khi ở những chỗ đông đảo đồng loại chợt thấy xấu hổ với những bản năng nguyên thủy mà thôi. Thế nhưng cũng có không ít người tìm thấy thú vui của việc tè bậy trên phố. Ngày trước trẻ con còn có câu vè “Tội gì đứng đái mất công/ Vừa đi vừa đái vẽ rồng mà chơi”. 

Cũng những ngày này cả con đê sông Hồng đoạn qua thành phố chính là cái toilet dài dằng dặc. Trong phố thì có đoạn tường đá cầu dẫn Long Biên hoặc tường bao Bệnh viện C phía phố Triệu Quốc Đạt, tường bao Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo... Dù rằng trên những bức tường này thỉnh thoảng có xuất hiện dòng chữ cảnh báo “Đái bậy cắt…” kèm theo hình vẽ chiếc kéo rỏ mấy giọt máu thì tình hình vẫn không có gì thay đổi. 

Thời kỳ này Hà Nội cũng có khá nhiều nhà vệ sinh công cộng trên những con phố trung tâm. Những nhà vệ sinh công cộng lớn ở hồ Hoàn Kiếm, ở ngõ 29 Hàng Khay thông ra 13 Bà Triệu, ở đường Nam Bộ gần Cửa Nam, ở cuối đường Mai Hắc Đế... Hầu hết các chợ trong phố đều có nhà vệ sinh lớn.

Nhưng thật lạ, người ta chỉ thấy xấu hổ khi cất lời xin “đi” nhờ mà chẳng hề ngượng ngùng khi tè bậy. 

Các bến xe và ga Hàng Cỏ cũng vậy. Nhưng người đi tè bậy vẫn nhiều hơn dù rằng ngày ấy vào nhà vệ sinh công cộng chưa mất tiền như bây giờ. Thậm chí người ta còn sẵn sàng đi vòng ra đằng sau nhà vệ sinh công cộng ở hồ Hoàn Kiếm để làm một bãi cho... gần gũi với thiên nhiên. Những người sống ở Hà Nội chưa đủ lâu thì điềm nhiên vác trẻ con ra vỉa hè xi thẳng xuống rãnh nước.

Thành phố bắt đầu thực hiện việc xử phạt những người tè bậy từ độ một tháng nay rồi. Có cả camera cảnh sát làm bằng chứng. Cấm cãi. Lĩnh án phạt đầu tiên là 3 bác lái xe taxi. Mỗi bác 2 “củ”. Đã là nương tay so với quy định 3 triệu đồng của thành phố. Từ nay các bác ấy rút kinh nghiệm nếu lỡ có nhu cầu thì vào quán cà phê uống nước “đi” nhờ. Thậm chí tiết kiệm hơn có thể vào hàng tạp hóa mua chai nước khoáng rồi xin “đi” nhờ cũng được. Giá tiền này cũng chỉ bằng vào nhà vệ sinh công cộng mà thôi.

Đã có nhiều người lên mạng Internet kêu ca về việc thiếu nhà vệ sinh công cộng trong thành phố. Nhưng lại không cho biết cần bao nhiêu nhà vệ sinh công cộng thì đủ? Câu trả lời đã có sẵn, chẳng bao giờ đủ! Không thể lấy cái hữu hạn về đất đai để phục vụ cái vô hạn về nhu cầu tè bậy.

Thành phố là nơi buôn bán sầm uất. Hầu như mọi nhà mặt phố đều là cửa hàng. Và giờ đây tất cả mọi ngôi nhà phố đều đã có công trình vệ sinh. Nó sạch hay bẩn là do chủ nhà quyết định nhưng có một điều chắc chắn là chẳng ai hẹp hòi gì chuyện cho ai đó “đi” nhờ nếu như họ có nhu cầu cấp thiết. Nhưng thật lạ, người ta chỉ thấy xấu hổ khi cất lời xin “đi” nhờ mà chẳng hề ngượng ngùng khi tè bậy.

Không chỉ khách vãng lai mà ngay cả những người sống ở Hà Nội cũng có thói quen sinh hoạt này. Không chỉ người sống ở Hà Nội mà cả những chú chó cưng của họ cũng quen như vậy. Buổi sáng đi tập thể dục ở các công viên, vườn hoa thường bắt gặp hình ảnh quen thuộc cả chó lẫn ông chủ đều ghếch chân lên một gốc cây.

Xử phạt người tè bậy bằng tiền cũng chỉ là một khía cạnh nhỏ của việc này. Đã có một thời Hà Nội xuất hiện những tấm biển sắt đề “CAM DAI BAY”. Nhưng về sau người ta thấy thô thiển quá nên bỏ đi. Cuối cùng chỉ còn mỗi cách vận động người ta đề cao lòng tự trọng. Đến bây giờ vẫn thế.

Tin đọc nhiều