Chuyện buồn về những người đi cai nghiện

ANTĐ - Tiếp xúc với những người nghiện ma túy mới thấy, có trăm nghìn lý do đưa đẩy người ta đến với “cái chết trắng”, để rồi có những người trượt dài trong vòng xoáy tội lỗi. Những rối loạn do sử dụng ma túy hoàn toàn có thể ngăn ngừa và điều trị được, còn việc có thể đoạn tuyệt hẳn với nó hay không phụ thuộc hoàn toàn vào chính bản thân mỗi người nghiện.
Một buổi lao động của học viên tại Trung tâm Chữa bệnh-GDLĐXH số VI 

Đừng đổ lỗi cho dòng đời xô đẩy

Chúng tôi đến Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội (GDLĐXH) số VI ở xã Tân Minh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) vào đúng dịp cả nước sôi nổi tổ chức các hoạt động mít tinh, kỷ niệm, hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng chống ma túy (26-6) năm nay. Học viên đầu tiên mà chúng tôi gặp tại đây đã tạo cho chúng tôi một ấn tượng rất mạnh. Anh là T.H.N (33 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội), nghiện heroin hơn chục năm nay và đây là lần thứ hai đi cai nghiện tập trung.

Câu chuyện về gia đình, về lý do bị lôi kéo vào con đường nghiện ngập ma túy, về nguyên nhân tái nghiện vào năm 2012 sau khi đã cai nghiện thành công được gần 3 năm… của anh N. không có gì quá đặc biệt. Điểm khác biệt là ở lần đi cai tập trung thứ hai này, anh N. không tỏ ra bi quan như đa số người tái nghiện khác mà rất hăng say rèn luyện, quyết tâm và tin tưởng mình sẽ sớm đoạn tuyệt được với ma túy. Anh kể: “Sau nhiều đêm thức trắng ăn năn, nghĩ về những gì mình đã đánh mất, nghĩ về người thân và tương lai, mình nhận ra một điều là đừng bao giờ đổ lỗi cho xã hội hay dòng đời xô đẩy mà muốn cai nghiện thành công, quan trọng nhất là bản lĩnh của chính mình”. 

Biết lao động kiếm tiền trợ giúp gia đình từ khi còn rất nhỏ, việc tự kiếm được đồng tiền khá dễ dàng nên anh N. sớm sa vào ăn chơi rồi từ đó nghiện ma túy. Năm 2009, sau 2 năm đi cai nghiện tập trung trở về, anh tìm được công việc khá tốt tại một doanh nghiệp nhà nước, cuộc sống gia đình cũng không có gì phải lo lắng. Thế nhưng đến khi tình cờ gặp lại những người “bạn nghiện” ngày trước, khi bất chợt đi ngang qua “con phố cũ”, anh lại không làm chủ được lý trí của mình và sử dụng ma túy trở lại… “Giờ thì mình đã nhận ra, muốn có bản lĩnh thì phải rèn luyện thật nhiều. Rèn luyện bản lĩnh không phải bắt đầu từ những cái gì to tát mà chính là cái nhỏ nhặt nhất, đó là phải biết chấp nhận, biết hài lòng và trân trọng những thứ mình đang    có. Khi mình biết hài lòng và trân trọng thứ mình đang có thì mình sẽ biết phải cố gắng giữ lấy nó và không có lý do gì để làm thay đổi nó” - anh H. N. tâm sự.

Cũng giống như anh N. những học viên sau đó mà chúng tôi gặp gỡ như anh Phạm Hữu N. (29 tuổi, ở Thạch Thất, Hà Nội), anh Phan Huy C. (25 tuổi, trước đó đang là sinh viên trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội)… đều cho rằng, có rất nhiều cách để cai nghiện nhưng đoạn tuyệt được hẳn với ma túy thì khó hơn trăm nghìn lần và chỉ những người rèn luyện được bản lĩnh vững vàng mới hy vọng thành công. 

Nhận thức và hành vi

Đã 11 năm về công tác tại Trung tâm Chữa bệnh-GDLĐXH số VI, phụ trách công tác giáo dục và từng trực tiếp quản lý học viên, anh Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Quản lý-GDLĐXH của Trung tâm cho biết, làm nghề càng lâu thì trong anh càng nhiều trăn trở. Đó cũng là sự trăn trở chung của những người cán bộ giáo dục trước con đường trở lại cộng đồng đầy gập ghềnh và khó khăn của các học viên. Cai nghiện cắt cơn thì dễ nhưng làm thế nào để giúp người nghiện đoạn tuyệt được hẳn với ma túy khi họ trở lại cộng đồng vẫn là việc quá khó khăn. Một thực tế đau xót là tỷ lệ tái nghiện đối với những người đã từng trải qua các đợt cai nghiện, giáo dục lao động xã hội hiện còn quá cao. 

Trung tâm Chữa bệnh-GDLĐXH hiện có khoảng hơn 800 học viên, là cơ sở có số học viên ít nhất trong số các Trung tâm Chữa bệnh-GDLĐXH của Hà Nội và đặc biệt tất cả học viên đều là nam giới. Trong số các học viên đang điều trị, cai nghiện ma túy tại đây, trẻ có, già có, trình độ khác nhau và “tiểu sử” cũng khác nhau. Có những người vì một phút nhẹ dạ, cả tin hoặc chỉ vì cả nể mà hút ma túy rồi nghiện, song cũng rất nhiều người đã từng có tiền án, tiền sự, thậm chí có người mới hơn 40 tuổi mà đã 7 tiền án, có người 11 tiền sự. Mặt khác, đa số người vào cai nghiện tập trung không phải do họ tự nguyện và khi vào Trung tâm cũng không mấy người có nhu cầu tự thân rèn luyện, học tập, quyết tâm cao ngay. Đó có lẽ là một nguyên nhân khiến tỷ lệ tái nghiện sau cai rất cao, thậm chí lên đến 90%.

“Tôi và các đồng nghiệp rất đau xót khi năm sau lại thấy những gương mặt học viên cũ đã từng trải qua các khóa chăm sóc, giáo dục trước đó trở lại vì tái nghiện. Có người vừa trở về cộng đồng 1 tháng đã tái nghiện, có người sau khi đi cai lần 2 về được 3 tháng lại tái nghiện. Có những người đã vào cai nghiện đến 4, 5 lần. Đáng buồn hơn là thi thoảng các thầy quản lý học viên ở Trung tâm lại nhận được tin về một học viên nào đó của mình sau khi trở về cộng đồng đã… chết vì sốc thuốc. Những rối loạn do sử dụng ma túy hoàn toàn có thể ngăn ngừa và điều trị được nhưng người nghiện chỉ có thể đoạn tuyệt được hoàn toàn khi chính bản thân họ có quyết tâm, cùng sự bao bọc, giúp đỡ của gia đình và xã hội” - anh Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.