Chuyên gia quân sự Nga nói xe tăng M1 Abrams yếu và có thể bị xuyên thủng bởi pháo tăng T-55

ANTD.VN - Chuyên gia quân sự Nga, ông Sergey Suvorov nhận định với hãng thông tấn Tass rằng, xe tăng chủ lực M1 Abrams của Mỹ không thực sự mạnh, chúng thậm chí còn bị pháo tăng T-55 xuyên thủng.
Một lần nữa sức mạnh của dòng xe tăng chủ lực M1 Abrams của Mỹ lại được đem ra mổ xẻ. Lần này là nhận định của chuyên gia quân sự Nga, ông Sergey Suvorov.

Chuyên gia Sergey Suvorov nói với hãng thông tấn TASS rằng, các xe tăng M1 Abrams hầu như không thể sửa chữa trong điều kiện chiến trường nhiều bụi.

Chuyên gia quân sự của Nga cũng cho rằng các xe tăng M1 Abrams đã cho thấy điểm yếu trước đối phương trong chiến dịch ở Iraq.

"Kinh nghiệm chiến đấu ở Iraq đã cho thấy chúng có thể bị lửa phá hủy. Tháp pháo của xe tăng này từng bị pháo của T-55 cỡ nòng 100mm xuyên qua", ông Sergey Suvorov nói.
"Có cả những bằng chứng cho thấy xe tăng M1 Abrams từng bị tấn công bởi pháo tự đông 25mm của cả xe chiến đấu bộ binh Bradley do bắn nhầm, và pháo 30mm xe BMP-2 của chúng tôi sản xuất", Sergey Suvorov nhấn mạnh.
Chuyên gia này cũng nói rằng có những trường hợp cho thấy xe tăng M1 Abrasm của Mỹ từng bị xe tăng T-72 phá hủy hoặc bị súng phóng lựu chống tăng RPG-7 bắn cháy.
Vị chuyên gia quân sự Nga cũng chỉ ra rằng, máy phát điện phụ được lắp đặt phần phía sau của tháp pháo để cấp điện cho các hệ thống điện tử hiện đại của xe tăng M1 Abrams cũng là một điểm yếu.
"Nó được bao phủ lớp giáp có thể chống lại đạn súng trường tấn công nhưng lại dễ tổn thương trước súng máy hạng nặng cỡ nòng 12,7mm. Nó từng bị tấn công bởi súng máy DShK và động cơ bị vỡ ra từng mảnh và lan vào động cơ chính khiến nó bốc cháy dẫn tới xe tăng bị loại khỏi vòng chiến", ông Sergey Suvorov cho biết thêm.
Ông Sergey Suvorov cũng cho rằng xe tăng M1 Abrams của Mỹ sẽ không có cơ hội để "đấu tay đôi" với các xe tăng của Nga.
"Nếu một chiếc M1 Abrams xuất hiện từ xa, đội tăng T-72 hoặc T-90 sẽ phóng tên lửa chống tăng và chúng tôi có thể nói rằng xe tăng này thậm chí không có cơ hội để bắn một phát nào bởi tầm bắn của nó không cho phép nó thực hiện điều đó", ông Sergey Suvorov tự tin khẳng định.
Vị chuyên gia Nga còn chỉ ra rằng, động cơ xe tăng M1 Abrams cần nhiên liệu máy bay phản lực sạch, điều này sẽ dẫn tới chúng hoạt động không hiệu quả trong điều kiện chiến trường bụi bặm.
"Việc sửa chữa là một vấn đề lớn. Nếu có gì đó hỏng hóc trong nguồn điện, nó sẽ phải được lấy ra khỏi xe tăng và đưa tới cho những chuyên gia giàu kinh nghiệm sửa chữa, ngắt kết nối với hộp số và chỉ kết nối trở lại sau khi đã sửa chữa xong", ông Sergey Suvorov cho hay.
Hệ thống nạp khí của xe tăng M1 Abrams do Mỹ sản xuất cũng là một điểm yếu của phương tiện này.
"Chúng có hệ thống lọc khí hoạt động tương tự thiết bị được lắp đặt trên các xe cơ giới: Nếu nó bị tắc, nó sẽ cần được lấy ra ngoài và làm sạch. Trong khi đó, tất cả xe tăng của Nga đều được trạng bị các hệ thống gom bụi lốc xoáy, vốn là những thiết bị khá thông minh", chuyên gia này đánh giá.
Vị chuyên gia Nga chỉ ra rằng, bộ lọc của xe tăng M1 Abrams chỉ có thể hoạt động trong 15 phút trong điều kiện địa hình nhiều bụi trong suốt chiến dịch Iraq.
Kế tiếp, ông Sergey Suvorov cũng chỉ ra điểm yếu của xe tăng M1 Abrams liên quan đến tốc độ bắn và những đặc điểm thiết kế mà ông cho là không phù hợp như chiều cao của xe tăng.
Cuối cùng ông Sergey Suvorov nhận định hệ thống nạp đạn thủ công trên xe tăng M1 Abrams là điểm yếu so với xe tăng Nga.
Những nhận định của vị chuyên gia quân sự Nga không phải là không có sơ sở, tuy nhiên không ít ý kiến cho rằng, ông Sergey Suvorov có phần "dìm hàng" hơi quá xe tăng M1 Abrams.
Đầu tiên phải thừa nhận rằng, xe tăng M1 Abrams dù được đánh giá là một dòng xe tăng mạnh nhưng nó không phải bất khả chiến bại, khi có số lượng không nhỏ đã bị đối phương bắn hạ tại Trung Đông.
Điều đáng nói là xe tăng M1 Abrams trong tay quân đội Mỹ chúng thực sự uy lực, nhưng trong tay các quân đội khác như Iraq và Saudi Arabia thì chúng thực sự đáng thất vọng.
M1 Abrams chính thức tham chiến trong chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991. Nó gây ấn tượng mạnh với ê kíp vận hành về hiệu quả tác chiến và bất bại trước xe tăng của Iraq.
Trong thực tế, chỉ có một xe tăng M1 Abrams duy nhất bị phá hủy trong chiến tranh vùng Vịnh, nhưng do quân đội Mỹ bắn nhầm.
Trong chiến tranh Iraq năm 2003, M1 Abrams bị cuốn vào cuộc chiến ở khu vực đô thị - nơi khả năng quan sát của xe tăng bị hạn chế rất nhiều và bị tập kích bởi nhiều hỏa lực chống tăng từ tứ phía.
Tuy vậy chúng cũng thể hiện rõ uy lực và số lượng xe tăng M1 Abrams bị phá hủy thực sự không nhiều.
Những hình ảnh liên quan đến những chiếc xe tăng M1 Abrams bị phá hủy tại Trung Đông chủ yếu là trong trang bị của quân đội Iraq và Saudi Arabia. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao lại như vậy?
M1 Abrams vẫn được coi là một trong những chiếc xe tăng mạnh nhất hành tinh do sở hữu giáp Chobham cực tốt, hỏa lực mạnh, khả năng cơ động cao cùng với đó là hệ thống điện tử liên kết giữa các xe với nhau hiện đại.
Khi bán xe tăng cho đối tác, Mỹ đã lược bỏ giáp Chobham siêu cứng có chứa uranium, đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến M1 Abrams dễ bị loại khỏi vòng chiến đấu khi bị hỏa lực chống tăng nhắm bắn.
Thường khi bán các vũ khí chủ lực, bất cứ quốc gia nào cũng sẽ tìm cách lược bỏ đi một vài tính năng quan trọng để đảm bảo rằng, vũ khí xuất khẩu sẽ yếu hơn so với vũ khí trong nước.
Tuy nhiên việc loại bỏ giáp Chobham khiến cho xe tăng trở nên mong manh trước các loại vũ khí chống tăng của đối phương.
Mặt khác dù phương tiện vũ khí hiện đại, nhưng yếu tố con người cũng là phần quan trọng trong tác chiến.
Năng lực tác chiến của lính xe tăng Mỹ rất tốt, mặt khác sự hiệp đồng tác chiến từ các lực lượng khác được liên kết chặt chẽ, điều này làm gia tăng hiệu quả chiến đấu.

Chế tạo xe tăng rộng rãi cũng đến từ triết lý và tư duy trong tác chiến của mỗi bên, trong khi Mỹ thường chế tạo xe tăng có kích thước lớn thì Liên Xô trước đây và Nga sau này lại có xu hướng chế tạo chiến xa nhỏ và thấp để tránh việc dễ bị phát hiện và bắn hạ.

Người Mỹ cho rằng, chỉ trong điều kiện thoải mái nhất có thể, lính tăng mới có thể phát huy hiệu quả tác chiến.

Mới đây nhất, tại chiến trường Syria, trong lúc cảm thấy quá nóng và bí bách khi phải tác chiến trong thời gian lâu, kíp điều khiển xe tăng T-90A Syria đã mở cửa xe cho thoáng. Việc mở cửa xe đã vô tình tắt hệ thống phòng vệ chủ động Shtora-S1 và kết quả chiếc xe tăng này bị đối phương bắn hạ.

Cuối cùng thì người Nga cũng nhận ra điều này khi thiết kế xe tăng chủ lực mới nhất của họ là T-14 Armata đã có kích thước và chiều cao hơn hẳn các dòng xe tăng trước đây.

Xe tăng phương Tây cũng thiết kế theo kiểu nạp đạn thủ công thay vì tự động, họ cho rằng điều này sẽ chủ động hơn trong việc chọn loại đạn tác chiến.

Mặt khác để hệ thống nạp đạn tự động chứa hàng chục viên đạn trong ổ quay rất nguy hiểm nếu bị trúng đạn sẽ kích nổ hiệu ứng dây chuyền.

Đó là lý do các xe tăng Nga với hệ thống nạp đạn tự động liên tục bị thổi tung tháp pháo mỗi khi trúng đạn, trong khi điều này ở xe tăng phương Tây cũng có nhưng lại rất hiếm.

Để đánh giá một cách toàn diện và công bằng nhất về một chủng loại vũ khí như xe tăng, cách tốt nhất là nhìn vào thực chiến trong các cuộc xung đột nó tham gia.

Xe tăng M1 Abrams có lẽ là trường hợp khá lạ lùng, bởi lẽ như chúng ta đã nói ở trên, loại chiến xa này trong tay quân Mỹ thì phát huy tối đa hiệu quả, khiến các lực lượng xe tăng đối phương khiếp sợ như tại cuộc chiến Iraq khi nó tiêu diệt hàng trăm xe tăng T-55, T-62 và T-72 đối phương.
Tuy nhiên khi ở trong tay quân đội Iraq và Saudi Arabia nó lại vô cùng thảm hại.