Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi của nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 25-5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2022; Phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021…

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng cho biết, một trong những vấn đề trọng tâm cần giải quyết trước mắt là thúc đẩy tiến độ việc giải ngân vốn đầu tư công. Gói kích thích kinh tế đã tập trung đầu tư cho các lĩnh vực hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế…, nhưng đến nay tiến độ giải ngân, phân bổ còn chậm, không đáp ứng được yêu cầu. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đã gây ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi của nền kinh tế, gây khó khăn cho nhiều lĩnh vực, đặc biệt là làm thiếu thốn thuốc và vật tư y tế phục vụ việc phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe người dân; gây ảnh hưởng đến công tác giáo dục, đào tạo. Cho rằng đây là vấn đề trầm kha, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm và còn để lại những hậu quả nặng nề, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cần phải tìm giải pháp mới, đột phá để giải quyết những vấn đề đã cũ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ, sáng 25-5

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ, sáng 25-5

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm, về nguyên tắc, chính sách thí điểm chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian, do đó Chính phủ phải nghiên cứu, khẩn trương đề xuất định hướng để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu. Theo Chủ tịch Quốc hội, các nước có luật để xử lý nợ xấu lúc khủng hoảng, Nghị quyết 42 của Quốc hội Khóa XIV về bản chất cũng là một luật như vậy, khác hoàn toàn với cơ chế thông thường, với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các luật liên quan. Do đó, không nên đặt vấn đề xây dựng một luật về xử lý nợ xấu mà cần hoàn thiện quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42, xác định nội dung nào kế thừa, đưa vào luật. Ngành ngân hàng, Chính phủ phải tự đặt ra áp lực để vượt lên, phải giao một số nhiệm vụ trọng tâm cho thời gian thực hiện kéo dài Nghị quyết 42, nhất là nhiệm vụ về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để đưa trở về trạng thái bình thường.

Về kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí, một số đại biểu cho rằng, theo quy định của luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, việc tiết kiệm là giảm bớt hao phí trong sử dụng vốn, tài sản, thời gian lao động và tài nguyên nhưng vẫn đạt được mục tiêu. Đối với những lĩnh vực có định mức, tiêu chuẩn, chế độ được hình thành thì tiết kiệm là việc sử dụng ở mức thấp hơn định mức, tiêu chuẩn nhưng vẫn đạt được mục tiêu. Bên cạnh đó, trường hợp thực hiện đúng mục đích, tiêu chuẩn nhưng đạt được kết quả cao hơn mục tiêu cũng được coi là tiết kiệm. Trong báo cáo của Chính phủ đã rà soát và ban hành nhiều định mức, chế độ tiêu chuẩn, các đại biểu cho rằng cần có sự đánh giá đúng mức sự phù hợp về chế độ định mức, tiêu chuẩn đó về tính hợp pháp. Đồng thời cần lấy đó làm thước đo để đánh giá việc thực hành tiết kiệm. Nếu chỉ thực hiện đúng định mức tiêu chuẩn, thì chưa đạt được mục tiêu thực hành tiết kiệm.

Cho biết trong phát hiện lãng phí, hiện tại luật mới quy định về việc bảo vệ, biểu dương người phát hiện lãng phí, các đại biểu cho rằng cần có thêm khuyến khích ở mức độ cao hơn, có thể khen thưởng những người phát hiện lãng phí, để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực sự của công tác này. Với việc thực hành tiết kiệm trong nhân dân, các đại biểu cho biết, khi tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm, nghiên cứu để phát động toàn dân tham gia công cuộc thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Cử tri mong muốn đặt vai trò, tầm quan trọng của tiết kiệm chống lãng phí ngang với công cuộc phòng, chống tham nhũng mà nước ta đang quyết tâm thực hiện.

Đối với vấn đề tinh giản biên chế, các đại biểu cũng cho rằng để công tác này đạt được hiệu quả, cần có sự chủ động, tích cực từ phía các địa phương. Theo đó, không nên áp cứng các chỉ tiêu về số lượng biên chế một cách máy móc, mà mỗi địa phương tùy theo tình hình thực tế, các điểm đặc thù của địa phương để thực hiện tinh giản biên chế cho phù hợp, đảm bảo tinh gọn bộ máy gắn liền với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Tiền không tiêu được phải chăng là do khâu chuẩn bị đầu tư?

Dẫn chứng cụ thể về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch trị giá 347.000 tỷ đồng phân bổ cho các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế… Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện chưa giải ngân được đồng nào. Trong đó, 14.000 tỷ đồng cho lĩnh vực y tế chưa có danh mục nào. Chương trình “sóng và máy tính cho em” tiền có sẵn mà không tiêu được, không biết lý do là gì, trong khi thể chế không vướng. “Ngay cả vấn đề mua sắm liên quan đến phòng chống dịch, Quốc hội, Chính phủ đã có Nghị quyết cho mua theo cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt nhưng xuất hiện 2 trạng thái là một số nơi không dám mua, có nơi mua thì sai. Không hiểu lý do vì sao…” - Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề và cho rằng tiền không tiêu được phải chăng là do khâu chuẩn bị đầu tư? “Việc mua sắm có tỉnh mời cả cơ quan Nội chính, Thanh tra, Công an vào hội đồng nhưng vẫn không mua được. Rõ ràng trong mua sắm - thể chế không vướng gì, thậm chí còn cho cơ chế đặc thù, đặc cách, chỉ định thầu” - Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị các ĐBQH cùng hiến kế.

“Đề nghị Chính phủ làm rõ hơn tác động của đứt gãy chuỗi cung ứng đối với hoạt động kinh tế trong nước, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp, đồng thời đề xuất các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài cho những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động tiêu cực của chuỗi cung ứng. Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, các công cụ của chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt và đồng bộ; có sự phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để điều tiết những thanh khoản làm ổn thị trường tiền tệ”.

Đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng)

“Đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo, nghiên cứu đưa ra giải pháp đột phá, tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục triển khai, tạo chuyển biến tích cực và thực chất trong vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công, qua đó thúc đẩy quá trình hồi phục kinh tế. Bên cạnh đó, đề nghị cần có giải pháp cụ thể để khắc phục vấn đề phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ và hiệu quả trong công tác tổ chức thực hiện, triển khai, để những chính sách sớm đem đến hiệu quả thiết thực trong đời sống”.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang)

“Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí chỉ nêu các chỉ số định mức, tiêu chuẩn trong lĩnh vực xây dựng, cần bổ sung thêm định mức, tiêu chuẩn, số liệu trong các lĩnh vực y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn… để giúp công tác điều hành, chỉ đạo và các cơ quan thực hiện được tốt hơn, nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Để khuyến khích tiết kiệm trong các cơ quan tổ chức, cần có cơ chế, phân chia lại những hiệu quả được tiết kiệm, cần có khuyến khích về mặt lợi ích cho các đối tượng thực hành tiết kiệm”.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh)