Cơ hội nào cho tiêm kích Su-27 Ukraine khi đối đầu Su-35 Nga?

ANTD.VN - Tiêm kích Su-27 Ukraine bị nhận xét rất khó chống cự lại Su-35 Nga nếu giữa hai quốc gia này nổ ra xung đột quân sự.

Tiêm kích Su-27 Ukraine hầu như không có nhiều thay đổi so với thời kỳ Liên Xô, trong khi Su-35 Nga chính là biến thể mới nhất của gia đình chiến đấu cơ Flanker nổi tiếng.

Tạp chí Military Watch của Mỹ đã tự hỏi lợi thế của Su-35 Nga so với Su-27 Ukraine sẽ như thế nào trong một trận không chiến giả định.

Tờ báo Mỹ nhớ lại rằng kể từ năm 2014, Ukraine đã nỗ lực tăng số lượng máy bay chiến đấu. Nhưng trong khi không quân của họ từng nằm trong số 5 lực lượng hàng đầu thế giới, thì di sản của Liên Xô đã bị lãng phí.

Nếu vào đầu những năm 1990, quy mô phi đội máy bay chiến đấu của Ukraine bao gồm hơn 1.000 chiếc thì hiện nay chỉ còn khoảng dưới 100 chiếc, trong đó đa phần đã trở nên lạc hậu.

Theo thống kê, 14 trong số đó là các biến thể máy bay ném bom tiền tuyến Su-24M cũ với khả năng không chiến rất hạn chế, trong khi số còn lại là tiêm kích MiG-29 và Su-27 cùng một vài cường kích tấm thấp Su-25.

Su-27 là tiêm kích mạnh nhất của Liên Xô vào thời điểm tan rã. Đây là một loại máy bay chiến đấu hạng nặng có tầm bay rất xa và trọng tải lớn. Tuy nhiên, Ukraine không có kinh phí để hiện đại hóa và trang bị lại nó.

Còn tại Nga, trên cơ sở đó - máy bay chiến đấu Su-35 đã được phát triển - một bản hiện đại hóa sâu của Su-27, được đưa vào trang bị từ năm 2014. Mặc dù trên thực tế, Su-35 dựa trên cùng một dạng khung thân nhưng nó có lợi thế về mọi mặt.

Khung máy bay nhẹ và chắc hơn của Su-35 là nhờ sử dụng nhiều vật liệu composite, thứ gần như chưa bao giờ được dùng trên Su-27 ban đầu.

Yếu tố này làm giảm diện tích phản xạ radar, đồng thời giúp mang nhiều nhiên liệu hơn, làm tăng tầm bay. Kết hợp với động cơ AL-41F1S có lực đẩy mạnh mẽ và khả năng kiểm soát vector, hiệu suất bay của Su-35 vẫn cao hơn nhiều so với Su-27.

Có lẽ ưu điểm đáng kể nhất của Su-35 so với Su-27 là hệ thống điện tử hàng không: loại máy bay cũ sử dụng radar lạc hậu, tương đối dễ gây nhiễu trong điều kiện hiện đại.

Trong khi đó Su-35 sử dụng radar Irbis-E với dải ăng ten phân kỳ. Phạm vi phát hiện các mục tiêu có diện tích tán xạ hiệu quả 3 mét vuông của Su-27 chỉ là 80 km, trong con số này của radar Irbis-E là 400 km.

Trạm định vị quang học của Su-35 có khả năng vượt trội so với thiết bị tương tự của Su-27, khi tầm xa là 90 km so với 50 km. Su-35 còn sử dụng được hệ thống tác chiến điện tử Khibiny-M và tích hợp khí tài điều khiển, thông tin liên lạc và truyền dữ liệu hiện đại hơn nhiều.

Do đó Military Watch đã viết rằng, Su-35 có khả năng nhận biết tình huống vượt trội hơn 50% so với những chiếc Flanker thuộc thế hệ ban đầu.

Trong không chiến, Su-35 và Su-27 sẽ chủ yếu dựa vào tên lửa R-77 và R-27, loại R-77 có đầu dẫn radar chủ động, trong khi R-27 cũ hơn sử dụng loại bán chủ động.

Thực tế là R-27 được sản xuất ở cả Ukraine và Nga, có nghĩa là ngành công nghiệp Ukraine đủ sức cải tiến thiết kế của tên lửa ở mức độ lớn hơn khả năng ban đầu khá nhiều.

Tên lửa không đối không nổi bật nhất trên Su-35 được xác định là R-37M, nó cũng có khả năng dẫn đường bằng radar chủ động và vượt trội đáng kể so với các tên lửa trên về tầm bắn, mặc dù độ cơ động không được đánh giá cao.

Ngoài động cơ tạo lực đẩy và hiệu suất bay vượt trội, tên lửa tầm ngắn dẫn đường bằng tia hồng ngoại tiên tiến mang lại cho Su-35 một lợi thế đáng kể trong không chiến tầm gần.

Tóm lại, Su-35 Nga được thiết kế để chống lại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, có lợi thế rất lớn so với Su-27. Bên cạnh đó, với sự vượt trội đáng kể về quân số, nó khó lòng bị tổn thất trong không chiến với tiêm kích Su-27 Ukraine, tờ Military Watch kết luận.