Chuyên gia Mỹ đề xuất gây sốc: NATO nên cải tổ để kết nạp thành viên mới là… Nga

ANTD.VN - Kết nạp Nga vào NATO thoạt nghe như một kịch bản phi lý, nhưng lại đang xuất hiện ngày càng nhiều ý kiến về điều này trong nội bộ nước Mỹ.

Kết nạp Nga vào NATO là kịch bản được ông Rick Roseoff - một nhà phân tích quân sự người Mỹ và là người sáng lập Tổ chức Stop NATO trình bày trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ PolitRussia.

Ông Roseoff đã gây chú ý khi tin rằng Mỹ có thể ngăn chặn cuộc chiến tiềm tàng ở Đông Âu bằng một cách cố gắng thuyết phục Nga gia nhập NATO. Theo vị chuyên gia, nếu đưa Moskva và Kiev vào một tổ chức sẽ xóa bỏ căng thẳng giữa hai nước mãi mãi.

Tuy nhiên ông Rick Rosoff lưu ý, điểm mấu chốt hoàn toàn không nằm ở điều này, chắc chắn rằng trong tương lai gần sẽ có ngày càng nhiều cuộc đàm phán để tìm ra một thỏa hiệp giữa NATO và Nga.

Quay trở lại viễn cảnh Liên minh NATO sẽ tiếp nhận Ukraine và Nga, nghe có vẻ cực kỳ vô lý, nhưng không với các chính trị gia Mỹ thì điều gì cũng có thể xảy ra.

Kịch bản trên được hỗ trợ bởi sự kiện diễn ra vào ngày 12/1/2022, khi cuộc họp Hội đồng Nga - NATO sẽ diễn ra sau một thời gian bị đình trệ.

Xem xét thực tế đang diễn ra sau khi Liên bang Nga và NATO đồng loạt trục xuất các đại diện của nhau khỏi Moskva và Brussels, chúng ta có thể tin tưởng rằng một điều gì đó thực sự bất thường đang xảy ra trong mối quan hệ của hai bên.

Báo chí cũng nhớ lại những tuyên bố gần đây rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành trung gian hòa giải trong quan hệ Nga - Ukraine, mà theo một số quan chức tại Moskva - sẽ được coi là hình mẫu cho sự hợp tác rộng rãi hơn giữa Nga và NATO trong tương lai.

Ông Rosoff cho rằng nếu bắt đầu một cuộc đối thoại như vậy, Mỹ cần hành động từ một vị thế mạnh mẽ, chân thành, khiến đối tác cảm nhận được sự nghiêm túc của việc mời Nga trở thành thành viên của Liên minh.

Đồng thời cần nhấn mạnh, người Mỹ thực sự đã có kế hoạch thu hút Liên bang Nga vào khối quân sự. Tuy nhiên dự định này sẽ gắn liền với một cuộc cải tổ nghiêm túc của nước Nga.

Trên thực tế, Washington sẵn sàng cho Moskva thời hạn 5 năm để tạo ra những thay đổi đáng kể trong cơ cấu kinh tế và chính trị. Và chỉ sau đó, các nhà lãnh đạo NATO mới xem xét đơn xin gia nhập của Nga. Tất nhiên, đề xuất có thể được phát biểu dưới một hình thức khác.

Tuy nhiên như tác giả tóm tắt, ngay cả cái nhìn lạc quan nhất về một viễn cảnh như vậy cũng không cho phép người ta tưởng tượng ra viễn cảnh Nga thậm chí có thể nghĩ đến việc gia nhập NATO - một tổ chức có mục đích duy nhất là chống lại Moskva.

Trước đó bình luận về việc Nga gia nhập NATO, trang Sina của Trung Quốc cho rằng thật khó để tưởng tượng châu Âu có một khối siêu quân sự toàn cầu.

Điều này có nghĩa là các kế hoạch giải trừ quân bị quốc tế hoặc ít nhất là khu vực và thiết lập hòa bình trên hành tinh có thể bị lãng quên hoàn toàn. Và đó chính là lý do tại sao Nga sẽ không bao giờ đồng ý với một đề xuất như vậy.