Cố họa sĩ Mai Thứ và những thước phim quý giá về Bác Hồ

ANTĐ - Có một Việt kiều Pháp từng theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh ròng rã suốt 3 tháng trời để quay những thước phim tư liệu quý giá khi Người tới thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp năm 1946. 

Hình ảnh Bác Hồ nói chuyện với các thanh niên dân chủ Pháp tại Paris, 1946

đã được họa sĩ Mai Trung Thứ lưu lại


Người sáng lập hãng phim Tân Việt 

Họa sĩ Mai Trung Thứ sinh năm 1906 tại thôn Do Nha (Ro Nha), xã Tân Tiến, huyện An Dương, tỉnh Kiến An (cũ) nay là xã Tân Tiến, huyện An Dương, Hải Phòng. Ông cùng thời với Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Lê Phổ, Nguyễn Cao Luyện, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí... thuộc khóa đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Bạn bè quen gọi ông là Mai Thứ, sau này, cái tên đó đã trở thành bút hiệu của ông trong suốt cuộc đời nghệ thuật. Từng có thời gian vào Huế dạy học, nhân có một cuộc triển lãm tại Pháp, ông đã sang dự rồi quyết định tu nghiệp và định cư luôn tại nước Pháp.

Dù hơn nửa cuộc đời sống xa Việt Nam nhưng Mai Trung Thứ đã làm hết sức những gì có thể cho sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật quê nhà. Ngoài những cống hiến cho nền hội họa Việt Nam, Mai Trung Thứ còn có nhiều đóng góp quý báu cho nền Điện ảnh Việt Nam. Bên cạnh niềm đam mê hội họa, ông còn dành sự quan tâm trong lĩnh vực điện ảnh. Ông đã tự học kỹ thuật điện ảnh, tự sắm máy quay phim, tự sản xuất phim. Năm 1946, ông gửi về nước bộ phim tài liệu với nhan đề “Sức sống của 25.000 Việt kiều tại Pháp” do chính ông đứng tên hãng sản xuất là Tân Việt. Bộ phim sau đó được chiếu rộng rãi tại các rạp ở Hà Nội. 

Cố họa sĩ Mai Trung Thứ tại phòng tranh của mình - Vanves Pháp, 1964

Và những thước phim quý giá

Mặc dù sống xa quê hương, song tấm lòng ông luôn hướng về Tổ quốc. Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp, mặc dù điều kiện kỹ thuật lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn, nhưng ông đã quay được toàn bộ các hoạt động của Bác từ khi Người đặt chân xuống sân bay Biarritz ở Tây Nam nước Pháp cho đến khi Người rời đất Pháp tại bến cảng Toulon trên bờ Địa Trung Hải, ngày 18-9-1946. Máy quay của  ông đã ghi rất nhiều hình ảnh của Bác Hồ trên đất Pháp, những hoạt động ngoại giao chính thức và những cảnh sinh hoạt ngày thường của Người: tiếp các chính khách nước ngoài; gặp gỡ Việt kiều và những bạn bè quốc tế quen biết Người hơn 20 năm trước; đi thăm địa phương, cơ sở kinh tế, văn hoá, di tích lịch sử; đọc sách, xem biểu diễn nghệ thuật; đi dạo trên bãi biển; ngồi chơi trên bãi cỏ trong vườn Bulônhơ; nằm nghỉ trong vườn nhà ông bà Ôbrắc, uỷ viên Cộng hoà Pháp, ở ngoại ô Paris...

Đáng nhớ nhất là những buổi Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ, nói chuyện với Việt kiều tại Hội trường Mutualiste. Đây là một hội trường lớn trong khu phố Môbe, rất thân thiết với người Việt Nam định cư ở Pari, là nơi diễn ra những buổi liên hoan vào dịp Tết, những cuộc gặp mặt, hội họp, mít tinh, biểu diễn nghệ thuật của Việt kiều. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với Việt kiều, thông báo tình hình trong nước và căn dặn bà con đoàn kết, hướng về Tổ quốc và mỗi người cố học lấy một nghề. Bộ phim đã ghi lại nhiều hình ảnh của Bác Hồ trong các hoạt động chính thức cũng như các sinh hoạt thường ngày và trong các buổi tiếp xúc với Việt kiều. Ông cũng ghi lại được tiếng nói của Bác Hồ trên đĩa nhựa. Trong bộ phim này, ông đã ghi được một số hoạt động của đoàn đàm phán Việt Nam tại Hội nghị Foutainebleau do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu... 

Toàn bộ hơn 1 tạ phim và 11 chiếc đĩa nhựa ghi lại tiếng nói của Hồ Chủ tịch đã được họa sĩ trao tặng lại cho Nhà nước ta. Ông cũng là người đã bỏ nhiều công sưu tầm lại những thước phim quý giá do người Pháp quay Ngày tuyên bố Độc lập 2-9-1945 và dựng lại thành một bộ phim tài liệu chiếu cho bà con kiều bào xem. Nhờ sự giúp đỡ của nhà điện ảnh Hà Lan Giô rít  I-Ven, những thước phim quay lễ tuyên bố Độc lập 

2-9-1945 ở Quảng trường Ba Đình đã được tìm thấy tại nhà một người Pháp ở Pari. Cuối phim, có chữ ký MAI THU, giống với chữ ký của ông Mai Trung Thứ trên các tranh lụa của ông. Chính những tư liệu quý giá đó đã được đồng chí Trường Chinh chỉ đạo dựng ngay thành bộ phim tài liệu lịch sử “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh” phát rộng rãi cho khán giả xem vào dịp 2-9-1975. 

Những đóng góp của cố họa sĩ Mai Trung Thứ cho nền điện ảnh tài liệu nước nhà vô cùng to lớn. Có thể ví ông như chiếc cầu nối văn hóa, lịch sử với những Việt kiều xa quê với đất nước. Mặc dù, tên tuổi của ông ít được biết đến trong nước nhưng những cống hiến của ông là không thể phủ nhận và cần được ghi nhận, tôn vinh xứng đáng của Đảng và Nhà nước.